Dự kiến năm 2023, tổ yến sẽ được xuất khẩu sang Trung Quốc

Sau khi Nghị định thư được ký kết vào tháng 11/2022, Bộ Nông nghiệp kỳ vọng, sang năm 2023 sẽ xuất khẩu lô sản phẩm tổ yến đầu tiên sang thị trường Trung Quốc.

 

Ông Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho biết, sau gần 4 năm đàm phán, Việt Nam đã ký được Nghị định thư xuất khẩu sản phẩm tổ yến sang thị trường Trung Quốc.

 

Hiện nay, Cục Thú y đang chủ động, tích cực trao đổi với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để thống nhất mẫu Giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu sản phẩm tổ yến; việc xuất khẩu tổ yến của Việt Nam chỉ có thể thực hiện được khi Tổng cục Hải quan Trung Quốc chấp thuận mẫu Giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu.

 

 

Để chuẩn bị kỹ các điều kiện, nội dung và có thể xuất khẩu được tổ yến ngay khi Tổng cục Hải quan Trung Quốc chấp thuận mẫu Giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu, Cục Thú y đưa ra quy trình 7 bước dành cho các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này. Các doanh nghiệp và địa phương bên cạnh việc tuân thủ Nghị định thư, văn bản chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần thực hiện theo quy trình 7 bước mà Cục đã ban hành.

 

Cũng theo ông Nguyễn Văn Long, trong năm 2023, Cục Thú y sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng tập trung hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm tổ yến sang thị trường Trung Quốc. Hiện đã có 5 doanh nghiệp gửi hồ sơ đề nghị các cơ quan Thú y, Chăn nuôi để thúc đẩy việc đăng ký xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc. ‘Chúng tôi cũng sẽ cố gắng sang năm 2023, Việt Nam sẽ có lô hàng sản phẩm tổ yến đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm’, ông Nguyễn Văn Long cho biết.

 

Về việc này, theo bà Trần Thị Thu Phương - đại diện Cục Thú y, Việt Nam cần phải tuân thủ quy định đưa sản phẩm tổ yến xuất khẩu sang Trung Quốc. Theo đó, về phía các địa phương, trong thời gian tới, cần quy hoạch vùng nuôi chim yến, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về chăn nuôi, phù hợp với tập tính hoạt động của chim yến.

 

Bên cạnh đó, cần rà soát và cấp mã số cho các nhà nuôi chim yến hiện có, bảo đảm phù hợp với quy định hiện hành. Lập danh sách các cơ sở đáp ứng yêu cầu gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để được hỗ trợ, hướng dẫn tổ chức sản xuất phục vụ xuất khẩu.

 

Đồng thời, tổ chức giám sát, lấy mẫu xét nghiệm bệnh cúm gia cầm, Newcastle trên đàn gia cầm và trên đàn chim yến tại địa phương; phối hợp với Cục Thú y tổ chức lấy mẫu giám sát tại các nhà yến thuộc chuỗi xuất khẩu. Xây dựng hệ thống quản lý thông tin, cơ sở dữ liệu về dịch bệnh, kết quả giám sát các bệnh Cúm gia cầm, Newcastle tại địa phương.

 

Đối với các doanh nghiệp kinh doanh và chế biến tổ yến: Chủ động rà soát, đầu tư nâng cấp các điều kiện của chuỗi cơ sở sản xuất, chế biến bảo đảm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu; xây dựng hệ thống quản lý thông tin, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo đảm có thể truy xuất từ nhà nuôi chim yến đến sản phẩm xuất khẩu. Bên cạnh đó, chuẩn bị hồ sơ, thông tin, dữ liệu để đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu theo yêu cầu của Trung Quốc và hướng dẫn của Cục Thú y…

 

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ tổ yến lớn nhất thế giới, chiếm hơn 80% thị phần toàn cầu. Các số liệu chuyên ngành tổ yến tại Trung Quốc cho biết nhập khẩu tổ yến chính ngạch vào Trung Quốc năm 2019 là 180 tấn, năm 2020 là 220 tấn và năm 2021 khoảng hơn 300 tấn.

 

Trong khi đó, Việt Nam có tiềm năng rất lớn và thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi chim yến. Chất lượng sản phẩm tổ yến của Việt Nam được đánh giá vượt trội so với các nước trong khu vực. Nhờ vậy, sản phẩm tổ yến của Việt Nam được khách hàng Trung Quốc rất ưa chuộng.

 

Theo ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mỗi năm, Trung Quốc có nhu cầu tới hơn 300 tấn tổ yến, đây là cơ hội lớn để Việt Nam xuất khẩu. Ngày 08/01/2023, Trung Quốc cũng sẽ mở cửa biên giới, đây là cơ hội lớn với ngành nông nghiệp, cũng như sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam, trước mắt là sản phẩm tổ yến. Do vậy, ngành chăn nuôi cần phải có sự chuẩn bị tốt để tận dụng thời cơ, tránh tình trạng 'nước đến chân mới nhảy’.

 

“Ngành chăn nuôi phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng vùng an toàn chăn nuôi để đẩy mạnh xuất khẩu, trước mắt với các sản phẩm như tổ yến sang Trung Quốc”, ông Phùng Đức Tiến yêu cầu.

 

Hiện nay, cả nước có trên 22.000 nhà nuôi chim yến. Sản lượng yến của Việt Nam khoảng 120 tấn, giá trị trên 500 triệu USD. Việc xuất khẩu chính ngạch sản phẩm tổ yến sang thị trường Trung Quốc sẽ góp phần đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm, mang lại lợi ích kinh tế rất cao, tạo động lực phát triển mạnh mô hình nuôi chim yến, chế biến tổ yến. 

 

Nguồn: trungtamwto.vn 

Tin tức khác cùng chuyên mục
• EU thông qua dự luật mới giảm rác thải bao bì, cấm đồ nhựa dùng một lần
• Chanh leo Việt Nam đang tiến gần hơn đến thị trường Australia
• Thông tin về Giấy Chứng thư khi xuất khẩu thủy sản sang Israel
• Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bến xe hàng
• Dụng cụ, hộp đựng và bao bì thực phẩm
• Công nghệ thực phẩm
• Thức ăn thủy sản
• Các chất khử trùng dùng để làm sạch thực phẩm
• EU thay đổi quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản
• Xuất khẩu nông sản sang Hàn Quốc cần lưu ý quy định mới
• Trung Quốc đồng ý xem xét hồ sơ cho Việt Nam xuất khẩu thịt gia cầm
• Quy định mới về kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường của Bộ Khoa học và Công nghệ
• Sản phẩm thịt chế biến
• Thực phẩm đóng gói sẵn
• Sản phẩm thực phẩm