Đa dạng hóa đối tượng nuôi trong vùng ngọt - lợ tỉnh Bến Tre

Trong những năm qua, lợi nhuận từ tôm biển (tôm thẻ chân trắng) khá cao nên người nuôi phát triển nuôi một cách ồ ạt không theo quy hoạch đã làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt cũng như sản xuất của người dân.

 

Hiện nay, tình hình dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp, chưa có giải pháp toàn diện nên một diện tích ao nuôi tôm biển chưa tận dụng triệt để vào nuôi trồng thủy sản. Vì vậy, việc tìm kiếm những đối tượng nuôi mới có hiệu quả kinh tế cao nhằm giúp chuyển đổi đối tượng nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất là rất cấp thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay.

 

Qua tìm hiểu, nhận thấy Cá chạch lấu (Mastacembelus favus Hora, 1923) là loài cá bản địa, có giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao (250.000-350.000 đ/kg). Sản lượng cá chạch lấu trong tự nhiên ngày càng sụt giảm, không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Vì vậy, năm 2020 Trung tâm Khuyến nông Bến Tre đề xuất thực hiện thí điểm mô hình ương và nuôi thương phẩm Cá chạch lấu tại xã Qưới Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre với qui mô 3.500 m2,  với 03 hộ tham gia, các hộ tham gia mô hình được tập huấn kỹ thuật trước khi thả giống và được nhà nước hỗ trợ 50% con giống và 50% thức ăn cho các hộ tham gia mô hình. Mô hình được Trung tâm Khuyến nông và Trạm Khuyến nông huyện Thạnh Phú phối hợp với Chính quyền địa phương cùng các hộ tham gia tiến hành thực hiện như sau:

 

1. Chuẩn bị ao ương:

1.1 Cải tạo ao

Ao ương cá chạch lấu có diện tích 300 m2/hộ, mực nước 1,2m. Trước khi thả cá  ao ương được chuẩn bị với các bước cụ thể như sau:

- Tát cạn hoặc tháo cạn nước ao, nạo vét bùn đáy ao, chỉ để lại lớp bùn khoảng 10 cm.

- Cắt dọn sạch cỏ quanh bờ và cây cỏ thủy sinh trong ao.

- Sửa chữa lại những chỗ bờ ao bị sạt lở, rò rỉ, lấp hết hang hốc như hang cua, rắn, chuột. Tu sửa lại cống cấp thoát nước và lưới chắn, bắt hết cá tạp.

- Dùng vôi bột rải đều đáy ao và mái bờ ao để hạ phèn, diệt các mầm bệnh với lượng 10 kg/100m2 ao, sau đó phơi đáy ao 5 ngày. Cấp nước vào ao qua lưới lọc, mực nước đạt 0,8 m, để lắng 3 ngày có thể tiến hành thả giống và tiếp tục cấp thêm nước cho đến khi đạt mức nước 1,2m.

- Đặt giá thể xung quanh ao, giá thể có thể là chà tre bó thành từng bó hoặc ống nhựa dài khoảng 30 - 40 cm và bó lại thành bó đặt cách đáy ao khoảng 20cm và kết hợp giá thể dây nylon.

 

Ao ương cá chạch lấu.

 

1.2 Chọn giống và mật độ thả

*Chọn giống

Cá giống thả nuôi phải khỏe mạnh, kích cỡ tương đối đồng đều, bơi lội nhanh nhẹn, không bị xây xát, không có dấu hiệu bệnh, chọn mua con giống ở những cơ sở uy tín.

Kích cỡ con giống 6 - 8 cm, chọn mua con giống đã được thuần bằng thức ăn công nghiệp.

*Mật độ ương: 20 con/m2 

*Cách thả giống và thời gian thả giống

Tắm cá: Trước khi thả nuôi cần phải tắm cá bằng nước muối 15‰ trong 05 phút. Theo dõi trong quá trình tắm cá, nếu thấy cá có biểu hiện sốc thì tiến hành thả cá ra ương nuôi không nên để lâu cá sẽ bị mất nhớt.

*Thời gian thả giống: sáng sớm.

* Mùa vụ ương: Mùa vụ ương thích hợp từ tháng 4 - 10 hằng năm.

 

 1.3 Chăm sóc và quản lý môi trường ao ương

*Chăm sóc cá

Thức ăn sử dụng cho cá ăn là thức ăn công nghiệp có độ đạm 42% (có thể sử dụng thức ăn của tôm sú, thẻ) cho cá ăn.

Khẩu phần cho cá ăn ở giai đoạn ương từ 8 – 12% khối lượng cá, tùy theo thời gian ương và khối lượng của cá, hàng ngày theo dõi khả năng bắt mồi của cá, tránh cho ăn dư thừa làm nước ao bị ô nhiễm, tăng chi phí và cũng không cho cá ăn thiếu thức ăn làm cá bị phân đàn, thường xuyên vệ sinh sàn ăn của cá sau mỗi cử ăn.

Cách cho cá ăn: Hàng ngày cho cá ăn 2 lần vào buổi sáng và chiều, buổi sáng cho cá ăn vào lúc 07 giờ; buổi chiều cho cá ăn vào lúc 17 giờ. Thức ăn được cho vào sàn và đặt sàn gần giá thể nơi cá trú ẩn.

*Kiểm tra, quản lý ao nuôi:

 - Hàng ngày, tiến hành kiểm tra ao vào buổi sáng, quan sát hoạt động của cá và màu nước ao, phát hiện kịp thời các hiện tượng bất thường của cá và môi trường để có biện pháp xử lý thích hợp.

- Ðịnh kỳ hàng tháng kiểm tra tốc độ tăng trưởng của cá thông qua sàng ăn hoặc giá thể đặt trong ao ương và ghi vào sổ nhật ký theo dõi.

- Định kỳ bổ sung viatmin C, men tiêu hóa trộn vào thức ăn giúp cá tiêu hóa tốt thức ăn và tăng cường sức đề kháng nhất là trong thời điểm giao mùa.

- Định kỳ thay nước giữ cho môi trường ao trong sạch bằng các biện pháp sau:

+ Thay nước ít nhất 2 lần/tháng, mỗi lần thay từ 20 đến 30% lượng nước trong ao.

+ Thường xuyên vệ sinh ao ương: vớt cỏ rác, thức ăn thừa, đảm bảo ao ương cá không bị nhiễm bẩn.

- Thường xuyên kiểm tra bờ, cống để có biện pháp xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra tránh thất thoát cá nuôi.

- Sau 02 tháng ương tiến hành chuyển sang ao nuôi thương phẩm, kết quả đạt được sau 02 tháng ương là khối lượng bình quân đạt 200 con/kg, tỷ lệ sống đạt 90%.

 

Cá sau 02 tháng ương.

 

2. Chuẩn bị ao nuôi

2.1 Cải tạo ao nuôi: giống như cải tạo ao ương, tuy nhiên ao nuôi thương phẩm mực nước ao 1,5 m.

2.2 Mật độ thả: 5 con/m2.

2.3 Chăm sóc cá nuôi

*Thức ăn 

 Thức ăn sử dụng cho cá ăn là thức ăn công nghiệp có độ đạm 37-42% (có thể sử dụng thức ăn của tôm sú, thẻ) cho cá ăn.

Khẩu phần cho cá ăn ở giai đoạn ương từ 2–8% khối lượng cá, tùy theo thời gian nuôi và khối lượng của cá, hàng ngày theo dõi khả năng bắt mồi của cá, tránh cho ăn dư thừa làm nước ao bị ô nhiễm, tăng chi phí và cũng không cho cá ăn thiếu thức ăn làm cá bị phân đàn, thường xuyên vệ sinh sàn ăn của cá sau mỗi cử ăn.

Cách cho cá ăn: ngày cho cá ăn 2 lần vào buổi sáng và chiều: buổi sáng cho cá ăn vào lúc 07 giờ; buổi chiều cho cá ăn vào lúc 17 giờ. Thức ăn được cho vào sàn và đặt sàn gần giá thể nơi cá trú ẩn.

*Kiểm tra, quản lý ao nuôi:

 - Hàng ngày, tiến hành kiểm tra ao vào buổi sáng, quan sát hoạt động của cá và màu nước ao nuôi, phát hiện kịp thời các hiện tượng bất thường của cá và môi trường để có biện pháp xử lý thích hợp.

- Ðịnh kỳ hàng tháng kiểm tra tốc độ tăng trưởng của cá thông qua sàn ăn và ghi vào sổ nhật ký theo dõi.

- Định kỳ bổ sung viatmin C, men tiêu hóa trộn vào thức ăn giúp cá tiêu hóa tốt thức ăn và tăng cường sức đề kháng nhất là trong thời điểm giao mùa.

- Định kỳ thay nước giữ cho môi trường ao nuôi trong sạch bằng các biện pháp sau:

+ Thay nước ít nhất 2 lần/ tháng, mỗi lần thay từ 30 đến 50% lượng nước trong ao.

+ Thường xuyên vệ sinh ao nuôi: vớt cỏ rác, thức ăn thừa, đảm bảo ao nuôi cá không bị nhiễm bẩn.

- Thường xuyên kiểm tra bờ, cống để có biện pháp xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra tránh thất thoát cá nuôi.

2.4 Thu hoạch

- Sau thời gian nuôi 8 tháng cá đạt khối lượng bình quân 04 con/kg tiến hành thu hoạch.

 

Cá thương phẩm.

 

3. Hiệu quả của mô hình:

- Đây là đối tượng nuôi còn khá mới đối với bà con, nhưng khi được tập huấn kỹ thuật các hộ mạnh dạn tham gia trình diễn mô hình. Qua thời gian thực hiện và theo dõi mô hình, kết quả mô hình đạt được đó là tỷ lệ sống bình quân đạt 80%, tỷ lệ hao hụt 20%, hao hụt chủ yếu trong khoảng 10 ngày đầu sau khi thả giống do cá bị xây sát trong quá trình vận chuyển, trong thời gian nuôi cũng có hao hụt nhưng không đáng kể.

- Chi phí đầu tư 550.000.000 đồng (3.500 m2) bao gồm chi phí con giống, thức ăn, công cải tạo ao, công lao động, thuốc xử lý và bổ dưỡng. Lợi nhuận đạt 220.000.000 đồng, tỷ suất lợi nhuận đạt 40%.

- Qua thời gian theo dõi và thực hiện, chúng tôi nhận thấy quy trình ương và nuôi thương phẩm cá chạch lấu dễ làm, dễ áp dụng, phù hợp với điều kiện sinh thái ở địa phương, tận dụng công lao động nhàn rỗi đưa vào sản xuất và sinh lời một cách ổn định và bền vững đồng thời mở rộng phong trào nuôi thương phẩm cá chạch lấu trên địa bàn các huyện trong tỉnh đặc biệt là các vùng ngọt hóa, lợ nhẹ (dưới 7‰) nhằm giúp bà con chuyển đổi đối tượng nuôi phù hợp điều kiện sinh thái ở địa phương.

 

 

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nghiệm thu đề tài “Tạo lập, quản lý, và phát triển chỉ dẫn địa lý “Thạnh Phú” cho sản phẩm gạo của huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Góp ý Quy trình kỹ thuật ương thuần dưỡng và nuôi thương phẩm cá bông lau trong ao đất tại Bến Tre”
• Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Quy định quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa
• Nghiệm thu đề tài “Khảo sát sự lưu hành của virus và đánh giá đáp ứng miễn dịch sau khi tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục trên bò tại Bến Tre”
• Hội thảo “Một số giải pháp xây dựng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu quy trình công nghệ và hệ thống thiết bị sơ chế, xử lý và bảo quản quả bưởi tươi phục vụ nội tiêu và xuất khẩu”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của kênh, rạch, mương trong chăn nuôi heo tại huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre”
• Công bố quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Khác biệt chưa biết về chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” cho sản phẩm xoài Tứ Quý
• Phát hành hóa đơn điện tử ngay sau từng lần bán hàng xăng dầu
• Bến Tre: Tập huấn về cơ chế chi trả dựa vào kết quả - RBF và hướng dẫn nghiệm thu công trình khí sinh học trong chăn nuôi cho cán bộ kiểm tra chất lượng và thợ xây, thợ lắp đặt tại địa phương
• Hội thảo “Giải pháp khai thác hiệu quả các bãi bồi, cồn nổi ven sông trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Sản phẩm gạo “Thạnh Phú” được bảo hộ chỉ dẫn địa lý