Hội thảo đánh giá hiệu quả thực tế của kè mềm sử dụng túi Geotube, kè giảm sóng bảo vệ bờ biển ở xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú
Ngày 6/9/2022, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với UBND huyện Thạnh Phú tổ chức hội thảo đánh giá hiệu quả thực tế của kè mềm sử dụng túi Geotube, kè giảm sóng bảo vệ bờ biển ấp Thạnh Lộc, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú.
Hội thảo có sự tham dự của Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bùi Văn Thắm; Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Nguyễn Văn Điền.
|
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bùi Văn Thắm phát biểu tại buổi hội thảo. Ảnh: Văn Minh. |
Đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Văn Minh. |
Bờ biển Thạnh Phú chạy theo hướng Bắc - Nam nên vào mùa gió Đông Bắc hay còn gọi gió chướng phải hứng chịu tác động trực tiếp của sóng to, thời gian kéo dài từ 4 đến 5 tháng trong năm. Mặt khác, huyện nằm giữa 02 sông lớn Hàm Luông và Cổ Chiên nên chế độ thủy văn phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy; hàng năm, cao điểm vào khoảng các tháng từ 9 đến tháng 12, sóng biển trực tiếp đánh vào đất liền gây sạt lở nghiêm trọng đất đai, hoa màu, nhà cửa và cơ sở hạ tầng; có khu vực biển xâm thực sâu vào trong đất liền trung bình khoảng 100m. Nhất là khu vực Cồn Lợi, Cồn Bửng, xã Thạnh Hải và Cồn Đâm, xã Thạnh Phong.
Trước tình hình trên, cùng với việc khuyến khích người dân có điều kiện tự kè chống sạt lở, nhất là các hộ kinh doanh tại Khu vực bãi biển Cồn Bửng, xã Thạnh Hải để hạn chế sạt lở phục vụ hoạt động kinh doanh, dịch vụ du lịch; huyện đã kiến nghị tỉnh, Trung ương xem xét hỗ trợ kinh phí, cũng như kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng bờ kè chống sạt lở.
Đại biểu khảo sát thực địa tại vị trí xây dựng kè mềm bằng túi Geotube ở xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú. Ảnh: Văn Minh. |
Ngoài đầu tư xây dựng kè ngầm ở khu vực Cồn Lợi và kè cứng ở Cồn Bửng xã Thạnh Hải. Tháng 2/2020, 1.100m kè mềm do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư đã được thi công và đến tháng 10/2020 thì hoàn thành ở bờ biển ấp Thạnh Lộc, xã Thạnh Phong với chi phí đầu từ gần 15 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án nhằm chống xói lở bờ biển, bảo vệ đất đai, ổn định sản xuất và đời sống cho Nhân dân trong khu vực. Cải thiện cảnh quang môi trường, tạo tiền đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Qua gần 02 năm công trình đưa vào sử dụng, bước đầu có những thay đổi tích cực, bãi bồi liên tục mở rộng, nâng cao và ổn định.
Tại buổi hội thảo, đa phần các ý kiến của đại biểu có chung nhận định về tính hiệu quả bước đầu của kè mềm được xây dựng ở bờ biển ấp Thạnh Lộc, xã Thạnh Phong, so với giai đoạn trước đầu tư khu vực này sạt lở rất nghiêm trọng, do xâm thực bờ biển; sau đầu tư kè giúp bồi đắp một lượng cát lớn, bảo vệ được sạt lở bờ biển, tái tạo hệ sinh thái ven bờ, phát triển rừng tự nhiên; thân thiện với môi trường, không ảnh hưởng cảnh quan vùng ven biển, đảm bảo các hoạt động sinh kế của người dân; chất lượng túi kè mềm đảm bảo.
Đại biểu cũng cho rằng công trình có chi phí đầu tư thấp nhưng thời gian sử dụng ngắn từ 8 đến 10 năm nên khi kết thúc dự án cần có giải pháp tiếp theo để công trình mang tính dài hạn, bảo vệ thành quả của việc xây dựng kè, hình thành hệ sinh thái mới, môi trường mới trong khu vực; có thể đề xuất trồng rừng chớ không phụ thuộc và phát triển của rừng tự nhiên,…
Trước khi hội thảo, đại biểu đã khảo sát thực địa tại vị trí xây dựng kè mềm bằng túi Geotube ở xã Thạnh Phong.