Giồng Trôm gương phụ nữ khởi nghiệp với dừa xiêm xanh gọt trọc

Với mong muốn mang đến cho người tiêu dùng những trái dừa xiêm xanh thơm ngon, đảm bảo chất lượng về vệ sinh an toàn thực phẩm, từ đó góp phần tiêu thụ và quảng bá giá trị trái dừa xiêm xanh của vùng đất Châu Bình nói riêng và của tỉnh Bến Tre nói chung đến các khách hàng trong và ngoài nước. Chị Nguyễn Thị Kim Xa-Chi hội phó Chi hội phụ nữ ấp Bình Long, xã Châu Bình đã quyết định khởi nghiệp với mô hình “Dừa xiêm Kim Xa”, bước đầu đem lại tín hiệu khả quan, lợi nhuận khá cao và hướng mở rộng quy mô trong thời gian tới.

 

Chị Nguyễn Thị Kim Xa- giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp “Dừa xiêm xanh”.


 

Chị Nguyễn Thị Kim Xa sinh năm 1983, xuất thân trong gia đình nghề nông, bằng ý chí và nghị lực chị luôn cố gắng để có cuộc sống gia đình hạnh phúc. Thế nhưng hôn nhân của chị không như ý nguyện, dang dở nửa đường, chị làm mẹ đơn thân nuôi con khôn lớn và luôn phấn đấu làm việc vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Tháng 12/2021, chị hợp tác với người em mạnh dạn khởi nghiệp kinh doanh dừa xiêm xanh gọt trọc với chi phí đầu tư ban đầu là 85 triệu đồng gồm: nhà xưởng, máy móc và trang thiết bị.

 

Chia sẽ về ý tưởng khởi nghiệp ban đầu, chị Xa cho biết: Bản thân và những người thân trong gia đình chủ yếu thu nhập từ nguồn từ trái dừa hàng tháng. Vì vậy trong đợt giãn cách xã hội, lượng dừa tồn đọng rất nhiều, chính vì lẽ đó bản thân có suy nghĩ và tìm hiểu qua những thông tin bên ngoài với trái dừa xiêm gọt trọc, sản phẩm này khách hàng rất là chuộng. Vì vậy mà tôi có ý tưởng mạnh dạn mua máy về thuê nhân công gọt dừa ra sản phẩm thành phẩm là dừa xiêm gọt trọc. Sản phẩm này được khách hàng rất ưa chuộng. Hiện tại nhân công làm tại xưởng với mức thu nhập khá ổn định, số lượng dừa mỗi ngày xuất ra rất nhiều. Và mục tiêu của xưởng khi trái dừa thành phẩm đến tay người tiêu dùng là phải an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khoẻ, giá cả phải phù hợp.

 

Để dừa đáp ứng yêu cầu về chất lượng ngon, ngọt, chị Xa thuê nhân công trực tiếp đến vườn dừa thu mua của những hộ dân trên địa bàn trong và ngoài xã. Vì chỉ có những người rành nghề mới biết được độ dày mỏng của cơm dừa. Đặc biệt, để biết được độ ngọt của trái dừa, cơ sở của chị luôn thử độ ngọt của dừa bằng máy trước khi thu mua nằm trong giới hạn của độ ngọt người tiêu dùng ưa chuộng.

 

Ông Nguyễn Hoàng Khôi - em trai của chị Xa - người hợp tác mở cơ sở dừa xiêm  xã Châu Bình cho biết: Tiêu chuẩn khi đến vườn dừa mua về gọt trọc đó là, mùa mưa độ ngọt từ 5 chấm trở lên, mùa nắng đột ngọt từ 7 chấm trở lên, mình lựa chọn trái dừa không quá non, cũng không quá dày, trái dừa già quá độ ga nó có, khách hàng uống người ta không vừa ý. Lưu ý là dừa khi thu mua ở nhà vườn đem về phải gọt và thành phẩm đưa đến tay người tiêu dùng trong ngày để đảm bảo trái nó giữ độ ngọt và độ tươi tự nhiên của trái dừa.

 

Sau khi dừa được vận chuyển về cơ sở, theo chị Xa, để có được trái dừa diêm xanh gọt trọc đẹp mắt, đáp ứng yêu cầu thị trường phải trải qua nhiều công đoạn như: lột sạch vỏ, dùng máy bào gọt phần sơ cứng, ngâm vào nước chanh tự nhiên để làm trắng dừa, vớt ra để ráo đưa vào máy sấy khô, sau đó tiến hành phân loại kích cỡ dừa, bao giấy nhãn hiệu và đóng thùng thành phẩm.

 

Từ lúc mới khởi nghiệp, cơ sở của chị Xa có 5 nhân công, đến nay đã tăng lên 10 nhân công thực hiện các khâu từ đốn dừa, vận chuyển, gọt vỏ đến xuất hàng. Từ đó góp phần tạo thu nhập ổn định, giải quyết lao động nhàn rỗi ở địa phương với mức thu nhập mỗi người từ 4 đến 5 triệu đồng/tháng.

 

“Sáng 7h30 tới làm, một ngày làm được 5 tiếng đồng hồ, một ngày được 150 chục ngàn, một tháng được bốn triệu mấy. Bên cạnh đó có ông xã phụ thêm mần, 2 vợ chồng mần hàng tháng cũng kiếm được thu nhập ổn định lo cho cuộc sống hàng ngày-bà Phan Thị Diệu, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm” cho biết:

 

Điểm mới của sản phẩm dừa xiêm xanh của chị Xa là tạo ra sản phẩm dừa được gọt sạch vỏ, đánh bóng, chỉ với thao tác đơn giản đó là cắm ống hút vào phần mắt dừa là người tiêu dùng đã có thể thưởng thức được hương vị thơm ngon, ngọt thanh của dừa xiêm. Hiện nay, thị trường mà cơ sở Dừa xiêm của chị Kim Xa chủ yếu là cung cấp, phân phối trên địa bàn các huyện, tỉnh thành trong nước và khách hàng tại một số sự kiện, lễ hội, giao sỉ vào các hệ thống cửa hàng bán lẻ. Trung bình, mỗi ngày cơ sở chị xuất ra thị trường từ 1.000-1.500 trái, trừ đi chi phí lợi nhuận thu về khoảng 1 triệu đồng mỗi ngày.

 

Ông Nguyễn Thành Tâm – Phó Chủ tịch UBND xã Châu Bình cho biết: Đến thời điểm này trên địa bàn xã Châu Bình có 405 cơ sở cũng như hộ sản xuất kinh doanh dịch vụ, 24 tổ hội nghệ nghiệp, 3 tổ hợp tác và 01 hợp tác xã hoạt động ổn định. Hiện tại trên địa bàn xã có 02 cơ sở để kinh doanh mặt hàng dừa xiêm, đặc biệt là dừa xiêm gọt trọc, trong đó có cơ sở của chị Kim Xa. Từ khi thành lập đi vào hoạt động cho đến nay thì cơ sở dừa xiêm gọt trọc của chị Kim Xa thì hoạt động đi vào ổn định và phát triển, từng bước đã mở rộng quy mô của cơ sở cũng như là lao động. Đặc biệt là phát triển thêm thị trường trong và ngoài tỉnh. Đến thời điểm này cơ sở của chị Kim Xa cũng được công nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 sao. Theo tình hình thị trường thì cơ sở hoạt động của chị Kim Xa khả năng trong thời gian tới sẽ phát triển cũng như đáp ứng được thị hiếu của thị trường. Bời vì mình kinh doanh đối với mặt hàng dừa xiêm xanh gọt trọc đây là một sản phẩm sạch cũng như sản phẩm thuần khiết từ thiên nhiên đáp ứng được thị hiếu của thị trường đặc biệt là thị trường thành thị trong thời gian tới. Đối với địa phương Châu Bình thì trong thời gian tới chúng tôi cũng sẽ phối hợp với Mặt trận cũng như các ngành đoàn thể tiếp tục vận động phát triển thêm các hộ kinh doanh cũng như các cơ sở sản xuất kinh doanh đủ điều kiện phát triển lên doanh nghiệp để hưởng các ché độ chính sách do Nhà nước quy định. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tập trung bổ sung vào quy hoạch để phát triển thêm các tuyến đường cũng như các khu vực để tạo điều kiện thu hút phát triển doanh nghiệp cũng như các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ trong thời gian tới để từng bước chuyển dần cơ cấu lao động của địa phương từ khu vực 1 sang khu vực 2 và khu vực 3 trong những năm tiếp theo.

 

Với thông điệp “Dừa xiêm xanh Châu Bình ngon ngọt, tiện lợi, an toàn cho sức khỏe”, cơ sở dừa xiêm xanh gọt trọc Kim Xa muốn được phát triển mô hình với quy mô lớn hơn ,được cấp trên cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP để đủ điều kiện để sản phẩm dừa tiêu thụ trong các siêu thị và có điều kiện để xuất ra thị trường ngoài nước. Bên cạnh đó, chị mong muốn được tiếp cận với vốn vay với lãi suất ưu đãi để có số tiền mua thêm máy, trang thiết bị và có vốn để mua lượng dừa lớn hơn để cung cấp cho khách hàng ngày càng nhiều hơn để phát triển kinh tế góp phần cùng địa phương xây dựng các tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu.

 

  Để khởi nghiệp thành công đã là một việc khó, song với phụ nữ việc khởi nghiệp thành công còn khó hơn rất nhiều. Thế nhưng, với ý chí vượt khó vươn lên, sự mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, chị Nguyễn Thị Kim Xa đã bước đầu thành công với mô hình khởi nghiệp từ dừa xiêm xanh gọt trọc, vươn lên làm giàu bằng sản phẩm của quê hương và trên chính mảnh đất của quê hương mình. Chị là tấm gương sáng cần được lan toả trong phong trào phụ nữ khởi nghiệp tại xã Châu Bình.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
• Tổ chức Ngày hội Thanh niên khởi nghiệp tỉnh Bến Tre năm 2024
• Bộ Khoa học và Công nghệ công bố chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2023
• Phát động tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bến Tre lần thứ X
• Phát triển sản phẩm OCOP Bến Tre 2024
• Hội nghị Tổng kết Chương trình Mỗi xã một sản phẩm và trao chứng nhận đối với sản phẩm OCOP đạt 3 sao năm 2023
• Giồng Trôm: Lễ công bố xã Tân Hào đạt chuẩn nông thôn mới
• Xây dựng nông thôn mới mang lại lợi ích thiết thực cho người dân trên địa bàn xã Hòa Lợi
• Khai mạc Ngày hội đổi mới sáng tạo tỉnh Bến Tre năm 2023 “Ben Tre Innovation day”
• Khởi nghiệp với mô hình dừa xiêm gọt trọc
• Thạnh Phú phát triển doanh nghiệp, hộ kinh doanh dựa vào 3 trụ cột chính
• Tập huấn kiến thức về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho thanh niên khởi nghiệp tại huyện Thạnh Phú
• Khởi nghiệp thành công với mô hình làm mứt mãng cầu xiêm
• Giao Thạnh đạt nhiều kết quả từ Chương trình “Đồng Khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp”
• Bến Tre triển khai thí điểm Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương