Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Bến Tre gắn với thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số

 

Thời gian qua tại tỉnh Bến Tre việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông đã có những chuyển biến đáng kể, tuy nhiên còn nhiều hạn chế, đó là những hạn chế trong nhận thức, tuyên truyền, các cơ chế, quy định, hệ thống đổi mới sáng tạo chưa đồng bộ, khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa là động lực phát triển kinh tế-xã hội. Do đó, tỉnh Bến Tre đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-TU ngày 20/10/2020 về chuyển đổi số tỉnh BếnTre giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030 với mục tiêu đến năm 2025 Bến Tre thành địa phương thực hiện chuyển đổi số thành công, phát triển công nghiệp nội dung số…Phát triển mạnh hạ tầng số, kinh tế số, xã hội số để đến năm 2025 kinh tế số chiếm 10% GRDP và năm 2030 chiếm 30% GRDP. Đồng thời, trong Tờ trình số 4048/ TTr-UBND ngày 15/7/2021 về việc ban hành Nghị quyết về Tầm nhìn phát triển tỉnh Bến Tre đến năm 2030 và năm 2045 đã đưa ra một trong các giải pháp để thực hiện trụ cột “Nâng cao chất lượng cuộc sống, kiến tạo môi trường xanh bền vững” là “Xây dựng thành phố Bến Tre thông minh; số hóa cơ sở dữ liệu thông tin chính quyền; ưu tiên chuyển đổi số đối với một số ngành quan trọng…”. Từ thực tiễn, mục tiêu, yêu cầu phát triển về chuyển đổi số ở tỉnh Bến Tre có thể thấy khối lượng công việc cần thực hiện trong giai đoạn 2021-2030 là rất lớn. Để hoàn thành khối lượng công việc đó, yếu tố mang tính quyết định chính là chuẩn bị nguồn nhân lực (NNL). Tập trung các giải pháp chung về NNL để thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số là một trong ba vấn đề quan trọng, cùng với thể chế và công nghệ để thực hiện chuyển đổi số thành công.

 

Đối với NNL là cán bộ công chức, viên chức thì chuyển đổi số chủ yếu là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của chính quyền địa phương, khi đó chính quyền điện tử sẽ cung cấp các dịch vụ công, thực hiện các hoạt động trên nền tảng phát triển công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực, song có trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công, trước hết là trong lĩnh vực liên quan tới doanh nghiệp (DN), người dân như giáo dục, y tế, giao thông, nông nghiệp, ... Do đó, để  phát triển NNL gắn với nhiệm vụ chuyển đổi số, cần: (i) Triển khai một cách đồng bộ, thống nhất và thông suốt việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; (ii) Thực hiện có hiệu quả đề án vị trí việc làm tại các cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp công lập gắn với nhiệm vụ số hóa các hoạt động theo lộ trình; (iii) Lựa chọn, đào tạo, tập huấn đội ngũ chuyên gia về chuyển đổi số cho ngành, lĩnh vực, và các địa phương trong tỉnh. Các chuyên gia này tiếp tục đào tạo lại cho cán bộ liên quan ở cơ quan, tổ chức mình và trở thành lực lượng nòng cốt để dẫn dắt, tổ chức và lan tỏa tiến trình chuyển đổi số của tỉnh; (iv) Triển khai các chương trình đào tạo, đào tạo lại kỹ năng (KN) lãnh đạo, quản lý chuyển đổi số cho người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, giám đốc điều hành các doanh nghiệp trong tỉnh; (v) Đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức viên chức đủ năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ số hóa trong mọi mặt hoạt động của nền kinh tế tỉnh.

 

Đối với NNL xã hội tỉnh Bến Tre cần: (i) Tổ chức thúc đẩy chuyển đổi số xã hội, tập trung vào chuyển đổi KN, cung cấp các khóa học đại trà trực tuyến mở, hợp tác với các tổ chức, DN để đào tạo, tập huấn, nâng cao kiến thức, KN về công nghệ số và chuyển đổi số, hình thành văn hóa số; (ii) Hàng năm tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) ngoài đào tạo ngành công nghệ thông tin và truyền thông, cần liên kết với các trường đại học kỹ thuật tại Thành phố Hồ Chí Minh đào tạo ở bậc đại học và dạy nghề gắn với công nghệ số, đặc biêt là khoa học dữ liệu, dữ liệu lớn (Big Data); (iii) Triển khai áp dụng mô hình giáo dục tích hợp khoa học-công nghệ-kỹ thuật-toán học và kinh doanh, đào tạo tiếng Anh và KN sử dụng công nghệ thông tin, bảo đảm an toàn thông tin tại các cấp học; (iv) Tổ chức đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao KN số cho người lao động (LĐ) tại các tổ chức, các DN trên địa bàn tỉnh; (v) Đưa KN chuyển đổi số vào các chương trình giáo dục phổ thông và GDNN tại tỉnh; (vi) Cung cấp các khóa học đại trà trực tuyến mở cho tất cả người dân nhằm nâng cao khả năng tiếp cận giáo dục nhờ công nghệ số, đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao KN số.

 

Tập trung Đào tạo các kỹ năng cho NNL để thực hiện chuyển đổi số: Kết quả đánh giá tác động của chuyển đổi số đến lực lượng LĐ trong DN ở tỉnh Bến Tre cho thấy chuyển đổi số đã tác động đến phát triển nghề nghiệp, năng lực cá nhân và hiệu suất công việc của lực lượng LĐ. Đồng thời, chuyển đổi số cũng đòi hỏi lực lượng LĐ với những yêu cầu về KN. Để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi kỹ thuật số diễn ra sâu sắc, lực lượng LĐ sẽ cần một loạt các KN.

 

 

Trong một thế giới mà nội dung và nhiệm vụ của công việc ngày càng được cải tiến và thay đổi nhanh, khả năng thích ứng, KN giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, sáng tạo, tinh thần doanh nhân và sự sẵn sàng học hỏi sẽ trở nên quan trọng. Trong tương lai gần, công nghệ thay đổi nhanh; nhiều ngành, nghề mới ra đời thay thế các ngành, nghề truyền thống; ranh giới giữa các ngành, nghề càng mờ nhạt, xu hướng liên ngành có gắn kết với công nghệ thông tin trở nên phổ biến nên sẽ đòi hỏi người LĐ là người sáng tạo, người có tư duy phê phán và là những người có thể giải quyết các vấn đề phức tạp và có trí tuệ cảm xúc cao để có thể thích ứng liên tục, để học tập các KN và phương pháp tiếp cận mới và tài năng sẽ là yếu tố quan trọng hơn so với vốn, điều này có thể làm phát sinh một thị trường LĐ ngày càng có khoảng cách xa giữa các LĐ tay nghề thấp/lương thấp và tay nghề cao/lương cao. KN đánh giá và đưa ra các quyết định vẫn giữ vai trò quan trọng, tuy nhiên trong tương lai, máy móc sẽ ra các quyết định đơn giản trên cơ sở nguồn dữ liệu khổng lồ, còn người lao động trên cơ sở dữ liệu và thông tin giúp quá trình ra quyết định chính xác và hiệu quả hơn và họ là những người có kỹ năng đánh giá tổng hợp để hiểu và vận dụng tốt dữ liệu.

 

Sự kết hợp của các KN chuyên môn và các KN mềm (sự sáng tạo, tư duy phân tích, giao tiếp, làm việc theo nhóm v.v) là cần thiết để trang bị cho lực lượng LĐ một cách tốt nhất và thúc đẩy khả năng tự phục hồi trong các thị trường LĐ liên tục thay đổi. Đào tạo KN, đào tạo lại, học tập suốt đời đóng vai trò quan trọng cả trong và ngoài công việc. Các hệ thống giáo dục và đào tạo phải được chuẩn bị để phát triển những KN cho tương lai. Đặc biệt là cần có sự phối hợp giữa các nhà hoạch định chính sách, DN và nhà cung cấp dịch vụ đào tạo nhằm đảm bảo đủ cung cầu trong  thị trường LĐ. Một chiến lược phát triển hiệu quả cần kêu gọi việc mở rộng các ngành nghề tạo ra nhiều giá trị tăng thêm và việc làm, cùng với hiệu ứng nhân rộng và sự kết nối.

 

Về phía người LĐ: Trí tuệ cảm xúc, tư duy sáng tạo và linh hoạt trong nhận thức vẫn là những KN nêu bật tiềm năng của con người và giúp họ vẫn là lực lượng quan trọng chứ không phải máy móc, thiết bị thay thế. Do đó: (i) người LĐ nên nhận thức về chuyển đổi số là cơ hội thay vì thách thức; (ii) bản thân người LĐ cần trang bị đúng loại KN để chủ động chuyển đổi việc làm thành công; (iii) người LĐ nên chủ động và sẵn sàng nâng cao KN làm việc, học tập suốt đời vì khả năng tự học của mỗi người LĐ luôn là yếu tố then chốt nhằm nâng cao chất lượng, đáp ứng với những thay đổi nhanh chóng của công nghệ và tiến tới làm chủ công nghệ mới.

 

Về phía DN: Các DN cần có sự điều chỉnh giữa chiến lược NNL và chiến lược đổi mới công ty, hạn chế các áp lực ngắn hạn về lợi nhuận, thay vào đó là một tư duy mới để đáp ứng nhu cầu thu hút NNL tài năng, bởi vì những người sáng tạo, có tài năng trong toán học và khoa học sẽ đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của  thị trường LĐ mới; Tăng cường đào tạo thường xuyên trong và ngoài DN đối với người LĐ; Cần đầu tư hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, đặc biệt công nghệ thông tin hiện đại, hội nhập quốc tế, bởi vì người LĐ để phát triển năng lực sáng tạo cá nhân cần phải có các mạng lưới tương tác giữa con người với các thiết bị, và các thiết bị góp phần quan trọng trong việc tạo ra sản phẩm sáng tạo và phát triển năng lực sáng tạo cá nhân và sáng tạo tập thể.

 

Về phía cơ sở đào tạo: Nhu cầu LĐ giản đơn càng thấp thì nhu cầu LĐ có KN càng cao, và giáo dục sẽ giúp nâng cao KN cho người LĐ để đáp ứng yêu cầu của thị trường LĐ hiện tại và tương lai. Do đó để đào tạo được nhân lực thì phải bắt đầu từ việc thay đổi chính sách, nội dung và chiến lược đào tạo: (i) chương trình đào tạo cần linh hoạt, đảm bảo tính liên thông giữa các chương trình, các hệ đào tạo và sự liên thông giữa các chuẩn mực giáo dục trong nước và quốc tế để chuẩn bị lực lượng LĐ di chuyển dễ dàng hơn giữa các ngành nghề, giữa các khu vực; (ii) chương trình đào tạo cần trang bị tốt những kiến thức và KN về công nghệ thông tin và ngoại ngữ để người LĐ có nắm bắt cơ bản về kỹ thuật số và phân tích vấn đề; (iii) chương trình, phương pháp đào tạo cần thiết kế để tăng cường tư duy, năng lực sáng tạo và năng lực thích nghi nhanh chóng trước những thay đổi kỹ thuật, xã hội, đặc biệt là kỹ thuật số; (iv) các cơ sở đào tạo cần đầu tư đổi mới cơ sở vật chất, đội ngũ để theo kịp tốc độ thay đổi công nghệ, nhằm cung cấp những kỹ năng cần thiết cho người LĐ.

 

Về phía chính quyền địa phương: Để giúp người LĐ thích ứng với thay đổi nhu cầu thị trường LĐ, tỉnh nên: (i) thiết kế các hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ cho phép người LĐ thường xuyên cập nhật, nâng cấp và thậm chí để người LĐ có được kiến thức, KN và năng lực để duy trì việc làm và /hoặc tìm việc làm mới; (ii) đầu tư cho hạ tầng dự báo để dự báo chính xác xu hướng vận động và phát triển của thị trường LĐ trong tương lai gần và xa; (iii) tăng cường các khung kích hoạt để giảm thiểu một số chi phí điều chỉnh nhằm giúp những những người LĐ thay đổi KN để nắm bắt công việc mới một cách nhanh chóng.

 

Đây là kết quả nghiên cứu của đề tài “Nghiên cứu giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Bến Tre đáp ứng nhu cầu thị trường lao động đến năm 2030, tầm nhìn 2045” do Trường Đại học Lao động-Xã hội (Cơ sở II) thành phố Hồ Chí Minh thực hiện từ tháng 6/2020 đến tháng 9/2021. Đề tài đã được Hội đồng Khoa học và Công nghệ đánh giá nghiệm thu kết quả ngày 10 tháng 09 năm 2021. Với kết quả nghiên cứu nầy sẽ giúp cho người LĐ, DN, các cơ sở đào tạo và chính quyền địa phương trong tỉnh có những giải pháp thích hợp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 20/10/2020 của Tỉnh uỷ về chuyển đổi số tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến 2030.

 

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Công nghệ IOT cho hệ thống chiếu sáng thông minh
• Trí tuệ nhân tạo tạo sinh
• Bến Tre triển khai thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Công nghệ bán dẫn và ngành công nghiệp bán dẫn
• Công nghệ vũ trụ ảo-metaverse
• Các lĩnh vực công nghệ tối quan trọng, cuộc chạy đua giữa các cường quốc
• Công nghệ năng lượng xanh
• Công nghệ mới nổi: Hydro xanh
• Xu hướng các công nghệ mới nổi
• Tiềm năng phát triển nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn ở Bến Tre
• Tiềm lực ngành tôm năm 2022
• Phát triển nông nghiệp tích hợp đa giá trị từ vườn dừa
• Kinh tế sông gắn phát triển đô thị
• Cải tiến máy xay tàu lá dừa góp phần vào chuỗi liên kết nâng cao giá trị nông sản theo hướng hữu cơ bền vững
• Ba Tri Tổ chức Chương trình tuyên truyền thông điệp và Phát động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2022