Tăng cường các biện pháp phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trong thời điểm giao mùa
Theo Cục Thú y, trong cả nước tính từ đầu năm 2022 cho đến nay, các loại dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm vẫn còn liên tục xảy ra như cúm gia cầm A/H5N1 (tại 21 tỉnh, thành phố), dịch tả lợn Châu Phi (tại 51 tỉnh, thành phố), Viêm da nổi cục trâu, bò (tại 16 tỉnh), Lở mồm long móng gia súc (tại 7 tỉnh). Đối với tỉnh ta, điều đáng mừng là các loại dịch bệnh này đã được kiểm soát khá tốt, không để xảy ra. Điều này đã góp phần không nhỏ vào việc ổn định và phát triển của ngành chăn nuôi, cung cấp sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
![]() |
Tiêm phòng vắc xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất để bảo vệ vật nuôi. |
Tuy nhiên, hiện nay thời tiết bắt đầu chuyển lạnh làm giảm sức đề kháng của đàn gia súc, gia cầm; nhiều người chăn nuôi chuẩn bị tái đàn, tăng đàn phục vụ nhu cầu thực phẩm trong dịp Tết cổ truyền 2023; việc lưu thông vận chuyển động vật, sản phẩm động vật bắt đầu tăng lên… nên nguy cơ dịch bệnh tái phát và lây lan diện rộng trong những tháng cuối năm là rất cao. Đặc biệt mới đây (từ tháng 9/2022) đã phát sinh rải rác một số ổ bệnh dịch tả heo Châu Phi và Viêm da nổi cục trâu bò trên địa bàn tỉnh.
Nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự phát sinh và lây lan dịch bệnh trong dịp cuối năm, bà con chăn nuôi cần lưu ý áp dụng một số biện pháp cụ thể như sau:
1. Đảm bảo tiêm phòng vắc xin đầy đủ cho đàn vật nuôi; đặc biệt đối với các loại bệnh nguy hiểm cần đảm bảo tiêm định kỳ là:
- Đối với trâu bò tiêm phòng bệnh Viêm da nổi cục, Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng.
- Với heo đảm bảo tiêm phòng bệnh Dịch tả, bệnh Tai xanh, Lở mồm long móng.
- Với đàn gia cầm đảm bảo tiêm đầy đủ vắc xin Cúm gia cầm, Newcastle ở gà, dịch tả ở vịt.
2. Chú ý vệ sinh chuồng trại
Có thể nói đây là biện pháp tuy đơn giản nhưng thực tế người chăn nuôi chưa chú trọng và thật sự quan tâm. Biện pháp này có tác dụng rất quan trọng nhằm loại trừ và hạn chế mầm bệnh sinh trưởng và phát triển.
- Hai công đoạn cần làm trong vệ sinh chuồng trại là vệ sinh cơ giới và phun thuốc sát trùng. Vệ sinh cơ giới là quét dọn rửa chuồng, khơi thông cống rãnh không để ứ nước đọng. Sau khi vệ sinh cơ giới xong phun thuốc sát trùng, một số loại thuốc sát trùng có hiệu quả cao, an toàn như Formol, Benkocid, Virkon…
Định kỳ, lúc bình thường: 2 tuần/lần.
Lúc giao mùa, thời tiết thay đổi như hiện nay: 1 tuần/lần.
- Khi thời tiết có thay đổi cần chú ý che chắn chuồng trại, tránh gió lùa, nhất là những ngày có gió bấc (gió mùa đông bắc). Những ngày nếu có mưa ẩm độ cao cần giữ ấm cho con vật, nhất là đối với gia súc gia cầm non.
3. Đảm bảo dinh dưỡng đủ chất và đủ lượng, khi thực hiện tốt sẽ nâng cao sức đề kháng cho con vật. Bổ sung các loại khoáng chất, vitamin để giúp cho con vật nâng cao sức đề kháng, ngăn chặn mầm bệnh.
- Định kỳ thăm khám cho con vật, khi phát hiện con vật không bình thường (bỏ ăn, sốt, ho, thở nhanh, tiếng thở khò khè, con vật đi đứng không bình thường, thích nằm...) cần tách nuôi nhốt riêng để theo dõi, kiểm tra, giữ ấm cho con vật nếu không thấy tiến triển tốt cần báo ngay cho cán bộ thú y để có biện pháp phòng trị bệnh tích cực.
Người chăn nuôi chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh trên sẽ đảm bảo sức khỏe cho đàn gia súc gia cầm nhất là trong giai đoạn chuyển giao mùa như hiện nay.