Phát triển sản phẩm du lịch địa phương
Trong 02 năm 2021-2022, tổng khách du lịch đến Bến Tre khoảng 1.520.671 lượt, trong đó: 1.429.102 lượt trong nước và 91.569 lượt quốc với tổng thu từ du lịch khoảng 1.800 tỉ đồng. Sức thu hút khách có được từ việc không ngừng phát triển các loại hình và sản phẩm du lịch địa phương. Khi du lịch được coi là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển các sản phẩm du lịch không chỉ dựa vào mức độ đa dạng còn có tính đặc thù, nét độc đáo, riêng có của địa phương.
Thực hiện Đề án số 02 của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 3706 của UBND tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Bến Tre đến năm 2030, các cấp ngành, địa phương không ngừng nỗ lực hoàn thiện và phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch chủ đạo hiện đang khai thác, phục vụ khách du lịch. Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử của tỉnh với việc bảo tồn, tôn tạo, trùng tu, nâng cấp phát huy giá trị các di tích lịch sử gắn phát triển du lịch: Khu di tích lịch sử - văn hóa cách mạng Bưng Lạc Địa, kiến trúc nghệ thuật đình Phú Lễ, di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu, di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đồng Khởi Bến Tre, đền thờ đồng chí Huỳnh Tấn Phát, Khu lưu niệm Đền thờ Nữ tướng Nguyễn Thị Định, đường Hồ Chí Minh trên biển, cây di sản Bạch Mai ở đình Phú Tự, cây Thiên tuế trên 100 năm tuổi ở đình Phú Nhuận…
![]() |
Homestay từ không gian vườn dừa Bến Tre: độc, lạ quyến rũ và giữ du khách. |
Với lợi thế địa hình sông nước hữu tình, môi trường tự nhiên mát lành, hoa thơm, cây trái trĩu quả quanh năm trên địa bàn 8 xã ven sông Tiền và 3 xã phía Nam thành phố Bến Tre chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng. Bên cạnh đó, các Sở, ban ngành và địa phương tiếp tục triển khai thực hiện các đề án vừa hoàn thiện hạ tầng vừa phát triển thêm các sản phẩm du lịch mới như Đề án Làng Văn hóa Du lịch Chợ Lách, Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Cồn Tân Mỹ, cồn Qui và cồn Thành Long (xã Thành Thới A), Làng Dừa Mỏ Cày Nam, khu du lịch sinh thái biển Thừa Đức, khu bảo tồn phục vụ phát triển bền vững du lịch sinh thái và Trung tâm tri thức du lịch sinh thái tại Đồng bằng sông Cửu Long; Riêng Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp trường Đại học Nguyễn Tất Thành đang thực hiện Đề tài nông dân làm du lịch, mô hình tại điểm du lịch Vườn Dâu xã An Khánh. Nhờ đó, Bến Tre ngày càng phát triển và đa dạng thêm các sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng của địa phương.
Đối với việc khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch biển, nghỉ dưỡng và sức khỏe, tỉnh tiếp tục và đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 2969/KH-UBND ngày 31/5/2021 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, qua đó góp phần đa dạng hóa dịch vụ phục vụ khách du lịch; đồng thời, đang rà soát, hướng dẫn và vận động các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ homestay và điểm du lịch tham gia đánh giá, phân hạng theo Bộ tiêu chí Trung ương ban hành.
Tỉnh khá thành công trong việc quảng bá, xúc tiến du lịch kết hợp khai thác các sản phẩm du lịch ẩm thực, hội nghị, hội thảo, tâm linh với việc tổ chức các sự kiện nổi bật hut hút hàng ngàn du khách trong và ngoài nước, kể các cơ quan truyền thông như địa phương đã phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UNESCO tổ chức lễ vinh danh và kỷ niệm 200 năm Ngày sinh và tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu; Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh và Hội thảo Khoa học cấp Quốc gia kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát; Bến Tre xác lập kỷ lục thế giới mới về chế biến và công diễn 222 món ăn chế biến từ Dừa, xác lập kỷ lục Việt Nam: “Người thực hiện quyển thơ “Nguyễn Đình Chiểu thi tuyển” viết bằng thư pháp chữ Việt lớn nhất” đối với ông Vũ Đăng Học và “Quyển thơ “Nguyễn Đình Chiểu thi tuyển” viết bằng thư pháp chữ Việt lớn nhất” đối với Thư viện Nguyễn Đình Chiểu tỉnh Bến Tre; Bến Tre tổ chức thành công Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ V năm 2022, trong 2 ngày (11, 12/11/2022) tại thành phố Bến Tre với sự tham dự của 200 đại biểu đại diện các bộ, ngành Trung ương, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long và 180 trí thức trẻ đang học tập, công tác, nghiên cứu từ 22 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới,…
Hiện nay, toàn tỉnh có 57 làng nghề được UBND tỉnh công nhận với 39 làng nghề nông nghiệp, 18 làng nghề tiểu thủ công nghiệp; trong đó có 20 làng nghề truyền thống (12 làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống điển hình như làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc, làng nghề Rượu Phú Lễ…, 8 làng nghề nông nghiệp truyền thống) đều được các công ty lữ hành thường tổ chức các chương trình du lịch cho du khách tham quan, tìm hiểu quy trình sản xuất từng loại sản phẩm du lịch tại các làng nghề truyền thống: Làng nghề sản xuất cây giống và hoa kiểng Chợ Lách, sản xuất kẹo dừa, chế biến dừa; nghề truyền thống bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc; nghề đan đát, thắt hoa, trang trí bằng lá dừa nước, thủ công mỹ nghệ từ dừa; làng dệt chiếu; nấu rượu,…
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, không bỏ lỡ cơ hội phát triển ngành du lịch, ngày 30/12/2022, UBND tỉnh đã có quyết định số 3051/QĐ-UBND Phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021-2030 bắt đầu hình thành, khai thác và phát triển sản phẩm du lịch kinh tế đêm khá mới mẻ của tỉnh nhà.
Ngoài những thành công trong việc phát triển các sản phẩm du lịch, Bến Tre còn để lại trong lòng du khách ấn tượng và luôn thu hút du khách quay lại Bến Tre nhiều lần, mỗi dịp có kỳ nghỉ dài hơn để được trải nghiệm, khám phá nhiều hơn các loại hình, sản phẩm du lịch riêng có như ở nhà dừa, tự hái trái cây ăn tại vườn, trải nghiệm với các trò chơi dân gian trong khu vườn và trên sông nước, thưởng thức ẩm thực dừa, ngắm nhìn hàng ngàn vì sao lung linh mọc trên cây được tạo bỡi loài đóm đóm, du dương tiếng hát dân ca, dập dềnh trong từng con sóng vỗ. Đó cũng là thước đo năng lực sáng tạo của các cấp, ngành, địa phương và cộng đồng phát triển du lịch tỉnh.