Mekong connect 2022 chủ động nâng chất lượng liên kết, tích hợp để phát triển bền vững

Năm 2022, Quy hoạch tích hợp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ thông qua tại Quyết định số 287/QĐ-TTG ngày 28/02/2022, với các quan điểm chủ đạo: phát triển vùng ĐBSCL theo hướng phát triển bền vững; biến thách thức thành cơ hội, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng gia tăng hiệu quả và giá trị, trong đó chú trọng phát huy có hiệu quả các nguồn lực về con người, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đô thị, phát triển công nghiệp và chuyển đổi số; chuyển đổi mô hình phát triển từ phân tán, nhỏ lẻ sang tập trung; tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng ĐBSCL với thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ; lấy “Con người” làm trung tâm,  coi “tài nguyên nước” là cốt lõi; tập trung phát triển kết cấu hạ tầng; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; chú trọng việc đảm bảo an ninh lương thực, nguồn nước, biên giới, vùng biển và hải đảo.

 

Để góp phần thực hiện tốt quy hoạch nêu trên, sự kết hợp giữa các tỉnh, thành phố trong vùng là hết sức cần thiết và cấp bách. Thời gian qua, giữa các tỉnh, thành trong mạng lưới liên kết ABCĐ Mekong và TP. Hồ Chí Minh đã đạt nhiều kết quả tích cực, tích hợp trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, nông nghiệp, KH&CN, du lịch… nhưng cần nhiều hơn về vấn đề nâng cao chất lượng các hoạt động phối hợp, liên kết, hợp tác. Do đó, Mekong connect 2022 “Chủ động nâng chất lượng liên kết, tích hợp để phát triển bền vững” được đặt nhiều kỳ vọng giải quyết vấn đề này.

 

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang phát biểu tại diễn đàn.

 

Chủ động nâng chất lượng liên kết tích hợp. Biến thách thức thành cơ hội, tăng cường liên kết giữa các địa phương trong khu vực ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh và các vùng Đông Nam Bộ. Để làm tốt nội dung này, tại diễn đàn năm nay, mỗi tỉnh giới thiệu một dự án để kêu gọi đầu tư – hợp tác. An Giang với Dự án Trung tâm Đầu mối Sản xuất và phân phối lúa gạo cấp vùng tại tỉnh An Giang; Bến Tre với Dự án Bến Tre và các tỉnh duyên hải phía đông qua tăng cường kết nối hạ tầng liên kết vùng (đường ven biển, cầu Đình Khao và RM2); Cần Thơ với Dự án Trung tâm Liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP. Cần Thơ; Đồng Tháp với Dự án xây dựng hình ảnh “một điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư”; TP. Hồ Chí Minh với Dự án Bàn ăn xanh – Liên kết bền vững để nâng cao tiêu chuẩn nông sản, thực phẩm và sản phẩm tiêu dung. Việc nâng chất lượng liên kết tích hợp là một trong những hành động cụ thể, thực tế; bắt đầu từ diễn đàn năm 2022. Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, hệ sinh thái gắn kết bền vững sẽ trở thành nền tảng chủ đạo trong cơ cấu lại các ngành hàng, đặc biệt là lúa gạo. Trong hệ sinh thái đó, các thành viên xích lại gần nhau hơn, thu ngắn khoảng cách, thông cảm, thấu hiển những khác biệt, tiến tới hài hòa lợi ích, san sẻ rủi ro, thay vì toan tính thiệt hơn.

 

Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Những tiến bộ về Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) đã có tác động trực tiếp và tích cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao tiềm lực của nền kinh tế nước nhà nói chung, của khu vực ĐBSCL nói riêng. Năm 2021 TFP (năng suất các yếu tố tổng hợp) ước tính đóng góp khoản 37% vào tăng trưởng kinh tế. Trong phát triển của các ngành đều có dấu ấn đóng góp của KHCN&ĐMST.

 

Nói về KHCN&ĐMST hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết “Khoa học kỹ thuật và công nghệ đã phát triển lên một tầm cao mới về năng lực và trình độ nghiên cứu, đóng góp ngày càng hiệu quả hơn cho phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện đời sống Nhân dân. Các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được nhanh chóng tiếp thu, thúc đẩy ứng dụng trong các chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Trình độ công nghệ của nền sản xuất được cải thiện và nâng cao, đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa phuc vụ trong nước và xuất khẩu”.

 

Để khoa học và công nghệ góp phần thực hiện tốt Quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL, thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang đề nghị các địa phương chú trọng thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: chủ động triển khai hiệu quả các nhiệm vụ khoa học và công nghệ hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác; đẩy mạnh các ứng dụng công nghệ mới, kỹ thuật cao, công nghệ sinh học; xây dựng và phát triển các dịch vụ cung cấp hệ thống giống chất lượng cao, các dịch vụ kỹ thuật chế biến và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của vùng; hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc.

 

Đối với khu vực ĐBSCL, nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu ngành kinh tế, chuyển đổi số ngành nông nghiệp sẽ góp phần thực hiện hóa mục tiêu thay đổi tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, giúp người sản xuất dễ dàng tiếp cận thông tin về thời tiết, dịch hại, thị trường tiêu thụ, khoa học công nghệ, tự động hóa; đưa nông sản của người nông dân tiếp cận nhanh chóng đến người tiêu dùng, giảm chi phí trung gian, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm trong vùng, tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích. Chuyển đổi số ngành nông nghiệp góp phần xây dựng người nông dân chuyên nghiệp, thích ứng kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ,…

 

UVBTV. Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn phát biểu tại diễn đàn.

 

 

Phát triển bền vững. Là trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, trái cây, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản, đóng góp lớn vào xuất khẩu nông - lâm - thủy sản của cả nước; nhiều địa phương vùng ĐBSCL đã chuẩn bị sẵn nền tảng chuyển đổi, tái cấu trúc lại ngành nông nghiệp, nhiều mô hình nông nghiệp sinh thái, tích hợp đa tầng, đa giá trị, thuận thiên đã và đang mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, khi mà ĐBSCL không chỉ đối mặt với biến đổi khí hậu mà còn những thách thức nội tại cũng như những xáo trộn sau đại dịch Covid-19, cộng với xâm nhập mặn ngày càng sớm và vào sâu trong khu vực, những thay đổi từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; lựa chọn lĩnh vực để đồng hành, đột phá, phát triển một cách bền vững là ưu tiên của khu vực lúc này.

 

Tại diễn đàn Mekong connect 2022, các tỉnh ABCĐ đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn của địa phương mình. An Giang với chủ đề “Khai thác và phát triển kinh tế biên mậu”, trong đó lấy doanh nghiệp làm trung tâm của chính sách kinh tế biên mậu, khai thác những thay đổi của chính sách từ các nước lân cận để hàng hóa xuất khẩu chuyển dịch từ phía Nam, có chi phí rẻ hơn, khai thác những thế mạnh khi kết nối 2 nền kinh tế Việt Nam- Campuchia. Đề ra 08 nhóm giải pháp phát triển kinh tế khu vực biên giới, nhấn mạnh An Giang có sớm trở thàng một trong tám khu kinh tế trọng điểm quốc gia, cực tăng trưởng kinh tế năng động và bền vững hay không, phụ thuộc vào cơ chế - chính sách đòn bẫy.

 

Bến Tre với chủ đề “Phân tích kinh nghiệm thành công của các mô hình thực hành kinh tế tuần hoàn”. Với diện tích trồng dừa trên 77.000 ha, những năm gần đây, Bến Tre đã xây dựng một số mô hình kinh tế tuần hoàn đến từ một số doanh nghiệp ngành dừa; có thể kể đến một số doanh nghiệp sản xuất, chế biến dừa hàng đầu của tỉnh mà công nghệ cũng đã tiệm cận tầm khu vực và thế giới như: Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới, Công ty CP XNK Bến Tre, Công ty CP Đầu tư dừa Bến Tre, Công ty CP Chế biến dừa Á Châu,…Trong một số lĩnh vực khác cũng có sự hiện diện của mô hình kinh tế tuần hoàn, như: lĩnh vực xây dựng, du lịch...

 

Hiện, tỉnh Bến Tre đang xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh trên nền tảng đổi mới, sáng tạo. “Có thể nói, kinh tế tuần hoàn là giải pháp tiềm năng để sử dụng tốt hơn các nguồn lực, giúp giải quyết bài toán giữa lợi ích kinh tế và môi trường… Vấn đề còn lại, là nhận thức, hành động và đồng hành cùng nhau thực hiện” – ông Nguyễn Trúc Sơn UVBTV. Tỉnh ủy, PCT Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại diễn đàn.

 

Cần Thơ với chủ đề “Xây dựng vùng nguyên liệu bền vững và đạt chuẩn cho thị trường trong nước và quốc tế”, trong đó, nhấn mạnh vai trò quan trọng của mã số vùng trồng. Đây là một trong những yêu cầu cấp bách đối với những vùng mà nông nghiệp hướng đến phát triển bền vững và có thể tạo ra giá trị kinh tế cao, đồng thời, vẫn tôn trọng những giá trị tự nhiên, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường thế giới cũng như người tiêu dùng thị trường nội địa trong nước.

 

Đồng Tháp với chủ đề “Chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn và nông dân, một số kinh nghiệm”. Lĩnh vực kết nối thị trường, truy xuất nguồn gốc, thương mại điện tử, chuyển đổi số của Đồng Tháp là đi khá sớm; đã áp dụng nhiều mô hình kinh doanh có hỗ trợ của kỹ thuật số. Đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số từ sản xuất đến chế biến, bảo quản, phân phối, tiêu thụ sản phẩm, cách thức quản lý. Quá trình chuyển đổi không chỉ là ứng dụng công nghệ mới, công nghệ thông minh gia tăng thêm giá trị hàng hóa mà còn giúp người sản xuất tiếp cận và cập nhật kiến thức mới, mở ra cách nghĩ mới, cách làm mới thích ứng hơn với thời đại toàn cầu hóa, quốc tế hóa hiện nay.

 

Dưới sự hỗ trợ và cố vấn của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Mekong Connect với sứ mệnh thúc đẩy liên kết công bằng hướng đến hội nhập căn cơ và phát triển bền vững, khuyến khích và hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp dựa vào thế mạnh bản địa và công nghệ, các hoạt động liên kết vùng của khu vực bốn tỉnh ABCĐ và Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới sẽ đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương cũng như của vùng. An Giang là địa phương đăng cai Mekong connect tiếp theo năm 2023.

 

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nghiệm thu đề tài “Tạo lập, quản lý, và phát triển chỉ dẫn địa lý “Thạnh Phú” cho sản phẩm gạo của huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Góp ý Quy trình kỹ thuật ương thuần dưỡng và nuôi thương phẩm cá bông lau trong ao đất tại Bến Tre”
• Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Quy định quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa
• Nghiệm thu đề tài “Khảo sát sự lưu hành của virus và đánh giá đáp ứng miễn dịch sau khi tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục trên bò tại Bến Tre”
• Hội thảo “Một số giải pháp xây dựng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu quy trình công nghệ và hệ thống thiết bị sơ chế, xử lý và bảo quản quả bưởi tươi phục vụ nội tiêu và xuất khẩu”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của kênh, rạch, mương trong chăn nuôi heo tại huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre”
• Công bố quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Khác biệt chưa biết về chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” cho sản phẩm xoài Tứ Quý
• Phát hành hóa đơn điện tử ngay sau từng lần bán hàng xăng dầu
• Bến Tre: Tập huấn về cơ chế chi trả dựa vào kết quả - RBF và hướng dẫn nghiệm thu công trình khí sinh học trong chăn nuôi cho cán bộ kiểm tra chất lượng và thợ xây, thợ lắp đặt tại địa phương
• Hội thảo “Giải pháp khai thác hiệu quả các bãi bồi, cồn nổi ven sông trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Sản phẩm gạo “Thạnh Phú” được bảo hộ chỉ dẫn địa lý