Chị Lê Thị Mai mạnh dạng khởi nghiệp với “bột nưa tacca”

Từ việc chỉ trồng để ăn, củ nưa chế biến thành bột đã được chị Lê Thị Mai, 54 tuổi ở xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú chọn làm sản phẩm khởi nghiệp qua đó giúp kinh tế gia đình ngày phát triển đồng thời góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

 

Sản phẩm khởi nghiệp bột nưa của chị Mai có tính độc đáo, sáng tạo riêng. Trong cuộc thi phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp năm 2021 do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức, sản phẩm “Chế biến bột nưa Tacca” của chị Mai đã đạt giải 3.

 

Chị Lê Thị Mai với sản phẩm “Bột nưa Tacca” của mình. Ảnh Văn Minh.

 

Chị Mai cho biết lúc đầu chỉ trồng để ăn, cho người thân và bán cho hàng xóm quanh nhà; lâu dần nhiều người tiêu dùng biết đến nên chị mạnh dạng đầu tư máy móc và chế biến thành phẩm bột nưa và lấy tên là “Bột nưa Tacca” mở rộng quy mô sản xuất và tăng cường quảng bá sản phẩm.

 

Do máy công suất nhỏ không sản xuất được nhiều bột, 3 năm gần đây chị đầu tư hẳn máy gọt võ, máy tách bột và sát, máy sấy, máy xay bột mịn, máy đóng gói với công suất lớn hơn; mỗi ngày có thể cho ra gần 20 kg bột.

 

Cùng với đó, chị tận dụng hơn chục công đất trồng xoài Tứ Quý của mình để trồng xen củ nưa làm nguyên liệu để chế biến bột. Vừa có thu nhập từ xoài, bột nưa góp phần tăng thu nhập cho gia đình.

 

Khi mở rộng quy mô sản xuất, nhu cầu nguồn nguyên liệu vì thế cũng tăng; nên chị đã đưa giống cho một số hộ và thu mua lại với giá cố định là 10 ngàn đồng/kg và ngày càng có nhiều người nhận giống để trồng. Củ nưa trồng từ tháng 4 đến tháng 11 thì có thể thu hoạch; do bột nưa thành phẩm có thể bảo quản sử dụng trong thời gian khá lâu nên chị có sản phẩm bán quanh năm.

 

Sản phẩm hiện có bao bì, nhãn mác, được chú trọng quảng bá và phân phối qua nhiều kênh như: bán tại nhà, các tiệm tạp hóa và mạng xã hội, bán hàng trên lazada, shopee, Sendo (Sen đỏ),… chị Mai cho biết: “Sắp tới, tôi tiếp tục đưa nưa giống cho các hộ dân trồng, khi có nhiều nguồn nguyên liệu sẽ đầu tư thêm máy móc mở rộng quy mô sản xuất, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng cường quảng bá thương hiệu để được nhiều người tiêu dùng biết đến”.

 

Đây là mô hình khởi nghiệp tiêu biểu trong hội viên phụ nữ, được Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đánh giá cao góp phần khẳng định vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Không chỉ nâng cao thu nhập cho gia đình, mà còn giải quyết việc làm cho một số lao động nhàn rỗi tại địa phương, chị Hà Thị Tám Tư – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thạnh Hải cho biết: “Mô hình Khởi nghiệp “Chế biến bột nưa Tacca” của chị Mai tôi thấy khá hiệu quả, vừa phát triển kinh tế gia đình, vừa giải quyết được việc làm cho lao động nhàn rỗi tại địa phương, góp phần thực hiện tiêu chí về thu nhập trong xây dựng nông thôn mới. Hướng đến Hội Liên hiệp Phụ nữ xã sẽ gắn kết với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện hỗ trợ chị Mai xây dựng sản phẩm đạt sản phẩm OCOP nhằm quảng bá trên thị trường để tiêu thụ được nhiều hơn”.

 

Với những định hướng rõ ràng cho phát triển, cùng sự hỗ trợ tích cực từ các ngành và địa phương, tin rằng sản phẩm bột nưa Tacca của chị Mai sẽ được nhiều người tiêu dùng biết đến hơn, việc kinh doanh của gia đình luôn thuận lợi và hiệu quả, mở rộng quy mô sản xuất qua đó có thể giải quyết việc làm cho nhiều người lao động tại địa phương.

 

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi