Gạo giống nàng keo góp phần xây dựng thương hiệu gạo Bến Tre

Lúa mùa là nhóm lúa có thời gian sinh trưởng, trổ bông và thu hoạch theo mùa. Ngày xưa, có đến hằng trăm giống lúa mùa tại ĐBSCL, trong đó có rất nhiều giống nổi tiếng và đến nay người dân vẫn trồng như Nàng thơm chợ đào, Tài nguyên, Huyết rồng, Nàng keo, Nàng hương, Trắng tép, Chùm ruột, Trắng bà lớn, Rẽ hành, Trắng tròn…

 

Thạnh Phú là huyện ven biển của tỉnh Bến Tre, có khoảng 9.000 ha đất canh tác lúa với địa hình bằng phẳng, có hệ thống kênh rạch chằn chịt, khí hậu mang những nét đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long, quanh năm có 2 mùa mưa nắng rõ rệt, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, có gió mùa Tây Nam, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, có gió mùa Đông Bắc. Chế độ bán nhật triều, thuỷ triều cao nhất vào tháng 9 đến tháng 10 âm lịch, thấp nhất từ tháng 2 đến tháng 4 âm lịch, ảnh hưởng của thuỷ triều làm nước mặn xâm nhập sâu và kéo dài, nước mặt bị nhiễm mặn vào mùa khô.

 

Với điều kiện canh tác nêu trên, Thạnh Phú đã phân lập ra vùng canh tác chuyên lúa, lúa-màu và vùng canh tác lúa-tôm. Từ lâu, tập quán canh tác lúa nước bằng các giống lúa mùa địa phương dài ngày (Nàng keo, Nàng hương, Lem buội, Trắng tép…) và nuôi xen tôm cá thiên nhiên được nông dân Thạnh Phú chọn lựa phát triển bền vững.

 

Trong những năm 1997-2005,Thực hiện công tác chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi, công tác khuyến nông tập trung thực hiện các mô hình thay đổi cơ cấu giống lúa mùa địa phương sang canh tác các giống lúa trung vụ (OM 1348, OM1352, OM2496…)  các giống lúa cao sản chất lượng cao (OM6162, OM 4900, OM9921…), thay đổi tập quán gieo cấy bằng phương pháp sạ, sử dụng thuốc hoá học bằng các thuốc sinh học và dần dần hạn chế đến không sử dụng thuốc hoá học trong quản lý dịch hại.

 

Hiện nay, diện tích canh tác lúa mùa ngày càng thu hẹp nhường chỗ cho các giống ngắn ngày năng suất cao, chất lượng tốt như OM5451, OM 4900, Đài Thơm 8, ST24, ST25…song song đó, các giống lúa mùa địa phương được sàng lọc giống chất lượng, thích nghi vùng đất nhiểm mặn và BĐKH, phù hợp mô hình canh tác kết hợp nuôi tôm xen lúa vùng ven biển Thạnh Phú là giống lúa Nàng keo.

 

Lúa Nàng Keo là một giống lúa mùa cổ truyền được người dân  trồng và gìn giữ từ hàng trăm năm. Tên gọi Nàng Keo mang tên của một người con gái như một số giống lúa thơm khác như: Nàng Hương, Nàng Thơm, Nàng Tét, Nàng Gáo… Nàng Keo được trồng nhiều nhất trong vùng canh tác tự nhiên lúa-tôm tại huyện Thạnh Phú tỉnh Bến Tre. Do có tính chịu mặn cao, lúa Nàng Keo rất thích hợp với mô hình lúa tôm ở các vùng đất ven biển nơi đất bị ngập nước khi thủy triều lên hoặc bị xâm ngập mặn và mô hình canh tác lúa tôm đang trở thành phương thức canh tác thông minh để thích ứng với biến đổi khí hậu.

 

Mô hình canh tác lúa – tôm.

 

Giống lúa này có thể chịu được độ mặn cao của vùng ven biển bị nhiễm mặn và là giống lúa dài ngày nên mỗi năm chỉ trồng được một vụ kéo dài đến 5 - 6 tháng. Đặc biệt, lúa Nàng Keo là giống quang cảm mạnh nên chỉ trổ bông vào khoảng tháng11dl hàng năm.Vì vậy, người dân ở đây thường gieo sạ lúa từ tháng 6-7dl hàng năm để đến tháng11dl cây lúa trổ bông là đủ ngày đủ tháng cho chất lượng hạt lúa thơm ngon.

 

Việc canh tác lúa Nàng Keo kết hợp nuôi tôm, cá, nguồn lợi thiên nhiên…  lớp bùn hữu cơ là chất dinh dưỡng rất tốt phù hợp cho cây lúa sinh trưởng và phát triển trong tháng đầu nên lượng phân bón cung cấp bổ sung cho cây lúa là không nhiều.Canh tác lúa-tôm kết hợp nên  hoàn toàn không sử dụng thuốc BVTV trừ sâu hại trong ruộng lúa.  Tận dụng chế độ bán nhật triều đều(mỗi ngày nước lên xuống hai lần), người dân kiểm soát chất lượng nước đưa nước từ sông chảy vào ruộng ( thông qua hệ thống cống tưới tiêu của nông hộ) ngập đọt lúa  và ngâm lúa chìm trong nước để diệt sâu rầy hại lúa, sau đó1-2 giờ sẽ tháo nước ra và quản lý mực nước ruộng theo từng giai đoạn sinh trưởng  phát triển của cây lúa và mô hình nuôi kết hợp trong ruộng lúa.

 

Lúa nàng keo giai đoạn trổ.

 

Hạt gạo Nàng Keo có màu hồng nhạt, tròn và ngắn so với gạo thường. Khi nấu thành cơm có mùi thơm nhẹ, cơm ngon, nhai lâu sẽ thấy vị ngọt đậm đà và biểu trưng cho sự thơm ngon đặc biệt của hạt gạo Nàng Keo vùng ven biển Thạnh Phú. Gạo Nàng Keo được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, đặc biệt là Thành Phố HCM, người dân du lịch… thường xuyên đặt hàng làm quà biếu tặng trong các dịp lễ hội. Đồng thời, công ty Hoa Nắng cũng đã liên kết sản xuất và bao tiêu giống lúa Nàng Keo canh tác hữu cơ trong những năm gần đây. Từ đây, giống lúa Nàng Keo đã trở thành giống lúa đặc sản của Thạnh Phú, mổi khi nhắc đến Thạnh Phú mọi người sẽ nghỉ ngay đến giống lúa, gạo Nàng Keo và khi muốn  hiểu về giống lúa, gạo Nàng Keo thì mọi người sẽ tìm ngay đến vùng đất Thạnh Phú.

 

Hạt gạo nàng keo.

 

Với quá trình phát triển của giống lúa Nàng keo và biện pháp canh tác lúa - tôm thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với điều kiện canh tác, trình độ sản xuất của người dân, giúp tăng thu nhập trên 1 đơn vị diện tích đất sản xuất của nông hộ, vấn đề đặt ra về sự cần thiết quan tâm trong công tác  quản lý, gìn giữ, bảo vệ, khai thác giống lúa Nàng keo là giống đặc sản của vùng ven biển Thạnh Phú và phát triển thành giống được bảo hộ chỉ dẩn địa lý cho sản phẩm gạo của huyện Thạnh Phú.

 

Việc sử dụng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm gạo là yếu tố quan trọng để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho loại nông sản này. Việc chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm gạo không đơn thuần là giúp người tiêu dùng nhận biết được xuất xứ, địa lý của hàng hóa, bao gồm những đặc điểm của sản phẩm mà chỉ có được do nguồn gốc địa lý của nó, chẳng hạn như khí hậu, đất đai hoặc các phương thức sản xuất truyền thống, đảm bảo được quy trình sản xuất theo chuỗi khép kín. Hạt gạo được kiểm soát từ khâu chọn giống, gieo cấy, chăm sóc, cho đến thu hoạch, chế biến và bảo quản mà còn đóng vai trò tích cực trong việc khẳng định chất lượng và sự khác biệt của sản phẩm, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, mở rộng thị trường…

 

Công tác tạo lập, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm gạo Thạnh Phú cần quan tâm:

- Tiến hành công tác phục tráng giống lúa: Trong thực tế sản xuất cho thấy giống lúa đã và đang dần thoái hóa, Các dạng hình cây lúa  không đồng đều, nâng suất và chất lượng gạo chưa đồng nhất,  cần phải tiến hành công tác phục tráng giống để đảm bảo năng suất, chất lượng và đặc điểm vốn có của giống.

 

- Xây dựng qui trình canh tác lúa Nàng keo trên đất vuông tôm Thạnh Phú bổ sung cho phương pháp canh tác củ chưa cải tiến là nguyên nhân dẫn tới năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất còn hạn chế.

 

- Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm gạo là khái niệm vẫn khá mới mẻ với người dân. Vì vậy, việc quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm gạo cần phải có sự chung tay vào cuộc của người nông dân, người tiêu dùng, các tổ chức cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, chính quyền các cấp và đặc biệt là từ chính những doanh nghiệp, tổ chức tập thể sản xuất kinh doanh sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.

 

Nông dân kiểm tra tôm nuôi xen trong ruộng lúa.

 

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân tham gia sản xuất và liên kết sản phẩm lúa . Xây dựng liên kết chuỗi giá trị lúa, Khuyến cáo lịch thời vụ, chọn lọc giống,  hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật sản xuất  thích ứng với biến đổi khí hậu cho nông dân. Tăng cường công tác quảng bá và kết nối với thị trường; Liên kết doanh nghiệp trên lĩnh vực sản xuất lúa  gắn với bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp triển khai các chính sách hỗ trợ trong quá trình sản xuất, quản lý và sử dụng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý “Thạnh Phú” trong tương lai.

 

 

 

 

 

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Tập huấn nâng cao chất lượng tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật, sáng kiến dành cho cán bộ quản lý, giáo viên cấp trung học
• GII 2023: Việt Nam tăng 2 bậc, xếp thứ 46/132 nền kinh tế
• Xu hướng tự chủ về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo trong thời kỳ cạnh tranh chiến lược hiện nay
• Mỏ Cày Nam tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững
• Tổng kết hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bến Tre lần thứ IX năm 2022-2023
• Thành phố Bến Tre: Khơi dậy sự sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh
• Chỉ đẫn địa lý – một trong các yêu cầu của nông nghiệp bền vững
• ChatGPT dùng để làm gì và mối đe dọa của nó đến một số ngành nghề
• Chương trình phát triển tài sản trí tuệ - công cụ quan trọng góp phần nâng cao giá trị, vị thế của sản phẩm địa phương
• Bến Tre triển khai thực hiện chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030
• Thu nhập khá nhờ trồng hoa kiểng
• Trương Văn Dương – Gương mặt trẻ thành đạt
• Đổi mới sáng tạo và các đặc tính của nó
• Bến Tre có 02 mã vùng trồng và 03 cơ sở đóng gói sầu riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc
• Tạo lập nhãn hiệu đối với ẩm thực Dừa Bến Tre