Chợ Lách: Tổng kết mô hình áp dụng giải pháp canh tác vườn chôm chôm trong điều kiện biến đổi khí hậu theo hướng an toàn, chất lượng
Ngày 13/12/2022, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre tổ chức tổng kết mô hình áp dụng giải pháp canh tác vườn chôm chôm trong điều kiện biến đổi khí hậu theo hướng an toàn, chất lượng tại xã Phú Phụng huyện Chợ Lách.
![]() |
Ông Nguyễn Chánh Bình – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh phát biểu tại buổi Tổng kết. |
Đợt hạn mặn trong mùa khô năm 2019-2020 đã gây thiệt hại nặng trên diện tích 1.200 ha trồng cây ăn trái trên địa bàn huyện Chợ Lách. Trong đó nhiều diện tích chôm chôm ở xã Phú Phụng bị cháy lá, chết nguội và giảm năng suất, chất lượng trái sau hạn mặn. Nhằm chuyển giao các giải pháp cụ thể trong việc phục hồi vườn chôm chôm sau hạn mặn, Trung tâm Khuyến nông và tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre xây dựng mô hình áp dụng giải pháp canh tác vườn chôm chôm trong điều kiện biến đổi khí hậu theo hướng an toàn, chất lượng tại xã Phú Phụng. Với quy mô 2 ha của 3 hộ nông dân trồng chôm chôm java ở ấp Phụng Đức B.
Mô hình được triển khai từ tháng 6/2021 – 12/2022. Tham gia mô hình các hộ nông dân được tập huấn các giải pháp kỹ thuật để phục hồi vườn cây sau hạn mặn, quản lý dịch hại theo hướng an toàn, xử lý ra hoa, sử dụng phân bón chuyên dùng để nâng cao năng suất, chất lượng trái, giải pháp chủ động ứng phó hạn mặn, biến đổi khí khậu trên vườn cây. Được cán bộ kỹ thuật tư vấn, hỗ trợ chăm sóc vườn cây trong suốt thời gian xây dựng mô hình.
![]() |
Quang cảnh buổi tổng kết mô hình áp dụng giải pháp canh tác vườn chôm chôm trong điều kiện biến đổi khí hậu theo hướng an toàn, chất lượng tại xã Phú Phụng. |
Kết quả, năng suất thực thu của các vườn trong mô hình ước đạt 27 tấn/ha, cao hơn 12,5% so với đối chứng vườn nông dân sản xuất ngoài mô hình. Đặc biệt đã khắc phục được tình trạng cháy lá sau khi xử lý ra hoa, giúp cho sản phẩm đạt chất lượng thương phẩm về độ lớn, màu sắc, độ giòn ngọt, rất ít bị nứt trái, trái lép. Giá trị bình quân 20 triệu đồng/tấn, lợi nhuận đạt 403 triệu đồng/ha, cao hơn vườn đối chứng 15,77%.
Mặt khác, với biện pháp sản xuất theo hướng an toàn, chất lượng áp dụng các tiến bộ kỹ thuật giúp cải tạo đất, tăng tính chống chịu của cây chôm chôm đối với hạn mặn. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn góp phần giảm số lượng sử dụng, hạn chế ô nhiễm môi trường trong sản xuất.
Phát biểu tại buổi tổng kết mô hình, ông Nguyễn Chánh Bình – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh cho biết Trung tâm sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ kỹ thuật canh tác vườn chôm chôm trong điều kiện biến đổi khí hậu thông qua các tổ hợp tác, tổ liên kết của xã. Đồng thời đề nghị Hội nông dân xã nhân rộng mô hình, vận động nông dân trong vùng áp dụng kỹ thuật canh tác mới nhằm vừa nâng cao năng suất, chất lượng trái chôm chôm tạo thế mạnh sản phẩm đặc trưng của địa phương, vừa nâng cao tính chống chịu của vườn cây đối với các bất lợi của biến đổi khí hậu.