Bến Tre triển khai thực hiện chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 10 năm 2021 - 2030 của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định, để đạt mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2045, trong giai đoạn tới, Việt Nam cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ mô hình dựa trên vốn, tài nguyên và lao động giá rẻ sang mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH, CN&ĐMST).

 

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long nhanh và bền vững" tỉnh Sóc Trăng tháng 12/2022.

 

 

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 569/QĐ-TTg Ngày 11/5/2022 về Chiến lược phát triển KH, CN&ĐMST đến năm 2030 (Chiến lược). Các nội dung của Chiến lược được xây dựng trên cơ sở khoa học, có căn cứ thực tiễn và đồng bộ với những nội dung có liên quan trong các văn bản của Đảng và Nhà nước đã ban hành về định hướng phát triển KT-XH và KH, CN&ĐMST, kế thừa có chọn lọc các nội dung của Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020; bổ sung nội hàm “đổi mới sáng tạo” (ĐMST) để phù hợp với bối cảnh và tình hình mới.

 

Chiến lược thể hiện xuyên suốt, đồng bộ trong 04 nội dung chính, gồm: Quan điểm phát triển KH, CN&ĐMST; Mục tiêu phát triển KH, CN&ĐMST; Định hướng chủ yếu phát triển KH, CN&ĐMST; Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển KH, CN&ĐMST.

 

Về quan điểm phát triển, Chiến lược nhấn mạnh: Phát triển KH, CN&ĐMST là quốc sách hàng đầu, trong đó tập trung phát triển hệ thống ĐMST quốc gia, ngành, vùng với vai trò định hướng, điều phối, kiến tạo môi trường thể chế, chính sách của Nhà nước, đồng thời kết hợp hài hòa giữa năng lực nội sinh và ngoại sinh để phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào KH, CN&ĐMST.

 

Về mục tiêu phát triển, Chiến lược có mục tiêu tổng quát và 09 nhóm mục tiêu cụ thể. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược tập trung vào 2 nội dung chính: một là xác định vai trò và đóng góp của KH, CN&ĐMST đối với phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng - an ninh; hai là xác định mục tiêu về phát triển tiềm lực và trình độ của KH, CN&ĐMST Việt Nam.

 

Căn cứ vào mục tiêu tổng quát, các mục tiêu cụ thể tập trung vào các nội dung về đóng góp của KH, CN&ĐMST trong phát triển KT-XH; đóng góp của KH, CN&ĐMST trong phát triển công nghiệp mũi nhọn; đóng góp của KH, CN&ĐMST vào phát triển văn hoá, xã hội, con người, cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách; chỉ số ĐMST toàn cầu; tăng đầu tư cho KH&CN; cơ cấu lại, nâng cao năng lực, hiệu quả của hệ thống tổ chức KH&CN; thúc đẩy hoạt động KH, CN&ĐMST trong doanh nghiệp; công bố quốc tế, sở hữu trí tuệ và phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia.

 

Về định hướng chủ yếu, Chiến lược gồm 04 nhóm định hướng, tập trung vào các định hướng phát triển nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ mà Việt Nam có thế mạnh, tiềm năng và còn dư địa lớn; trong đó đặc biệt nhấn mạnh định hướng KH, CN&ĐMST phục vụ phát triển KT-XH bền vững, thúc đẩy hoạt động KH, CN&ĐMST trong doanh nghiệp, đổi mới và hoàn thiện quản lý nhà nước về KH, CN&ĐMST.

 

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Chiến lược gồm 09 nhóm nhiệm vụ và giải pháp, xác định rõ các công việc, hoạt động cụ thể cần thực hiện để đạt được mục tiêu và định hướng đến năm 2030; là căn cứ để theo dõi, giám sát việc thực hiện mục tiêu và tạo nền tảng để hình thành các chính sách cụ thể phục vụ triển khai Chiến lược. Các nhiệm vụ, giải pháp tập trung vào giải quyết những hạn chế, rào cản, điểm nghẽn tồn tại thời gian dài ảnh hưởng đến phát triển KH, CN&ĐMST ở nước ta, đặc biệt là những vấn đề quản lý nhà nước về KH, CN&ĐMST, vấn đề về cơ chế, chính sách như đội ngũ nhân lực KH&CN, quản lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN, cơ chế tự chủ đối với các tổ chức KH&CN công lập, hoạt động KH, CN&ĐMST trong doanh nghiệp, hội nhập quốc tế về KH, CN&ĐMST.

 

Thực hiện Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11 tháng 5 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chiến lược, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bến Tre ban hành Kế hoạch số 5611/KH-UBND ngày 07 tháng 9 năm 2022 triển khai thực hiện Chiến lược trên địa bàn tỉnh Bến Tre với mục tiêu: Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN; chú trọng hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; chủ động tiếp cận, vận dụng thành công những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào sản xuất, kinh doanh và phục vụ đời sống, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả kinh tế - xã hội và thu nhập của Nhân dân, góp phần thực hiện đạt kết quả Đề án số 04-ĐA/TU ngày 29/01/2021 của Tỉnh ủy Bến Tre và Kế hoạch phát triển KT-XH tỉnh nhà. Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh Bến Tre đề ra 09 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:

 

Một, hoạt động KH&CN phục vụ phát triển công nghiệp, doanh nghiệp, doanh nhân. Tập trung chuyển giao, nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ, phát triển các sản phẩm công nghiệp có lợi thế của tỉnh, tiến tới hình thành các ngành công nghiệp mới, công nghiệp có công nghệ cao. Tiếp tục xây dựng và triển khai có hiệu quả các chương trình KH&CN hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu ứng dụng KH&CN, làm chủ và đưa công nghệ mới, số hóa vào sản xuất kinh doanh, áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất chất lượng và xác lập quyền sở hữu công nghiệp, phát triển tài sản trí tuệ, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, có giá trị gia tăng cao.

 

Hai, hoạt động KH&CN phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tập trung hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân ứng dụng kỹ thuật số, công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh, ưu tiên phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; xây dựng, thực hiện các dự án, mô hình nông nghiệp theo chuỗi giá trị; chú trọng tạo lập và phát triển các nhãn hiệu cộng đồng. Ứng dụng đồng bộ các giải pháp KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp, quản lý sâu hại, dịch bệnh, tiết kiệm chi phí sản xuất, hạ thấp giá thành sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm và bảo vệ môi trường.

 

Ba, hoạt động KH&CN phục vụ phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ. Lập, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về quy hoạch, kế hoạch phát triển đô thị theo hướng hình thành các trung tâm dữ liệu và đảm bảo việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các đô thị để hướng tới phục vụ cho nền công nghiệp 4.0 và xây dựng, phát triển đô thị thông minh. Hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước, các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, tiến tới nền kinh tế số, xã hội số. Thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án về xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Bến Tre.

 

Bốn, hoạt động KH&CN phục vụ phát triển du lịch. Nghiên cứu đề xuất các giải pháp ứng dụng KH&CN phục vụ công tác quản lý, khai thác tiềm năng, lợi thế về di sản văn hóa và tài nguyên thiên nhiên của các vùng, trong đó kinh tế biển là trọng tâm gắn với quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái... đẩy mạnh phát triển du lịch, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Đa dạng hóa mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái trải nghiệm. Thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn.

 

Năm, hoạt động KH&CN phục vụ phát triển tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiến bộ trong xử lý ô nhiễm môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, điểm khai thác, chế biến thủy sản, các làng nghề, lưu vực sông, các đô thị và khu vực nông thôn. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu. Ứng dụng công nghệ sạch, công nghệ thân thiện với môi trường để tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo.

 

Sáu, hoạt động KH&CN phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Áp dụng các phương pháp khoa học, kỹ thuật công nghệ phát hiện kịp thời và kiểm soát tốt các loại dịch bệnh. Ứng dụng các thành tựu KH&CN trong y học hiện đại, kỹ thuật công nghệ cao vào chẩn đoán và điều trị bệnh. Triển khai thực hiện có hiệu quả đề án chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể lực cho nhân dân trong tỉnh.

 

Bảy, hoạt động khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển KT-XH. Nghiên cứu cung cấp các luận cứ khoa học, luận giải cơ sở thực tiễn phục vụ cho việc xây dựng các chủ trương, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế chính sách; ưu tiên thực hiện đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng chính quyền các cấp kiến tạo, phục vụ Nhân dân. Xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu và phát huy nguồn lực từ những người con quê Bến Tre để góp phần phát triển KT-XH tỉnh.

 

Tám, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ. Quan tâm đầu tư xây dựng, phát triển tiềm lực KH&CN để từng bước đưa KH&CN trở thành động lực chính của sự tăng trưởng, phát triển đồng bộ, cả nguồn nhân lực và cơ sở vật chất, trang thiết bị.

 

Chín, xây dựng, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Chuyển trọng tâm từ khởi nghiệp thoát nghèo, khởi nghiệp làm giàu sang khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; khởi nghiệp bằng “trí tuệ” kết hợp sức mạnh “công nghệ” dựa trên “tài nguyên bản địa”.

 

PGS.TS Lâm Văn Tân, Giám đốc Sở KH&CN (chính giữa) cùng các thí sinh vòng chung kết cuộc thi “Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.

 

Thúc đẩy phát triển mới 5.000 doanh nghiệp, phát triển mạnh đội ngũ doanh nghiệp dẫn đầu có tiềm lực về tài chính, công nghệ và trình độ quản lý; tăng cường khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu; kết nối và thu hút nhà đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có uy tín ở trong nước hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh, theo hướng phù hợp, khả thi.

 

Triển khai chiến lược phát triển KHCN&ĐMST đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ riêng với ngành KH&CN mà còn với toàn thể hệ thống chính trị; có tác động tích cực, phát huy thế mạnh và khắc phục những hạn chế, điểm nghẽn trong phát triển KH, CN&ĐMST. Qua đó góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI của tỉnh, cũng như thực hiện có hiệu quả Đề án số 04-ĐA/TU ngày 29/01/2021 của Tỉnh uỷ về phát triển KH&CN tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030; nhằm nâng cao hàm lượng khoa học trong các sản phẩm hàng hoá, phục vụ phát triển KT-XH.

 

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Hưởng ứng Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới năm 2025
• Siêu vật liệu-Xu hướng đổi mới sáng tạo trong công nghệ
• Nghêu Bến Tre đã được cấp chỉ dẫn địa lý
• Tập huấn nâng cao chất lượng tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật, sáng kiến dành cho cán bộ quản lý, giáo viên cấp trung học
• GII 2023: Việt Nam tăng 2 bậc, xếp thứ 46/132 nền kinh tế
• Xu hướng tự chủ về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo trong thời kỳ cạnh tranh chiến lược hiện nay
• Mỏ Cày Nam tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững
• Tổng kết hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bến Tre lần thứ IX năm 2022-2023
• Thành phố Bến Tre: Khơi dậy sự sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh
• Chỉ đẫn địa lý – một trong các yêu cầu của nông nghiệp bền vững
• ChatGPT dùng để làm gì và mối đe dọa của nó đến một số ngành nghề
• Chương trình phát triển tài sản trí tuệ - công cụ quan trọng góp phần nâng cao giá trị, vị thế của sản phẩm địa phương
• Thu nhập khá nhờ trồng hoa kiểng
• Trương Văn Dương – Gương mặt trẻ thành đạt
• Gạo giống nàng keo góp phần xây dựng thương hiệu gạo Bến Tre