Nguyễn Minh Nhủ - nông dân Bến Tre xuất sắc

Anh Nguyễn Minh Nhủ sinh năm 1974 ở ấp Phú Thạnh, xã Bảo Thạnh (Ba Tri) những năm trước đây gia đình chủ yếu sống nhờ vào 2 ha đất sản xuất muối năng suất bấp bênh, giá cả không ổn định nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn.

 

Anh Nguyễn Minh Nhủ nuôi thành công tôm công nghệ cao.

 

Năm 2014, anh mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tiến hành đào ao, chuyển sang nuôi tôm biển thâm canh ao đất để tăng thu nhập trên cùng diện tích nhưng vẫn không hiệu quả. Không nản chí, anh tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm để áp dụng vào nuôi trồng. Có kiến thức, đúc kết được kinh nghiệm từ thực tiễn, năm 2017 anh đầu tư nuôi tôm công nghệ khép kín 2 giai đoạn, dưới đáy ao trải phủ bạc, trên ao che chắn màng lưới để ngăn ngừa dịch bệnh từ bên ngoài, hạn chế rủi ro, giảm chi phí thuốc, hóa chất xử lý, giúp tôm nuôi phát triển tốt, tạo ra sản phẩm sạch; trang bị thiết bị cho tôm ăn bằng máy thay thủ công để giảm chi phí, đảm bảo lượng thức ăn cung cấp cho tôm, hạn chế ô nhiễm môi trường từ thức ăn thừa. Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật của anh đã thành công. Sau vụ nuôi đầu tiên trong năm, với diện tích 2 ha mặt nước, anh thu hoạch được hơn 15 tấn tôm, sau khi bán trừ chi phí còn lãi trên 700 triệu đồng, cao hơn gấp đôi so với nuôi theo hình thức truyền thống. Có tích lũy, anh mua thêm đất để mở rộng diện tích nuôi tôm. Năm 2021, với 10 ha mặt nước, anh thu hoạch tôm bình quân 11 tấn/ha, sau khi bán trừ chi phí còn lãi 3 tỷ đồng. Anh Nguyễn Minh Nhủ chia sẻ: “Để nuôi tôm công nghệ cao này thành công thì trước khi nước đưa vào ao vèo nuôi tôi phải xử lý nước ổn định, độ phèn, độ trong được đảm bảo và sử dụng Edeta để xử lý nước. Sau đó mới thả giống nuôi. Con giống nuôi phải chọn giống tốt, đảm bảo chất lượng và nuôi được đến size lớn, bán được giá cao. Điều quan trọng là khâu quản lý phải chặt, nhất là hàng ngày, hàng giờ phải theo dõi thức ăn tôm, phân tôm, đặc biệt là trong tháng đầu. Khi thấy phân không ổn định thì tôi trộn thuốc vi sinh hoặc kháng sinh vào thức ăn cho tôm như Zymetin, Super vs hay Cefotaxime Sodium. Nhờ kịp thời theo dõi, phát hiện xử lý nên sau một vài ngày thì tôm sẽ khỏi, ổn định trở lại, phát triển bình thường. Nhờ vậy tôm đảm bảo chất lượng, bán được giá cao”.

 

Ngoài việc phát triển kinh tế gia đình, anh còn tạo việc làm cho 17 lao động ở địa phương với thu nhập bình quân mỗi người 6 triệu đồng/tháng; tích cực đóng góp kinh phí để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội ở địa phương, chăm lo gia đình chính sách, hộ nghèo như xây dựng giao thông nông thôn, xây tặng nhà tình nghĩa, tình thương… Trong năm qua, anh đóng góp trên 200 triệu đồng để thực hiện các chương trình an sinh xã hội. Là Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi tôm sạch Bảo Thạnh, anh luôn chủ động liên kết và chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật thực hiện mô hình với thành viên của tổ và cộng đồng.

 

Có thể nói, đây là mô hình có hiệu quả kinh tế cao, có chiều hướng phát triển bền vững; trong sản xuất có áp dụng khoa học kỹ thuật mới với hình thức khép kín, góp phần bảo vệ môi trường. Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ba Tri Phạm Văn Thành cho biết: Có thể nói, mô hình nuôi tôm công nghệ cao của anh Nguyễn Minh Nhủ đã thật sự mang lại hiệu quả. Đây là mô hình mới, đầu tiên và là mô hình sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu trong các tổ hợp tác nuôi tôm, tổ nghề nghiệp trên địa bàn huyện. Sắp tới, chúng tôi sẽ tuyên truyền hiệu quả của mô hình cho những nông dân nuôi tôm trên địa bàn biết để thực hiện, nhân rộng, góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, huyện nhiệm kỳ 2021 – 2025 thực hiện 400 ha nuôi tôm công nghệ cao trên địa bàn huyện. Qua đó nâng cao thu nhập cho người nuôi tôm ở địa phương, góp phần đưa kinh tế, xã hội không ngừng phát triển, đặc biệt là xây dựng nông thôn mới”.

 

Từ kết quả này, anh vừa được Hội Nông dân tỉnh Bến Tre tôn vinh “Nông dân Bến Tre xuất sắc” giai đoạn 2018 – 2020 và đề nghị Hội Nông dân Việt Nam công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp trung ương giai đoạn 2017 – 2021.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi