Giồng Trôm: khởi nghiệp làm giàu từ mô hình nuôi dê

Với tinh thần dám nghĩ dám làm, vượt qua nhiều khó khăn, biết cách đầu tư, tận dụng tốt nguồn thức ăn, áp dụng tốt kỹ thuật chăn nuôi mà nông dân trẻ Hồ Văn Tri (sinh năm 1990) ở ấp Giồng Lực, xã Tân Lợi Thạnh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre đã khởi nghiệp thành công từ mô hình nuôi dê. Từ 10 con dê sinh sản ban đầu, trong vòng 7 năm, anh Tri đã nhân giống thành công đến nay anh đã có trong tay đàn dê dao động từ 500-600 con, đem về thu nhập khoảng 01 tỷ đồng mỗi năm.

 

Từ suy nghĩ trên, sau 3 năm làm công nhân tại thành phố Hồ Chí Minh, thấy cuộc sống bấp bênh, thu nhập không ổn định, anh Tri quyết định về quê lập nghiệp. Và anh đã chọn con dê để khởi nghiệp cho tương lai của mình, bởi vì theo anh, dê là một con khá dễ nuôi, nguồn thức ăn lại rất dễ tìm và đầu tư vốn ban đầu không nhiều. Nghĩ là làm, được sự hỗ trợ của gia đình cho vốn, đầu năm 2015 anh xây chuồng mua 10 con dê sinh sản về nuôi.

 

Ban đầu, với nguyên tắc “nông dân dạy nông dân” anh đã đi nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm nuôi dê, tham gia các lớp tập huấn và tìm hiểu thêm kiến thức trên sách báo, mạng xã hội nên đàn dê của anh dần phát triển tốt và đem lại nguồn thu nhập ổn định. Anh cho biết: đối với dê sinh sản thì anh nuôi nhân giống, còn dê thịt thì anh nuôi vỗ béo để bán ra thị trường. Ở những thời điểm nhu cầu tiêu thụ tăng cao, anh còn mua dê thịt của các nông dân trong tỉnh về nuôi vỗ béo, cứ như vậy, với tinh thần vượt khó, sự kiên trì, mỗi năm trôi qua, đàn dê của anh Tri lại tăng lên đáng kể, đến năm 2020, đàn dê của anh tăng lên 600 con.

 

Anh Hồ Văn Tri thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ mô hình nuôi dê. Ảnh: Diệu Hiền.

 

Anh Tri chia sẻ: “Để nuôi dê đạt hiệu quả cao, ngoài am hiểu đặc điểm của loài dê thì việc áp dụng khoa học kỹ thuật rất quan trọng từ khâu làm chuồng trại cho đến việc theo dõi, quản lý đàn dê. Trong đó, việc xây chuồng phải làm cao ráo, thoáng mát, sạch sẽ có nắng để con dê không bị nhiễm bệnh qua đường hô hấp. Nếu là dê sinh sản khi nuôi cần chú trọng đến khâu mang thai, chăm sóc. Còn nếu là dê vỗ béo thì chú trọng nguồn thức ăn và thuốc bổ; thức ăn của dê chủ yếu là cỏ, lá kết hợp với thức ăn hỗ hợp. Đặc biệt để dê phát triển tốt, người chăn nuôi phải chú ý đến khâu chọn giống. Nếu là dê sinh sản thì chọn giống tốt, đẹp, có dấu hiệu của con dê sinh sản, phải mát sữa; dê vỗ béo phải lựa giống tốt ăn để nó mau lớn, hiện giống dê tôi đang chọn là dê Boer”.

 

Anh Tri cho biết, 01 con dê sinh khoảng 3 lứa trong vòng 02 năm. Dê con sau gần 01 năm có trọng lượng từ 35-45 kg sẽ cho xuất chuồng. Mỗi năm anh xuất bán trung bình từ 2 - 3 lứa với hàng trăm con dê thịt, giá bán cao nhất 148.000 đồng/kg, giá thấp nhấp là 70.000 đồng/kg đem lại thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến 01 tỷ đồng mỗi năm. Năm vừa qua do ảnh hưởng của dịch Covid -19 nên giá dê xuống thấp, anh vẫn duy trì đàn dê nhưng số lượng không nhiều như những năm trước. Hiện tại, đàn dê của anh hiện có 200 con vừa dê giống và dê thịt với giá bán dê thịt là 130.000 đồng/kg. Anh dự định sắp tới sẽ tiếp tục phát triển đàn dê với số lượng lớn trên 600 con.

 

Tân Lợi Thạnh là một xã thuần nông, người dân sống chủ yếu bằng trồng trọt và chăn nuôi. Những năm gần đây, phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi đã mở ra hướng đi mới cho người nông dân của xã nhà. Trong đó, mô hình nuôi dê đã khẳng định tính bền vững, tận dụng thời gian nhàn rỗi nâng cao thu nhập mang lại nguồn kinh tế ổn định cho người chăn nuôi. Hiện nay toàn xã có 2.488 con dê, đang có chiều hướng phát triển tốt.

 

Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Lợi Thạnh - Lê Thị Nhịn cho biết: Hội Nông dân xã thấy mô hình nuôi dê của anh Tri có khả năng phát triển và ổn định bền vững. Chính vì vậy, Hội đã phối hợp với các ban, ngành xã vận động thành lập tổ hợp tác chăn nuôi dê tại ấp Giồng Lực, mới thành lập có 25 thành viên tham gia. Thành viên từ đó mà có thể tiếp cận với nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội để tăng số lượng đàn dê. Hội cũng phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp giáo dục thường xuyên huyện mở các lớp tập huấn, dạy nghề về kỹ thuật chăn nuôi dê cho nông dân đảm bảo chăn nuôi đạt hiệu quả và có kinh tế cao. Trong thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ phối hợp mở các lớp tập huấn hỗ trợ người chăn nuôi dê trên địa bàn. Đồng thời phối hợp các cơ quan, ban, ngành các cấp và người chăn nuôi dê trên địa bàn liên kết sản phẩm làm ra từ con dê để xuất sang các địa phương lân cận và thị trường lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện xã cũng đang củng cố hồ sơ mở lò giết mổ dê ở ấp Giồng Lực giúp tiêu thụ nhanh sản phẩm từ dê.

 

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nguyễn Văn Hoàng nhận định: Phải nói rằng trên địa bàn của huyện Giồng Trôm, con dê rất thích hợpvới vùng nông nghiệp của huyện, thích hợp với thời kỳ biến đổi khí hậu hiện nay. Bởi vì thức ăn của con dê tận dụng được các phụ phẩm nông nghiệp như: cỏ, chuối cây,… Từ mô hình này trên địa bàn Giồng Trôm người ta nhân rộng ra rất nhiều. Hiện nay, Hội Nông dân huyện có 10 dự án nuôi dê của Chương trình mục tiêu quốc gia, của Quỹ hỗ trợ nông dân cũng tập trung vào con dê do tận dụng được nguồn thức ăn. Ở Giồng Trôm hiện nay, đi nơi nào cũng có dê, nên trong thời gian tới Hội Nông dân huyện sẽ vận động để tạo mối liên kết thành lập các tổ liên kết, tổ hợp tác tiến tới để xuất Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thành lập Hợp tác xã để hình thành chuỗi liên kết vừa chăn nuôi vừa giết mổ để có thể xuất bán thịt dê sang các tỉnh khác, tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân.

 

Tuy còn trẻ tuổi nhưng anh Hồ Văn Tri đã khởi nghiệp thành công từ mô hình nuôi dê, trở thành tấm gương sáng cho nhiều đoàn viên, thanh niên trong xã học tập. Với niềm đam mê làm làm giàu trên chính quê hương của mình, trong thời gian tới anh Tri dự định sẽ mở rộng quy mô chuồng trại theo hướng khép kín, nhân giống dê với số lượng lên nghìn con, hứa hẹn trở thành một trang trại nuôi dê quy mô lớn không chỉ của xã Tân Lợi Thạnh mà còn là một trong những trang trại lớn của huyện.

 

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi