Tỉa cành, tạo tán đối với cây ăn trái có thật sự cần thiết?

Trong sản xuất cây ăn trái, việc tỉa cành tạo tán nhằm mục đích loại trừ ưu thế ngọn để cho chồi bên và các cành bên mọc ra. Việc làm này sẽ giúp ra các chồi mới, làm trẻ hóa vườn cây là một trong các biện pháp kỹ thuật quan trọng.

 

Cơ sở khoa học

Vai trò của auxin: Có hai quan điểm giải thích vai trò của auxin đối với hiện tượng ưu thế ngọn là ức chế trực tiếp và ức chế gián tiếp.

+ Chồi ngọn là cơ quan tổng hợp auxin với hàm lượng cao. Khi vật chất chuyển xuống dưới, các chồi bên bị auxin ức chế. Cắt chồi ngọn, hàm lượng auxin giảm xuống và các chồi bên được kích thích sinh trưởng. Đấy là quan điểm ức chế trực tiếp của auxin.

+ Quan điểm ức chế gián tiếp của auxin cho rằng auxin kích thích tạo nên 1 chất ức chế sinh trưởng (chẳng hạn như Ethylen) chính những chất này gây nên sự ức chế các chồi bên. Dù là quan điểm nào thì auxin cũng có vai trò điều chỉnh đối với hiện tượng ưu thế ngọn. 

+ Hiện tượng ưu thế ngọn được ngọn được điều chỉnh bằng cân bằng Auxin/xytokinin. Auxin được tổng trong chồi ngọn và vận chuyển xuống dưới, còn Xytokinin được tổng hợp ở rễ sau đó được vận chuyển lên phía trên. Càng xa chồi ngọn (gần rễ) hàm lượng auxin càng giảm và hàm lượng xytokinin càng tăng lên nên tỷ lệ đó càng giảm và hiện tượng ưu thế ngọn càng yếu, chồi bên phát triển mạnh hơn. 

 

Hiệu quả từ cơ sở thực tiễn

 1. Vườn cây thông thoáng, hạn chế sâu bệnh

Ở các vườn bưởi da xanh và sầu riêng nếu được tỉa cành tạo tán ngay từ nhỏ sẽ cho bộ khung cân đối, hạn chế côn trùng và nấm bệnh tấn công đồng thời cây phát triển rất tốt.

* Đối với sầu riêng các loại dịch hại thường xuất hiện như: rầy xanh, rầy trắng tấn công vào đọt và lá non; xén tóc, mọt đục cành tấn công vào thân và cành; nấm Phytophthora sp, Colletotrichum sp, Rihzoctonia solani sp gây xì mủ và cháy lá hại cũng giảm rất nhiều,.

* Đối với bưởi da xanh các loại dịch hại thường xuất hiện như: rệp dính, sâu vẽ bùa tấn công trên lá, thân cành; nấm Phytophthora gây ra hiện tượng xì mủ cũng giảm rất nhiều.

 

 
Vườn sầu riêng được tỉa thoáng và khống chế chiều cao ở 5 m.   Vườn bưởi da xanh được tỉa theo phương pháp khai tâm.

 

Bên cạnh đó việc tiết kiệm chi phí trong phun xịt thuốc BVTV cũng giảm do bộ khung tán được thông thoáng. Theo nhận xét của nông dân Nguyễn Văn Có tại xã Quới Thành, huyện Châu Thành người được chuyển giao kỹ thuật tỉa cành tạo tán từ Ths Lê Trí Nhân – Trung tâm Khuyến nông và TVDVNN Bến Tre cho biết đã tiết kiệm lại lượng thuốc từ 20-30% so với trước  và sâu bệnh hại cũng giảm rất nhiều. Nông dân Nguyễn Trung Duy người cũng đang canh tác bưởi da xanh tại xã Quới Thành cho biết từ khi nhận chuyển giao kỹ thuật tỉa cành tạo tán kết hợp với xử lý ra hoa bằng biện pháp cắt cành, vườn cây thông thoáng và cho trái tốt hơn so với trước kia.

 

2. Cách thực hiện việc tạo tán - tỉa cành đối với sầu riêng và bưởi da xanh

 

 
Cây sầu riêng mang trái ở cành cấp 1 và cấp 2.   Cây bưởi da xanh có trái ở các vị trí phù hợp.

 


Đối với cây sầu riêng: số cành của sầu riêng đạt từ 20-25 cành cấp 1 là đạt yêu cầu. Ví dụ: Nếu cây cao 5 m trừ đi 0.8 m cách mặt đất và 0.2 m cách ngọn và mỗi tầng cành cách nhau 0.5 m. Vậy còn lại 4/0.5 = 8 tầng. Mỗi tầng có 3 cành cấp 1 và 5 cành cấp 2. Vậy tổng có 8 tầng x 3 cành cấp 1x 5 cành cấp 2 = 120 cành có khả năng cho trái. Đây được xem điều kiện vô cùng quan trọng để giúp cây sầu riêng đạt được năng suất cao ở thời gian sau.

Cách thực hiện: Sau khi trồng được 6 tháng tiến hành cắt bỏ những cành nhỏ bên trong thân, tạo ra các tầng cành cơ bản cùng với các cành cấp 1 to khỏe. Sang năm thứ 2 và 3 cần tạo thêm các tầng cành và các cành cấp 1 và cành cấp 2. Cần quan sát các cành cấp 2 có xu hướng nằm ngang kiểu mái nhà thì giữ lại và tỉa thưa để tạo khoảng cách phù hợp.

 

Sầu riêng 6 tháng.

 


Sầu riêng 3 năm.

 

Lưu ý: những cành nhỏ bị lõm vào thân cần được loại bỏ vì những cành này bị cạnh tranh dinh dưỡng.

Đối với bưởi da xanh: áp dụng kỹ thuật tạo tán kết hợp tỉa thoáng bên trong thân sẽ cho hiệu quả cao về mặt năng suất và chất lượng bưởi da xanh.

Cụ thể cách làm như sau

+ Tạo tán: khi cây cao đến khoảng 80 cm thì bấm ngọn để kích thích cành bên phát triển. Sau khi ra cành, chọn 3 cành khỏe, thẳng mọc từ thân chính và phát triển theo ba hướng tương đối đồng đều nhau làm cành cấp 1. Khi cành cấp 1 dài khoảng 60 - 80 cm, dùng cọc cắm xuống đất theo hướng phù hợp; tiếp đó, dùng dây cột giữ cành cấp 1 vào cọc tạo với thân chính một góc 45- 600. Sau khi cành cấp 1 trưởng thành (bánh tẻ) ta tiến hành kéo lần 2 đến khi tạo với thân chính 1 góc 600, kết hợp bấm ngọn để cây phân cành cấp 2 ngoài đầu cành và bên trong cành cấp 1 (cành quả). Từ cành cấp 2 sẽ hình thành các cành cấp 3, số lượng không hạn chế nhưng cần loại bỏ các cành mọc quá dày, ốm yếu. Trong quá trình sinh trưởng, nếu thấy các cành mọc thẳng đứng cần dùng dây kéo sang vị trí còn khuyết tán. Sau 3 năm cây sẽ có bộ tán cân đối, thuận lợi trong chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh và thu hoạch.

+ Tỉa cành: Hằng năm, sau mỗi đợt thu hoạch cần phải loại bỏ những đoạn cành đã mang trái (thường rất ngắn khoảng 10 - 25cm), cành sâu bệnh, cành ốm yếu, cành nằm bên trong tán không có khả năng mang trái, các cành đan chéo nhau. Đồng thời, cũng cần loại bỏ những cành vượt trong thời kỳ cây đang mang trái nhằm hạn chế việc cạnh tranh dinh dưỡng và sâu bệnh cho cây.

Kết luận: Việc tỉa cành tạo tán là khâu quan trọng hàng đầu trong canh tác cây ăn trái nói chung. Bà con nông dân cần quan tâm về kỹ thuật này để có được vườn ăn cây trái vườn đẹp và hiệu quả cao.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Một số điểm đặc trưng trong quá trình sinh trưởng, phát triển cây mít ruột đỏ lá bầu
• Trồng ớt trong mùa mưa – những điều cần lưu ý để đạt năng suất và chất lượng
• Những vấn đề cần lưu ý trong chăm sóc vườn cây ăn trái đầu mùa mưa
• Kỹ thuật trồng chanh dây theo hướng an toàn
• Phòng trừ sâu bệnh hại xoài trong mùa nắng
• Kỹ thuật trồng na Thái đạt năng suất và chất lượng
• Một số vấn đề cần lưu ý để có vườn đu đủ năng suất cao
• Lưu ý sâu bệnh gây hại cây bòn bon Thái vào đầu mùa mưa
• Một số giải pháp canh tác cây có múi trong điều kiện hạn mặn
• Một số ghi nhận từ việc xử lý ra hoa bòn bon
• Kỹ thuật ghép mãng cầu xiêm trên gốc cây bình bát và phòng trừ một số sâu hại trên mãng cầu xiêm
• Một số sâu hại phổ biến trên cây Sapô trong mùa nắng nóng
• Chăm sóc vườn cây có múi trong mùa mưa lũ
• Quản lý một số bệnh thường gặp trên đu đủ
• Phòng trừ rầy phấn trắng và bọ xít muỗi gây hại trên cây ổi