Thu nhập khá nhờ trồng hoa kiểng

Thời gian gần đây, người dân ở Ba Tri, tỉnh Bến Tre đã mạnh dạn đầu tư trồng hoa kiểng và nhiều người có thu nhập khá từ nghề này. Điển hình như anh Lê Văn Khánh, sinh năm 1986 ở ấp An Lợi, xã An Bình Tây (Ba Tri), Ủy viên Thường trực Hội Sinh vật cảnh huyện Ba Tri.

 

Anh Lê Văn Khánh vui mừng vì có thu nhập khá nhờ trồng hoa kiểng.

 

Với lòng đam mê sinh vật cảnh, năm 2015 tranh thủ thời gian nhàn rỗi anh trồng vài chậu mai vàng chủ yếu để trang trí trong gia đình và thư giãn sau những giờ lao động. Trong quá trình chăm sóc, cắt tỉa, tạo dáng đã thành những sản phẩm đẹp và được khách hàng đến mua với giá cao. Từ đây, anh quyết định sử dụng hơn 200 m2 đất quanh nhà đầu tư trồng mai vàng với số lượng nhiều để kinh doanh tạo thêm thu nhập cho gia đình. Với lòng đam mê, không ngừng học hỏi kinh nghiệm để áp dụng trong việc chăm sóc nên mai của anh trồng đều phát triển tốt, trổ bông nhiều, đẹp và đúng dịp. Anh Lê Văn Khánh chia sẻ: “Để mai trồng phát triển tốt thì sau tết âm lịch, tôi cắt tỉa cây theo dáng rồi tưới phân hữu cơ như phân Humic, phân vi lượng hoặc phân hữu cơ dạng viên từ tháng 1 đến tháng 7 âm lịch. Sau đó tôi tưới phân vô cơ NPK 15 – 15 – 15. Đến tháng 10 âm lịch tôi vẫn tưới phân NPK nhưng với hàm lượng cao là NPK 10 – 22 – 22 để giúp mai tạo nụ bông. Đến tháng 12 âm lịch nếu nút nụ bông mai nhỏ thì từ mùng 10, 11 tôi tước lá, còn nút nụ lớn thì phải đến ngày 15, 16, 17 mới tước lá. Để cây không bị sâu bệnh thì tôi phun thuốc phòng ngừa trước và phun mỗi tháng hai lần và phun vào buổi chiều. Tôi sử dụng thuốc trừ sâu Marshal pha với thuốc trừ nấm Vil Hoa Kỳ để phun. Đặc biệt là tôi thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết, khi có dự báo mưa tôi sẽ phun thuốc ngừa sâu bệnh trước vài ngày”.

 

Trong năm qua, anh bán ra thị trường hơn 300 chậu mai, sau khi trừ chi phí còn lãi trên 200 triệu đồng. Hiện nay, vườn mai của anh có 30 gốc.

Nhờ trồng hoa kiểng mà anh Lê Văn Khánh đã có thu nhập khá cao.

 

Với mong muốn được học hỏi kinh nghiệm sinh vật cảnh, năm 2016, anh tham gia vào Hội sinh vật cảnh huyện Ba Tri. Đến năm 2022, anh được tín nhiệm bầu làm Ủy viên Thường trực Hội Sinh vật cảnh huyện Ba Tri. Với nhiệm vụ được giao, anh không ngừng xây dựng tổ chức, vận động người dân tham gia vào Hội, qua đó có điều kiện truyền đạt kiến thức để cùng thực hiện, đưa phong trào sinh vật cảnh của địa phương không ngừng phát triển.

 

Ông Nguyễn Trung Liêm, Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh huyện Ba Tri cho biết: “Anh Lê Văn Khánh là người rất đam mê sinh vật cảnh. Anh luôn tìm tòi học học kinh nghiệm, nghiên cứu kiến thức về sinh vật cảnh. Từ đó anh đã thành công với việc trồng hoa kiểng. Không chỉ thế, khi tham gia vào hội, anh đã tích cực xây dựng tổ chức, đưa phong trào sinh vật cảnh ở địa phương không ngừng phát triển. Sắp tới Hội chúng tôi sẽ giới thiệu tấm gương của anh Lê Văn Khánh cho cán bộ, hội viên và người dân trên địa bàn huyện biết để tích cực làm theo. Qua đó ngày có nhiều người đầu tư trồng hoa kiểng, dù diện tích đất không nhiều để tạo thu nhập cho gia đình, đồng thời đưa phong trào của Hội ngày càng phát triển, góp phần thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

 

Việc trồng hoa kiểng của anh Lê Văn Khánh không chỉ tạo ra những tác phẩm nghệ thuật có giá trị, đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn sinh vật cảnh của người dân, góp phần tạo nên vẻ đẹp, ý nghĩa của mùa xuân, đồng thời mang lại thu nhập không nhỏ cho gia đình mà còn là điển hình để cán bộ, hội viên hội sinh vật cảnh của huyện Ba Tri học tập và noi theo.

 

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Tập huấn nâng cao chất lượng tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật, sáng kiến dành cho cán bộ quản lý, giáo viên cấp trung học
• GII 2023: Việt Nam tăng 2 bậc, xếp thứ 46/132 nền kinh tế
• Xu hướng tự chủ về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo trong thời kỳ cạnh tranh chiến lược hiện nay
• Mỏ Cày Nam tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững
• Tổng kết hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bến Tre lần thứ IX năm 2022-2023
• Thành phố Bến Tre: Khơi dậy sự sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh
• Chỉ đẫn địa lý – một trong các yêu cầu của nông nghiệp bền vững
• ChatGPT dùng để làm gì và mối đe dọa của nó đến một số ngành nghề
• Chương trình phát triển tài sản trí tuệ - công cụ quan trọng góp phần nâng cao giá trị, vị thế của sản phẩm địa phương
• Bến Tre triển khai thực hiện chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030
• Trương Văn Dương – Gương mặt trẻ thành đạt
• Gạo giống nàng keo góp phần xây dựng thương hiệu gạo Bến Tre
• Đổi mới sáng tạo và các đặc tính của nó
• Bến Tre có 02 mã vùng trồng và 03 cơ sở đóng gói sầu riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc
• Tạo lập nhãn hiệu đối với ẩm thực Dừa Bến Tre