Khởi nghiệp từ mô hình nuôi lươn trong bể xi măng
Với đặc điểm thời gian nuôi ngắn, chi phí thấp, dễ nuôi, dễ tiêu thụ, kỹ thuật không quá khó, anh Nguyễn Văn Phước - ấp Phú Mỹ, xã Phú Túc, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre đã chọn khởi nghiệp với mô hình nuôi lươn không bùn, đến nay đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Qua tìm hiểu, nghiên cứu đặc tính của loài lươn, và kỹ thuật nuôi qua mạng internet, năm 2019, anh Nguyễn Văn Phước đã mạnh dạn đầu tư xây 3 bể xi măng, với diện tích mỗi bể khoảng 8 mét vuông được lót gạch men trơn để lươn không bị trầy da và để tiện cho việc vệ sinh bể (nuôi lươn không bùn) nuôi 3.000 con lươn giống. Thời gian đầu tuy gặp không ít khó khăn về kỹ thuật nuôi, con lươn chỉ phát triển ở mức trung bình với tỷ lệ sống khoảng 80%, nhưng nhờ cách chăm sóc khoa học, đúng quy trình nên anh gặp nhiều thuận lợi ngay từ những bước đầu tiên trong quá trình thả nuôi con giống.
![]() |
Anh Nguyễn Văn Phước bên bể nuôi lươn thương phẩm. |
Trong quá trình nuôi, anh Phước nhận thấy lươn là loại con rất dễ nuôi, cách chăm sóc không cầu kỳ, tỷ lệ con giống sống đạt trên 90% và đặc biệt có giá trị kinh tế cao. Chia sẽ về kỹ thuật nuôi lươn, anh cho biết: “Nuôi lươn không khó, tuy nhiên phải bỏ công chăm sóc, thường xuyên theo dõi lươn phát triển để điều chỉnh thức ăn cho hợp lý. Thức ăn của lươn chủ yếu là thức ăn công nghiệp. Để nuôi lươn không bùn đạt hiệu quả, ngoài con giống, thì khâu phối giống và nguồn nước sử dụng khi nuôi rất quan trọng. Mỗi ngày cần thay nước trong bể nuôi ít nhất 2 lần để làm sạch môi trường nước, phòng tránh bệnh cho lươn. Lươn có đặc tính ưa tối, thích trú ẩn, thường sống chui rúc... nên khi nuôi trong bể xi măng người nuôi phải tạo nơi trú ẩn cho lươn bằng cách làm các giá thể bằng dây nilon. Ngoài ra, lươn thường gặp về bệnh đường ruột, nấm… nên công tác phòng bệnh định kỳ cho lươn cũng được chú trọng”.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, mỗi con lươn giống sau 10 tháng nuôi bắt đầu sinh sản. Mùa sinh sản của lươn vào khoảng tháng 2 đến tháng 10 âm lịch. Đến nay, anh Phước đã có 10 bể nuôi lươn bố mẹ và 10 bể lươn thịt với số lượng 20.000 lươn thịt. Trung bình 1 tháng, anh xuất bán khoảng 15.000 – 20.000 lươn giống, với giá 2.500 đồng – 4.000 đồng/con, anh mang về lợi nhuận khoảng 20 triệu – 25 triệu đồng. Bên cạnh đó, cứ sau 10 tháng nuôi 20.000 con lươn giống, khi lươn đạt trọng lượng trung bình khoảng 200gram/con anh xuất bán với số lượng đạt khoảng 3 – 4 tấn lươn thịt, sau khi trừ đi chi phí anh thu lãi trung bình trên 100 triệu đồng.
Nhận thấy thị trường tiêu thụ lươn thương phẩm mạnh, anh Nguyễn Văn Phước dự định tiếp tục mở rộng quy mô, tăng số bể nuôi lươn không bùn lên khoảng 30 – 40 bể lươn bố mẹ với số lượng khoảng 3.000 – 4.000 lươn giống. Ngoài ra, anh sẵn sàng chia sẻ cách xây dựng bể, kinh nghiệm, kỹ thuật, cách phòng trị bệnh và cung ứng giống cho những người dân có nhu cầu nuôi lươn, để phát triển kinh tế hộ gia đình và góp phần đa dạng hóa đối tượng vật nuôi cũng như thực hiện có hiệu quả trong phong trào Đồng khởi khởi nghiệp tại địa phương.
Bí thư xã đoàn Phú Túc – Đỗ Thị Huyền Trang cho biết: “Trong thời gian qua, phong trào khởi nghiệp của đoàn viên tại địa phương phát triển rất tốt. Đa phần thanh niên có khát vọng muốn xây dựng và phát triển kinh tế tại địa phương. Hiện em Phước cũng đã hỗ trợ con giống, kỹ thuật nuôi cho hơn 10 thanh niên tại địa phương, góp phần phát triển phong trào khởi nghiệp tại địa phương. Trong thời gian tới, Ban chấp hành xã đoàn sẽ tiếp tục giới thiệu và nhân rộng mô hình đến đoàn viên, thanh niên có nhu cầu cũng như giới thiệu nguồn vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội huyện nếu đoàn viên, thanh niên thiếu nguồn vốn để phát triển kinh tế".
Mặc dù nuôi lươn trong bể xi măng không phải là mô hình mới tại huyện Châu Thành nhưng đây được xem là một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao vì tiết kiệm tối đa diện tích nuôi, hạn chế thức ăn dư thừa, dễ phát hiện các loại bệnh, màu sắc lươn bắt mắt, dễ tiêu thụ trên thương trường… Với sự nhạy bén, kiên trì và quyết tâm khởi nghiệp làm giàu trên chính quê hương của mình, anh Nguyễn Văn Phước đã gặt hái được những kết quả từ mô hình nuôi lươn trong không bùn. Hy vọng, trong thời gian tới, mô hình này sẽ ngày càng đạt năng suất và chất lượng cao, cung cấp ra thị trường những mặt hàng sạch và an toàn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.