Ứng dụng chất điều hòa sinh trưởng thực vật trong sản xuất hoa-một số lưu ý khi sử dụng

Trong hoạt động sống của thực vật rất cần đến các chất điều hòa sinh trưởng vì nó có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh quá trình sinh trưởng, phát triển rễ và các hoạt động sinh lý. Chất điều hòa sinh trưởng thực vật được phân thành hai nhóm: chất kích thích sinh trưởng và ức chế sinh trưởng. Hai nhóm này có tác dụng đối kháng nhau về mặt sinh lý. Chất kích thích sinh trưởng gồm các nhóm chất Auxin, Gibberellin và Cytokinin. Các chất ức chế sinh trưởng bao gồm axit Abscisic, Ethylen và Phenol.

Chất điều hòa sinh trưởng thực vật được ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp nói chung và nghề trồng hoa nói riêng. Với nghề trồng hoa, sử dụng chất điều hoà sinh trưởng có nhiều thuận lợi hơn vì hoa không phải là thực phẩm cho người và vật nuôi, do đó các ảnh hưởng độc hại (nếu có) của chất điều hoà sinh trưởng ít ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Tác dụng của chúng nhanh và rõ rệt, có thể làm thay đổi một số đặc điểm thực vật học của cây hoa như: chiều cao cây, màu sắc, thời gian sinh trưởng, sự ra hoa, chất lượng và tuổi thọ của hoa,… Nông dân trồng hoa thường sử dụng chất điều hòa sinh trưởng để kích thích sự nảy mầm của hạt giống và củ giống hoa. Có rất nhiều loại hoa được nhân giống theo con đường vô tính như Cúc, Thược dược, Cẩm chướng, Hồng, Đào,... Hàm lượng auxin trong cành chiết, cành giâm khá thấp không đủ để gây ra sự phân hóa rễ bất định. Do đó, người ta phải xử lý auxin ngoại sinh cho cành chiết, cành giâm để kích thích ra rễ. Các auxin như IAA, IBA, NAA,… đều có thể được sử dụng để kích thích ra rễ. Ngoài ra, người ta còn sử dụng chất điều hòa sinh trưởng để điều khiển sự ra hoa như GA3 được sử dụng rộng rãi để kích thích sự ra hoa hoặc dùng chất CCC (Chlorcholin chlorid)  tạo dáng cho cây cảnh, làm cho cây chậm phát triển, hình dáng cây gọn lại, tạo dáng cho cây, ứng dụng nhiều trên kiểng Bonsai. Cây Cúc ra hoa vào mùa hè nhưng có thể ra hoa trong vụ đông khi được xử lý GA3 ở nồng độ  20-25ppm (Cúc trắng Nhật, Cúc tím lá nhọn, Cúc phấn hồng hè). Để làm hoa nở lúc cần thiết người ta sử dụng GA3 và BA (một loại Cytokinin). Hoa cắt tàn nhanh do nhiều yếu tố, trong đó có vai trò gây già hoá nhanh của Ethylen. Do đó, loại bỏ tác động xấu của Ethylen trong bảo quản hoa cắt là một vấn đề quan tâm, có thể sử dụng một số chất kháng Ethylen như: Nitrat Bạc (AgNO3); Thiosunphat Bạc (STS), Auxin, Cytokinin,…

Các chất điều hoà sinh trưởng thực vật đã và đang được ứng dụng rộng rãi như một phương tiện hóa học quan trọng đối với sự sinh trưởng và phát triển cây trồng. Tuy nhiên, nông dân khi sử dụng chất điều hòa sinh trưởng trong sản xuất hoa cũng cần thiết tuân theo các nguyên tắc:

- Nồng độ các chất điều hòa sinh trưởng phải tuyệt đối tuân theo khuyến cáo vì có một số chất khi ở nồng độ thấp thì chúng có tác dụng kích thích nảy mầm, tăng chiều cao, tăng sinh khối nhưng khi ở nồng độ cao thì chúng có thể ức chế sinh trưởng hoặc gây rụng lá thậm chí làm chết cây.

- Cần chú ý chất điều hòa sinh trưởng không phải là chất dinh dưỡng mà chúng chỉ có tác dụng kích thích quá trình trao đổi chất nên không thể thay thế cho phân bón. Vì vậy, muốn đạt hiệu quả cao khi sử dụng các chất này phải phối hợp một cách hợp lý với phân bón, đặc biệt trong các trường hợp muốn tăng chiều cao và sinh khối của cây hoa.

- Mặc dù việc sử dụng chất điều hòa sinh trưởng với nghề trồng hoa có nhiều thuận lợi nhưng ảnh hưởng tiêu cực của chúng đối với đất đai, nước và sức khoẻ con người không phải không có, nhất là trong trường hợp lạm dụng chúng. Do đó, phải sử dụng đúng nồng độ, đúng thời điểm và phương pháp.

Càng ngày người ta càng phát hiện ra nhiều tác dụng của chất điều hòa sinh trưởng thực vật đối với nghề trồng hoa. Với tình hình biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp thì việc sử dụng chất điều hòa sinh trưởng đối với cây hoa càng trở nên cần thiết để đem lại hiệu quả tốt cho người trồng hoa.

Nguyễn Thị Nguyệt

Chi cục Bảo vệ thực vật

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi