Chi bộ ấp Phong, xã Tân Phong điển hình trong thực hiện phong trào thi đua “Đồng khởi mới”

Thời gian qua, tinh thần thi đua “Đồng Khởi mới” theo Chỉ thị số 01, ngày 17/10/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lan tỏa sâu rộng đến các cấp, các ngành, địa phương trong huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre với nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, đời sống xã hội…

 

Tại Tân Phong, Đảng ủy xã xác định phương thức thi đua trong Chỉ thị số 01 của Tỉnh ủy chính là phương châm “Học tập điển hình, bắt kịp điển hình, vượt qua điển hình”. Do vậy, khi triển khai thực hiện các nội dung thi đua theo “Hai chân - Ba mũi”, thì việc quan trọng xã phải làm là tiến hành chọn, xây dựng cho được “điển hình” trên từng lĩnh vực và từ “điển hình” đó xác định thành hệ thống các tiêu chuẩn, tiêu chí để các tập thể, cá nhân còn lại làm cơ sở thi đua “Học tập, bắt kịp, vượt qua”. Qua thời gian thực hiện đến nay, chi bộ ấp Phong đã trở thành một trong những “điển hình” trong phong trào thi đua “Đồng Khởi mới” của huyện.

 

Ông Nguyễn Văn Nên (78 tuổi) tích cực phát triển kinh tế thông qua mô hình nuôi ong lấy mật trong vườn dừa. Ảnh: Minh Mừng.

 

Ấp Phong có diện tích tự nhiên gần 334 ha, có 354 hộ dân với 1.470 nhân khẩu. Đời sống của nhân dân chủ yếu thu nhập từ cây dừa, chăn nuôi và một phần thu nhập từ lao động ngoài làm ăn xa. Hệ thống chính trị của ấp hoạt động đồng bộ, gồm có 18 đảng viên, trong đó, có 03 đảng viên lớn tuổi được miễn sinh hoạt; chi bộ 04 năm liền đạt tiêu chuẩn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ban công tác mặt trận và các đoàn thể ấp được trên đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ, ấp có 13 tổ nhân dân tự quản hoạt động mạnh. Năm 2021 chi bộ ấp Phong được công nhận đạt chi bộ trong sạch vững mạnh toàn diện - chi bộ đạt danh hiệu này đầu tiên của xã.

 

Theo Bí thư Chi bộ - Trưởng ấp Huỳnh Ngọc Nhẫn, năm 2022, chi bộ ấp Phong được Huyện ủy, Đảng ủy xã Tân Phong chọn xây dựng điển hình trong phong trào thi đua “Đồng Khởi mới”. Từ các kế hoạch phát động của các cấp, chi bộ đã xây dựng kế hoạch và phát động thực hiện. Việc phát động phong trào thi đua “Đồng khởi mới” được sự đồng tình của đảng viên trong chi bộ, cán bộ cốt cán và nhân dân trong ấp. Trong năm 2022, chi bộ đã lãnh đạo thực hiện các mô hình điểm như: xây dựng chuỗi giá trị dừa hữu cơ, tổ hợp tác trên lĩnh vực chăn nuôi dê, bò, nuôi ong lấy mật, nuôi chuồn hương, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hộ dân; cải thiện sinh kế thoát nghèo, kéo giảm hộ nghèo bền vững; xây dựng tuyến đường hoa, tiến tới xây dựng tuyến đường kiểu mẫu, thành lập câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, tiến bộ; xây dựng mô hình camera an ninh, thành lập nhóm zalo, ứng dụng công nghệ thông tinh vào trong việc sinh hoạt chi bộ...”.

 

Nuôi dê vỗ béo và sinh sản là mô hình kinh tế nổi bật tại ấp Phong. Ảnh: Minh Mừng.

 

 

Để đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đảng viên, tạo điều kiện cho đảng viên học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, chi ủy đã mạnh dạn chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin thông qua việc thành lập nhóm zalo của đảng viên với 14/15 đảng viên đang sinh hoạt tham gia. Chi ủy cũng hỗ trợ các hội, đoàn thể, mặt trận ấp lập nhóm zalo để trao đổi thông tin đến hội viên, đoàn viên. Không chỉ vậy, 20 đảng viên cư trú tại ấp cũng có nhóm zalo để nắm tình hình hoạt động của địa phương, giữ mối liên hệ và có sự tương tác, hiến kế trong các hoạt động, phong trào của ấp.

 

Năm 2022, chi bộ có 03 gương điển hình tiêu biểu trong thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Chỉ thị 01 của Tỉnh ủy về thực hiện phong trào thi đua “Đồng khởi mới” là đảng viên Phan Văn Nga, Trần Văn Viên và Huỳnh Việt Trung.

 

Trên lĩnh vực đời sống kinh tế, chi bộ lãnh, chỉ đạo thực hiện tốt công tác giảm nghèo, tạo điều kiện cho hộ nghèo phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống vươn lên thoát nghèo bền vững. Toàn ấp hiện có 6 tổ hợp tác dừa hữu cơ với 97 hộ tham gia, 01 tổ hợp tác nuôi dê vỗ béo, đang thực hiện thí điểm mô hình nuôi chồn hương và nuôi ong lấy mật...

 

Ngoài trồng dừa, suốt mấy chục năm qua, ông Nguyễn Văn Nên, 78 tuổi, ngụ tổ nhân dân tự quản số 2 còn phát triển kinh tế thông qua mô hình nuôi ong lấy mật trong vườn dừa. Mô hình này được ông thực hiện hơn 40 năm qua, thời đỉnh điểm ông nuôi từ 70 đến 80 thùng ước chừng hơn 200 kèo ong, đến nay quy mô có giảm nhưng chất lượng sản phẩm vẫn duy trì và là nguồn thu đáng kể của gia đình. Mỗi lít mật hiện tại ông Nên bán ra với mức khoảng 300 ngàn đồng. Việc chăm phát triển kinh tế của ông cũng là nội dung để hưởng ứng phong trào thi đua “Đồng Khởi mới” tại địa phương.

 

Mô hình kinh tế nổi bật khác tại ấp là nuôi dê vỗ béo của các tổ hợp tác nuôi dê vỗ béo và sinh sản ấp Phong. Thành lập từ năm 2020 với 19 thành viên, sau hơn 2 năm, nhiều tổ viên khấm khá lên từ nghề nuôi dê này. Hiện tại tổng đàn dê của tổ hợp tác khoảng 800 con, tổ viên nuôi nhiều nhất có tổng đàn gần 300 con. Đây là mô hình có hiệu quả được chi bộ khuyến khích nhân rộng. Nhờ kinh tế phát triển, đến nay thu nhập bình quân đầu người tại ấp đạt 55 triệu đồng/năm. Qua bình nghị hộ nghèo cuối năm 2022, ấp chỉ còn 06 hộ nghèo, tỷ lệ 1,69%.

 

Người dân được xác định là chủ thể trong thực hiện các nhiệm vụ, phong trào, phần việc tại địa phương theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, nhất là việc xây dựng các công trình nông thôn mới như các tuyến đường, cầu. Nhiều mô hình “Dân vận khéo” được chi ủy chi bộ phối hợp cùng với các ngành của xã xây dựng được trên kiểm tra công nhận như mô hình “sáng, xanh, sạch, đẹp” của chi hội cựu chiến binh; mô hình “5 không 3 sạch” của chi hội phụ nữ; mô hình “Vận động nhân dân hiến đất và hoa màu để xây dựng nông thôn mới các tuyến đường ĐX.04, ĐA.04 và ĐC.08”; nhân dân cũng đồng thuận góp công, góp của xây các cây cầu nông thôn của ấp. Ông Trần Ngọc Phương, ngụ tổ nhân dân tự quản số 8 cho hay, khi có các công trình, phần việc nào gắn với người dân, liên quan đến giải phóng mặt bằng, hiến đất, góp tiền này nọ thì ấp đều mời người dân ngồi lại để công khai, bàn bạc, thống nhất như là xây tuyến đường nào, kinh phí bao nhiêu, mỗi hộ góp ra sao... Từ đó, dân rất đồng tình rồi vận động thành viên gia đình và bà con lối xóm vì lợi ích chung mà tích cực tham gia thực hiện. Đến nay, đường xá khang trang, sạch đẹp, bộ mặt quê hương ngày thêm khởi sắc người dân vô cùng phấn khởi, tự hào. Cũng nhờ vào việc hưởng ứng tốt phong trào thi đua “Đồng Khởi mới” mà ấp nhà, xã nhà đã xây dựng thành công xã nông thôn mới tiến đến xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu trong tương lai.

 

Chi bộ ấp Phong đã quyết tâm xây dựng thành “điển hình” thì việc tiếp theo là tạo sức lan tỏa để các địa phương học tập, bắt kịp, vượt qua. Theo đó, chi bộ quyết tâm giữ vững chi bộ trong sạch vững mạnh toàn diện; nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế nâng cao thu nhập cho người dân; kéo giảm hộ nghèo ở mức dưới 2%; giữ vững các tiêu chí xây dựng đời sống văn hóa và tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao; xây dựng thành công tuyến đường kiểu mẫu của huyện, không để phát sinh trọng án, các tệ nạn xã hội...

 

Bí thư Đảng ủy xã Tân Phong Mai Hoàng Nhựt cho biết: Qua phát động phong trào thi đua “Đồng Khởi mới” ở xã thì nổi lên nhiều điển hình tiêu biểu, trong đó có thể kể đến Chi bộ ấp Phong. Hệ thống chính trị, các đoàn thể, tổ nhân dân tự quản ở ấp hoạt động rất đều tay, các phong trào đưa ra đều thực hiện đạt kết quả đứng đầu của xã. Không dừng lại ở đó, ấp có hoạt động kinh tế chuyển biến sâu sắc, đặc biệt là kinh tế hợp tác (địa bàn có nhiều tổ hợp tác, nhiều hộ dân tham gia kinh tế hợp tác với hiệu quả cao). Trong thời gian tới, Đảng ủy xã tiếp tục lãnh đạo thực hiện Chỉ thị số 01 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về phát động phong trào thi đua “Đồng Khởi mới” và lấy ấp Phong làm điển hình để nhân rộng ra toàn xã, đặc biệt là các chi bộ ấp, để làm sao các chi bộ khác phải “học tập, bắt kịp và vượt qua” điển hình này. Nếu thực hiện được mục tiêu đó, việc xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị của xã sẽ có biến chuyển lớn.

 

Từ năm 2021 đến nay, phong trào thi đua “Đồng Khởi mới” được cả hệ thống chính trị của huyện quan tâm thực hiện, tạo ra phong trào thi đua sôi nổi, sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Có nhiều điển hình tại các cơ quan, đơn vị, địa phương được công nhận thuộc các lĩnh vực quan trọng như: công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; công tác chỉ đạo thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; xây dựng và phát triển lĩnh vực văn hóa - xã hội; chuyển đổi số, cải cách hành chính và công tác xây dựng đội ngũ cán bộ... Từ các điển hình được công nhận sẽ là tấm gương để các đơn vị, địa phương khác “học tập, bắt kịp và vượt qua” với quyết tâm chính trị cao, tạo ra phong trào thi đua sâu rộng, phấn đấu thực hiện đạt các chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025. 

 

 

 

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Đại Điền khoát lên mình diện mạo mới
• An Thạnh thi đua “Đồng Khởi mới” trong xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn