Kết quả Mô hình “Chuyển đất lúa nhiễm mặn sang trồng cỏ nuôi bò theo hướng an toàn sinh học và giảm phát thải” tại Ba Tri

Huyện Ba Tri là một trong ba vùng ven biển chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) bởi tình trạng hạn hán, nước mặn xâm nhập ngày càng sâu hơn vào đất liền với chiều hướng tăng nhanh, kéo dài và độ mặn hàng năm tăng ở mức từ 1 đến 3 ‰, cá biệt trong năm 2016 độ mặn tăng đến 10 ‰. Theo báo cáo Công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2016 của Ủy ban Nhân dân huyện Ba Tri thì hạn mặn cực đoan năm 2015-2016 gây thiệt hại 12.079 ha lúa và hoa màu cho 19.403 hộ, tổng giá trị thiệt hại ước tính trên 370 tỷ đồng; xâm nhập mặn cũng làm hơn 15.000 hộ dân thiếu nước ngọt sinh hoạt (báo cáo UBND huyện Ba Tri, 2016).

 

 

Theo Quyết định số 1039/QĐ-UBND ngày 09/5/2016 của UBND tỉnh Bến Tre về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Tiểu dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sinh kế bền vững cho người dân vùng ven biển Ba Tri tỉnh Bến Tre nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu (Thuộc Hợp phần Dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long” (ICRSL) và Quyết định số 2227/QĐ-UBND ngày 11/10/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre về phê duyệt Kế hoạch các hoạt động phi công trình và xây dựng các mô hình sản xuất giai đoạn 2019-2022 (Thuộc dự án Đầu tư xây dựng CSHT phục vụ phát triển sinh kế bền vững cho người dân vùng ven biển Ba Tri, tỉnh Bến Tre nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu). Trung tâm Khuyến nông và tư vấn dịch vụ nông nghiệp đã xây dựng và triển khai thực hiện mô hình “Chuyển đất lúa nhiễm mặn sang trồng cỏ nuôi bò theo hướng an toàn sinh học và giảm phát thải” nhằm hỗ trợ người nông dân trên địa bàn chuyển đổi vùng đất trồng lúa bị xâm nhập mặn hoặc đất canh tác lúa kém hiệu quả, manh mún sang trồng cỏ kết hợp chăn nuôi bò góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên một diện tích đất canh tác, giúp giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho người dân vùng ven biển huyện Ba Tri.

 

 

 

Mô hình triển khai tại các xã tân Xuân, Mỹ Nhơn, Phú Lễ và Phước Ngãi huyện Ba Tri, với qui mô 20 con bò cái sinh sản cho 20 hộ tham gia. Mô hình triển khai từ tháng 11 năm 2022. Đến nay, sau 12 tháng nuôi, 20 con bò cái sinh sản đã mang từ 5 đến 7 tháng, đạt 100%  yêu cầu kỹ thuật của mô hình đề ra.

 

Theo đánh giá của cán bộ phụ trách, bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: đây là mô hình phù hợp với Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre đến năm 2020 (Đề án số 126/ĐA-UBND ngày 09/01/2020), thực hiện mục tiêu chung là ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm phát thải trong sản xuất nông nghiệp. Về hiệu quả kinh tế: so sanh giữa mô hình trồng lúa (2 vụ/năm) với diện tích trồng lúa 02 ha, lãi thu được bình quân trên 1 tháng là 2.130.000 đồng. Đối với mô hình trồng cỏ nuôi bò (18 tháng) với diện tích 02 ha trồng cỏ nuôi bò, lãi thu được bình quân trên 1 tháng là 4.560.000 đồng.

 

 

 

Theo ông Huỳnh Nguyên Duy, chuyên viên sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá trong buổi tổng kết: Mô hình trình diễn Chuyển đất lúa nhiễm mặn sang trồng cỏ nuôi bò theo hướng an toàn sinh học và giảm phát thải trên vùng đất bị nhiễm phèn, mặn hoặc đất canh tác lúa kém hiệu quả, manh mún sang trồng cỏ kết hợp chăn nuôi bò đã thực hiện tốt, nâng cao giá trị thu nhập trên một diện tích đất canh tác, nâng cao thu nhập so với sản xuất lúa trước đây. Điều này đã góp phần cải thiện đời sống cho nông dân. Ngoài ra, hoạt động trình diễn mô hình đã góp phần củng cố, nâng cao năng lực tổ hợp tác hoặc hợp tác xã; thu hút các hộ chăn nuôi áp dụng các biện pháp kỹ thuật quản lý nhằm giảm khí phát thải trong chăn nuôi, góp phần phát triển nghề nuôi bò một cách bền vững.

 

Qua kết quả đạt được của mô hình, thiết nghĩ các ngành, các cấp cần tham mưu các chủ trương đường lối, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội nhằm tạo động lực cho người dân mạnh dạn trong việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ nuôi bò. Đây là hướng chuyển đổi hợp lý góp phần tăng thu nhập cho người dân tại địa phương trong điều kiện biến đổi khí hậu.

 

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi