Công bố báo cáo đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam lần thứ 2

Hưởng ứng Ngày Đổi mới sáng tạo quốc gia (21/4) và Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4), hướng tới Ngày Khoa học và công nghệ (18/5) để tôn vinh những người làm khoa học, đổi mới sáng tạo, ngày 21/4, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures vừa công bố báo cáo Đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam lần thứ 2.

 

Theo báo cáo, năm 2021 tổng vốn đầu tư vào khởi nghiệp Việt Nam đạt mức kỷ lục 1,4 tỷ USD, tăng 4 lần so với năm 2020, cao gấp 1,6 lần so với con số kỷ lục của năm 2019 là 874 triệu USD; tổng số giao dịch cũng tăng đáng kể, đạt 165 thương vụ, tăng 57% so với năm 2020.

 

Xét trong khu vực Đông Nam Á, báo cáo cho thấy Việt Nam đứng thứ ba về cả tổng giá trị và số thương vụ đầu tư vào startup. Vốn rót vào startup Việt Nam năm 2021 chiếm 13% tổng đầu tư vào khu vực, tăng so với mức 8% của năm 2020. Indonesia và Singapore vẫn là 2 quốc gia thu hút nhiều vốn đầu tư mạo hiểm nhất Đông Nam Á.

 

Xu hướng đầu tư của các nhà đầu tư đã nhanh chóng dịch chuyển để tập trung vào các nhóm ngành không bị tác động mạnh bởi đại dịch. Hơn nữa, sự thuận tiện của các ứng dụng hội thảo trực tuyến cũng khiến cho việc hạn chế đi lại không còn là rào cản trong quá trình đưa ra quyết định đầu tư.

 

Đứng đầu về thu hút vốn đầu tư là ngành thương mại điện tử và thanh toán: thương mại điện tử nhận đầu tư 469 triệu USD, trong khi thanh toán nhận đầu tư 450 triệu USD.

 

Đại dịch COVID-19 tạo ra sự bùng nổ về lượng giao dịch ở một số ngành mới, từ đó dẫn đến mức tăng trưởng vượt bậc về số tiền đầu tư trong những lĩnh vực này. Ba ngành nổi bật nhất bao gồm y tế, giáo dục, và chuyển đổi số trong doanh nghiệp với mức tăng trưởng trong năm 2021 lần lượt là 1.016%, 526%, và 205%.

 

Trong năm 2021, Việt Nam xuất hiện thêm 2 kỳ lân công nghệ là MoMo (được định giá gần 2 tỷ USD) và Sky Mavis (được định giá gần 3 tỷ USD) nhờ vào tần suất sử dụng các sản phẩm số ngày một tăng cao của người dùng trong thời gian dịch bệnh. Như vậy, Việt Nam hiện có 4 kỳ lân là VNG; VNLife; Sky Mavis và MoMo.

 

Nhằm khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo trên phạm vi cả nước, đảm bảo sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong việc tiếp tục nghiên cứu và đề xuất các cơ chế chính sách vượt trội, khung pháp lý thử nghiệm (sandbox).

 

Báo cáo đánh giá thực trạng, bối cảnh, xu hướng đổi mới sáng tạo của Việt Nam và cung cấp thông tin hữu ích cho địa phương Bến Tre trong việc định hình, hỗ trợ và phát triển hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

 

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
• Tổ chức Ngày hội Thanh niên khởi nghiệp tỉnh Bến Tre năm 2024
• Bộ Khoa học và Công nghệ công bố chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2023
• Phát động tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bến Tre lần thứ X
• Phát triển sản phẩm OCOP Bến Tre 2024
• Hội nghị Tổng kết Chương trình Mỗi xã một sản phẩm và trao chứng nhận đối với sản phẩm OCOP đạt 3 sao năm 2023
• Giồng Trôm: Lễ công bố xã Tân Hào đạt chuẩn nông thôn mới
• Xây dựng nông thôn mới mang lại lợi ích thiết thực cho người dân trên địa bàn xã Hòa Lợi
• Khai mạc Ngày hội đổi mới sáng tạo tỉnh Bến Tre năm 2023 “Ben Tre Innovation day”
• Khởi nghiệp với mô hình dừa xiêm gọt trọc
• Thạnh Phú phát triển doanh nghiệp, hộ kinh doanh dựa vào 3 trụ cột chính
• Tập huấn kiến thức về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho thanh niên khởi nghiệp tại huyện Thạnh Phú
• Khởi nghiệp thành công với mô hình làm mứt mãng cầu xiêm
• Giồng Trôm gương phụ nữ khởi nghiệp với dừa xiêm xanh gọt trọc
• Giao Thạnh đạt nhiều kết quả từ Chương trình “Đồng Khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp”