“Vườn ươm thanh niên” của xã Phú Khánh hướng đến xây dựng những tuyến đường nông thôn kiểu mẫu

Mô hình “Vườn ươm thanh niên” của xã Phú Khánh, huyện Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre) không chỉ tạo việc làm, cải thiện kinh tế cho nhiều đoàn viên, thanh niên, mà còn góp phần làm đẹp đường làng, ngõ xóm, từng bước hình thành các tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu, chung tay xây dựng thành công xã nông thôn mới nâng cao.

 

Một dịp đi công tác ở huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang, thấy nơi đây người dân trồng rất nhiều cây bông trang quanh nhà và các tuyến đường với đủ màu sắc, có nhiều cây được uốn thành hình thú đẹp mắt nên Xã đoàn Phú Khánh đã manh nha ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên với cây bông trang này. Vốn gần gũi, mộc mạc, cây bông trang thường được trồng quanh nhà, hàng rào, đường nông thôn hay khuôn viên các cơ quan, đơn vị để trang trí. Nếu bỏ công chăm sóc, uốn nắn thì có thể tăng giá trị lên nhiều lần, vừa đem lại thu nhập, vừa đáp ứng nhu cầu giải trí tinh thần và làm đẹp quê hương.

 

Các lực lượng đoàn viên, thanh niên tham gia trồng cây bông trang tại các tuyến đường nông thôn của xã Phú Khánh. Ảnh: Minh Mừng.

 

Năm 2019, Xã đoàn Phú Khánh thành lập Câu lạc bộ Trồng cây trang giống với 6 thành viên là những người yêu thích loại cây này. Theo đó, Câu lạc bộ đã tiến hành việc mua giống cây về tự bầu, tự trồng và phát triển hơn 500 gốc trang giống. Số trang giống này được trồng tại khuôn viên Trạm Y tế, Đền thờ liệt sỹ xã và nhà của thành viên Câu lạc bộ với tổng diện tích khoảng 500m2, chủ yếu là cây bông trang đỏ. Gần đây, hưởng ứng thực hiện Đề án Bến Tre xanh cũng như phát động của Huyện đoàn Thạnh Phú về việc xây dựng “Vườn ươm thanh niên” tại các địa phương, xã Đoàn đã phối hợp với Câu lạc bộ Trồng cây trang giống tiến hành thành lập mô hình “Vườm ươm thanh niên”.

 

Từ khi thực hiện mô hình đến nay, vườn ươm đã cung cấp ra thị trường khoảng 5.000 nhánh trang để xây dựng các tuyến đường hoa tại các ấp trong xã. Ngoài ươm nhánh, đến nay thanh niên của xã đã cùng nhau nghiên cứu và thành công với mô hình ươm bằng đọt. Riêng từ đầu năm 2022 đến nay, có khoảng 2.500 nhánh và đã có đơn đặt hàng 3.000 đọt được vườn ươm cung cấp để thực hiện các công trình, phần việc nhằm xây dựng xã nông thôn mới nâng cao tại xã nhà cũng như một số xã trong huyện. Phó Bí thư Xã đoàn Nguyễn Vũ Tiến cho biết: “Xã đoàn đang hướng đến việc phát triển Phú Khánh thành trung tâm trồng cây bông trang với những tuyến đường nông thôn đầy cây bông trang. Qua đó, tạo cảm hướng cho các địa phương khác để cùng chung tay phát triển mô hình này, cũng như tạo công ăn việc làm, phát triển kinh tế cho thanh niên thông qua mô hình”. 

 

Các thành viên tham gia mô hình vườn ươm sẽ có nhiệm vụ ươm các loại bông trang và khi có đơn đặt hàng sẽ tham gia cùng với người dân trồng dọc các tuyến đường tổ nhân dân tự quản, đường ấp, liên ấp trên địa bàn. Mỗi nhánh, đọt trang được ươm hơn 2 tháng là có thể đem đi trồng. Giá bán ra thị trường dao động từ 3.000 đến 5.000 đồng. Nguồn thu này giúp các thanh niên từ Câu lạc bộ Trồng cây trang giống tăng thêm thu nhập, có vốn khởi nghiệp; một phần kinh phí được trích lại để Xã Đoàn tổ chức các hoạt động xã hội.

 

Anh Phạm Hoài Ân, Bí thư Chi đoàn Quân sự xã Phú Khánh là người luôn nhiệt tình, tích cực tham gia mô hình “Vườn ươm thanh niên” của xã. Cùng chăm sóc, tưới tiêu vườn ươm và cả tham gia trồng cây tại các tuyến đường quê, anh Ân thấy được sự lan tỏa tích cực từ mô hình đến các đường làng, ngõ xóm của địa phương. Theo anh Ân, đây là việc làm ý nghĩa, vừa làm đẹp quê hương vừa tạo điều kiện giúp đỡ thanh niên địa phương có việc làm ổn định. Anh Ân mong rằng mô hình này sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai.

 

Qua thời gian thực hiện, mô hình “Vườn ươm thanh niên” của xã Phú Khánh bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mua cây giống mà mô hình còn khẳng định được sự đóng góp của sức trẻ trong việc chung tay xây dựng nông thôn mới nâng cao tại địa phương. Mô hình Vườn ươm thanh niên được thực hiện nhằm chủ động nguồn cây giống, phục vụ việc trồng để cải tạo cảnh quan môi trường. Định hướng tới đây, Huyện đoàn Thạnh Phú sẽ tiếp tục phát triển và nhân rộng mô hình đến các xã khác trong toàn huyện. Mô hình không những tiết kiệm được chi phí mà còn góp phần tuyên truyền, nâng cao ý thức trong đoàn viên, thanh niên và người dân về bảo vệ môi trường, trồng, chăm sóc cây xanh cũng như chung tay xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao trên địa bàn huyện.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Tập huấn nâng cao chất lượng tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật, sáng kiến dành cho cán bộ quản lý, giáo viên cấp trung học
• GII 2023: Việt Nam tăng 2 bậc, xếp thứ 46/132 nền kinh tế
• Xu hướng tự chủ về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo trong thời kỳ cạnh tranh chiến lược hiện nay
• Mỏ Cày Nam tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững
• Tổng kết hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bến Tre lần thứ IX năm 2022-2023
• Thành phố Bến Tre: Khơi dậy sự sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh
• Chỉ đẫn địa lý – một trong các yêu cầu của nông nghiệp bền vững
• ChatGPT dùng để làm gì và mối đe dọa của nó đến một số ngành nghề
• Chương trình phát triển tài sản trí tuệ - công cụ quan trọng góp phần nâng cao giá trị, vị thế của sản phẩm địa phương
• Bến Tre triển khai thực hiện chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030
• Thu nhập khá nhờ trồng hoa kiểng
• Trương Văn Dương – Gương mặt trẻ thành đạt
• Gạo giống nàng keo góp phần xây dựng thương hiệu gạo Bến Tre
• Đổi mới sáng tạo và các đặc tính của nó
• Bến Tre có 02 mã vùng trồng và 03 cơ sở đóng gói sầu riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc