Hội thảo “khai thác phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc thù tỉnh Bến Tre”
Thực hiện Công văn số 1593/UBND-KT ngày 21 tháng 3 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Đổi mới sáng tạo thế giới và Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới, ngày 24 tháng 5 năm 2022, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Khai thác phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc thù tỉnh Bến Tre”.
Ông Nguyễn Văn Vưng - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ phát biểu tại hội thảo.
Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Văn Vưng - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; ông Trần Giang Khuê - Trưởng Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại Thành phố Hồ Chí Minh; ông Dương Thành Long - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Luật Aliat cùng các sở, ban ngành tỉnh, các doanh nghiệp, cá nhân, hợp tác xã tập thể được trao quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe báo cáo về thực trạng xây dựng, quản lý, khai thác, phát triển đối với các nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý trên địa bàn tỉnh Bến Tre hiện nay cùng các thông tin về các quy định pháp luật, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, các biện pháp quản lý, khai thác quyền sở hữu trí tuệ và cách thức khai thác, phát triển nhãn hiệu sản phẩm đặc thù của tỉnh Bến Tre.
Từ năm 2011 đến nay Sở Khoa học và Công nghệ Bến Tre đã tích cức hỗ trợ các địa phương đăng ký nhãn hiệu hàng hóa với các loại trái ngon như: sầu riêng cơm vàng hạt lép Chín Hóa, ở xã Vĩnh Thành (Chợ Lách); bưởi da xanh của ông Đỗ Văn Rô, ở xã Thanh Tân (Mỏ Cày) và ông Hai Hoa, xã Sơn Định (Chợ Lách); xoài tứ quí của ông Nguyễn Thanh Sơn, ở xã Vĩnh Bình (Chợ Lách)... và đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa.
Từ nguồn kinh phí dự án: “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bến Tre giai đoạn 2013 - 2020”, và nguồn vốn sự nghiệp KHCN tỉnh Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ xây dựng và phát triển 30 nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận như cá khô - Bình Thắng, Tôm khô - Cá khô An Thủy, rau sạch Đức Trí xã Hưng Nhượng, rau sạch Phú Nghĩa xã Phú Ngãi, nhãn Long Hòa (Bình Đại), Chổi Mỹ An, Lúa sạch Thạnh Phú, Bánh phồng Sơn Đốc, Trái Măng Cụt và Chôm chôm Chợ Lách, nhãn hiệu chứng nhận Bò Ba Tri và Rượu Phú Lễ…; bảo hộ 05 chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm gồm có bưởi da xanh Bến Tre, dừa xiêm xanh Bến Tre, sầu riêng Cái Mơn, cua biển Bến Tre và tôm càng xanh Bến Tre.
![]() |
Quang cảnh buổi hội thảo. |
Mặc dù được tỉnh và các đơn vị hết sức quan tâm, nhưng kết quả so với tiềm năng còn thấp, một số mặt hàng chiến lược của tỉnh ít có mặt trong tốp nhãn hiệu đã có, trong khi tiềm năng lợi thế rất lớn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa quan tâm nhiều đến việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm , hàng hóa của mình; chưa thiết lập được hệ thống quản lý, khai thác một cách hiệu quả các quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến sản phẩm đặc thù mang tên địa danh, đó là nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý.
Do đó, để nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản nói chung và trái cây nói riêng trong xu thế hội nhập như hiện nay, các giải pháp phát triển thương hiệu cho sản phẩm đặc sản của tỉnh Bến Tre trong thời gian tới cần chú trọng đến công tác đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền; hướng dẫn triển khai thi hành các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ cho cán bộ các cơ quan quản lý, cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ và các doanh nghiệp; nâng cao nhận thức của người dân về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ vai trò của doanh nghiệp; tiếp tục hỗ trợ khai thác, bảo vệ và phát triển nhất là các nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý của những sản phẩm nổi tiếng đã được bảo hộ, ưu tiên cho sản phẩm chủ lực của tỉnh.