Hội nghị trực tuyến “Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập”

Chiều ngày 23/9/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến về phát triển thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN) đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Chính phủ, kết hợp trực tuyến tại điểm cầu 63 tỉnh.

 

Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; lãnh đạo các bộ, ngành liên quan và đại diện một số tổ chức quốc tế, viện nghiên cứu, trường đại học, các chuyên gia, nhà khoa học và một số doanh nghiệp. Tại điểm cầu tỉnh Bến Tre có ông Trần Ngọc Tam - Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Minh Cảnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Lâm Văn Tân - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cùng đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan.

 

Đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh Bến Tre.

 

Phát biểu mở đầu hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, thời gian qua, tình hình kinh tế thế giới có những khó khăn, nguy cơ suy thoái, ảnh hưởng không nhỏ tới Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Chính phủ tập trung vào các trọng tâm chỉ đạo, điều hành gồm “4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không”. Trong đó, 4 ổn định là: ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; ổn định các loại thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ; ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Với phương châm đó, trong những tháng gần đây, Chính phủ đã tổ chức ba hội nghị về phát triển các loại thị trường gồm: thị trường bất động sản, thị trường tài chính, thị trường lao động và hôm nay là hội nghị về thị trường KH&CN.

 

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết: Việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển thị trường khoa học và công nghệ được đẩy mạnh nhằm tạo môi trường pháp lý cho các hoạt động giao dịch, chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo. Tuy vậy, nhìn chung thị trường KH&CN ở nước ta vẫn còn đang ở dạng sơ khai, mới bước đầu hình thành và từng bước phát triển. Nguồn cung hàng hóa KH&CN hình thành từ các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tại các viện nghiên cứu, trường đại học, các trung tâm ươm tạo công nghệ, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, cũng như thông qua hoạt động nhập khẩu công nghệ và còn hạn chế. Ước tính có khoảng 75% công nghệ và thiết bị của doanh nghiệp Việt Nam có nguồn gốc từ nước ngoài. Tổng chi phí mua sắm công nghệ, thiết bị, máy móc của doanh nghiệp Việt Nam năm 2020 khoảng 1.1 triệu tỷ đồng (tăng gần 1.5 lần so với năm 2016).

 

Tham dự tại Hội nghị, Các đại biểu đã tập trung phân tích, đánh giá sự vận hành của thị trường KH&CN ở Việt Nam; làm rõ những điểm mạnh, điểm yếu của các chủ thể chính của thị trường KH&CN; đánh giá sự tương tác, hợp tác, phối hợp giữa các chủ thể này với nhau. Đặc biệt, các đại biểu cũng tìm nguyên nhân của thực trạng nhiều kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ của các viện, trường khá dồi dào nhưng hàng hóa KH&CN vẫn rất hạn chế; nhu cầu tiếp thu, hấp thụ, làm chủ công nghệ mới luôn hiện hữu, song không phải doanh nghiệp nào cũng tích cực, hào hứng đầu tư mua sắm hàng hóa KH&CN.

 

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Văn phòng Chính phủ và Bộ KH&CN tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc các tham luận của các đại biểu dự Hội nghị để ban hành văn bản chỉ đạo phát triển mạnh mẽ thị trường KH&CN và đồng thời nhấn mạnh: Nhu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn, trong đó, hoàn thiện thị trường KH&CN là giải pháp trung tâm, có tính căn cơ lâu dài để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh. Để phát triển thị trường KH&CN, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung hoàn thiện môi trường pháp lý, đẩy mạnh nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn cho phát triển thị trường KH&CN. Nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.

 

Thủ tướng cũng đề nghị quan tâm, phát triển nguồn nhân lực, hạ tầng quốc gia cho thị trường KH&CN; thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế, trong đó tập trung vào thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên. Xây dựng các chính sách để khuyến khích việc chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI sang các doanh nghiệp phụ trợ trong nước.

 

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nghiệm thu đề tài “Tạo lập, quản lý, và phát triển chỉ dẫn địa lý “Thạnh Phú” cho sản phẩm gạo của huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Góp ý Quy trình kỹ thuật ương thuần dưỡng và nuôi thương phẩm cá bông lau trong ao đất tại Bến Tre”
• Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Quy định quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa
• Nghiệm thu đề tài “Khảo sát sự lưu hành của virus và đánh giá đáp ứng miễn dịch sau khi tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục trên bò tại Bến Tre”
• Hội thảo “Một số giải pháp xây dựng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu quy trình công nghệ và hệ thống thiết bị sơ chế, xử lý và bảo quản quả bưởi tươi phục vụ nội tiêu và xuất khẩu”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của kênh, rạch, mương trong chăn nuôi heo tại huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre”
• Công bố quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Khác biệt chưa biết về chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” cho sản phẩm xoài Tứ Quý
• Phát hành hóa đơn điện tử ngay sau từng lần bán hàng xăng dầu
• Bến Tre: Tập huấn về cơ chế chi trả dựa vào kết quả - RBF và hướng dẫn nghiệm thu công trình khí sinh học trong chăn nuôi cho cán bộ kiểm tra chất lượng và thợ xây, thợ lắp đặt tại địa phương
• Hội thảo “Giải pháp khai thác hiệu quả các bãi bồi, cồn nổi ven sông trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Sản phẩm gạo “Thạnh Phú” được bảo hộ chỉ dẫn địa lý