Thạnh Phú phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã theo hướng bền vững
Phát triển kinh tế tập thể (KTTT) mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) là chủ trương lớn của Đảng và nhà nước ta. Thời gian qua, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre triển khai hiệu quả nhiều chương trình và kế hoạch trọng tâm nhằm tạo động lực cho KTTT phát triển bền vững. Nhiều mô hình HTX không ngừng phát huy tiềm năng, thế mạnh, góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Mô hình trồng rau màu của HTX nông nghiệp Bình Thạnh, xã Bình Thạnh. |
Toàn huyện Thạnh Phú hiện có 20 HTX được đăng ký với hơn 2.900 thành viên, trong đó có 17 HTX đang hoạt động, 03 HTX ngưng hoạt động và 168 tổ hợp tác (THT) hoạt động theo Nghị định 77/2019 của Chính phủ với hơn 3.400 tổ viên. Riêng năm 2022, huyện thành lập mới HTX Nông nghiệp Hòa Lợi, HTX nông nghiệp An Thuận, HTX đầu tư phát triển chợ Việt Nam; thành lập mới 06 THT (nuôi tôm công nghệ cao, tôm – lúa, xã An Nhơn; nuôi tôm càng xanh ấp An Huề, xã An Qui; trồng lúa, nuôi bò, xã An Thạnh; mai vàng, xã Hòa Lợi). Doanh thu bình quân năm 2022 ước khoảng 305 triệu đồng/HTX và 35 triệu đồng/THT.
Số lao động làm việc thường xuyên trong HTX năm 2022 hơn 240 người; trong đó lao động là thành viên HTX là 126 người, bình quân thu nhập từ 4-6 triệu đồng/người/tháng. Về trình độ cán bộ quản lý, tổng số cán bộ quản lý HTX là 68 người, đạt trình độ sơ cấp, trung cấp là 37 người, chiếm hơn 54% và trình độ cao đẳng, đại học là 31 người, chiếm gần 46%.
Ngoài việc thành lập mới các HTX, năm 2022 huyện tập trung chuẩn bị các bước thành lập HTX nuôi tôm công nghệ cao, Liên hiệp HTX dừa hữu cơ; chỉ đạo các HTX tổ chức đại hội thường niên. Đến nay, hầu hết các HTX tổ chức Đại hội thường niên đúng theo Luật hợp tác xã 2012 và đi vào hoạt động đồng bộ. Có 08 HTX hoạt động kinh doanh xuyên suốt, tạo việc làm và cung cấp dịch vụ cho thành viên là: HTX vận tải thủy bộ Thạnh Phú, HTX thủy sản Thạnh Lợi, HTX thủy sản Bình Minh, HTX nông nghiệp Thới Thạnh, HTX dừa Phú Nông, HTX nông nghiệp Hòa Lợi, HTX nông nghiệp Qưới Điền, HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Phong; các HTX còn lại hoạt động ở mức trung bình, hoạt động theo thời vụ hoặc tạm ngừng hoạt động. Các HTX đang hoạt động đều thực hiện chuyển đổi số (đăng ký hóa đơn điện tử, chữ ký số, lập trang wed, giao dịch bán hàng qua mạng). Thành lập Chi bộ Đảng tại HTX nông nghiệp Thới Thạnh...
Năm qua, nhiều HTX có mô hình hoạt động hiệu quả theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao. Cụ thể, HTX nông nghiệp Thới Thạnh, HTX dừa Phú Nông áp dụng công nghệ khoa học trong sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dừa theo chuỗi giá trị cây dừa; HTX lúa – tôm Thạnh Phú chế biến sản phẩm gạo sạch, nhãn hiệu xây dựng sản phẩm OCOP từ chuỗi giá trị cây lúa sạch; HTX dịch vụ nông nghiệp Thạnh Phong xây dựng nhãn hiệu, sản phẩm OCOP từ dịch vụ cây xoài (xoài sấy, nước ép xoài, mức xoài…), đang xin đề nghị chỉ dẫn địa lý.
Đối với hoạt động của 168 THT tại huyện tập trung vào các ngành nghề nông nghiệp như nuôi bò, nuôi dê, gà, thủy sản, lúa, màu, dừa; lĩnh vực phi nông nghiệp như bó chổi, kết cườm, se nhang, may gia công... Nhìn chung, các THT hoạt động ổn định, nhưng hiệu quả mang lại chưa cao do đa phần các THT còn hoạt động sản xuất mang tính cá nhân, hộ gia đình nên việc đánh giá hiệu quả của các THT gặp nhiều khó khăn. Hoạt động của các THT mặc dù có sự nâng lên qua từng năm, nhưng thiếu tính thường xuyên và ổn định, chủ yếu làm theo phong trào, chưa tập trung được nguồn lực của các thành viên vì vậy hiệu quả mang lại chưa cao, chưa có nhiều mô hình nổi bật; các địa phương chưa tập trung vào nâng cao hiệu quả hoạt động của từng THT; đa phần tổ trưởng các THT là nông dân nên trình độ quản lý tổ còn rất hạn chế, chưa được tập huấn, đào tạo quản lý...
Công tác quản lý nhà nước về KTTT được quan tâm. Năm qua, Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành các văn bản, quyết định liên quan đến việc kiện toàn Ban chỉ đạo đổi mới phát triển KTTT, HTX; xây dựng Kế hoạch phát triển các HTX nông nghiệp hiệu quả toàn diện cấp huyện giai đoạn 2021-2025; xây dựng, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế đạt hiệu quả, tham gia phát triển KTTT, HTX gắn với chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện; định hướng chiến lược phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021- 2030... Ban chỉ đạo huyện cũng đã triển khải các văn bản hướng dẫn Nghị quyết số 25/2021/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc quy định chính sách hỗ trợ phát triển KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021-2025. Qua đó, đã thẩm định và đề nghị 02 hồ sơ hưởng chính sách thành lập mới, thẩm định và đề nghị hưởng chính sách về lao động trẻ 05 hồ sơ cho các HTX. Nguồn vốn khuyến công tỉnh đã hỗ trợ HTX lúa – tôm Thạnh Phú mua máy xay xát, tổng kinh phí gần 40 triệu đồng.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mai Văn Hùng, năm 2023, huyện đề ra các mục tiêu cụ thể là thành lập mới 04 HTX và Liên hiệp HTX dừa hữu cơ; phấn đấu có 60% HTX hoạt động xếp loại tốt, khá trở lên; thành lập mới ít nhất 10 THT theo Nghị định số 77/2019 của Chính phủ; phát triển mới ít nhất 02 sản phẩm OCOP trong HTX, THT; mỗi xã, thị trấn có ít nhất 01 THT hoạt động có hiệu quả; giải thể 03 HTX ngừng hoạt động không còn khả năng củng cố.
Để thực hiện đạt các mục tiêu này, huyện quan tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển KTTT. Cụ thể, tổ chức họp định kỳ hàng quý với các HTX trên địa bàn để nắm tình hình hoạt động, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các HTX. Tăng cường theo dõi, nắm tình hình, đánh giá chất lượng hoạt động của từng HTX, THT. Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 1757, ngày 28 tháng 3 năm 2022 của Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT tỉnh về xây dựng, phát triển các HTX nông nghiệp hiệu quả toàn diện cấp huyện giai đoạn 2022- 2025 trên địa bàn tỉnh Bến Tre; kế hoạch xây dựng, phát triển các HTX nông nghiệp hiệu quả toàn diện cấp huyện giai đoạn 2022 – 2025; tăng cường hỗ trợ HTX nông nghiệp tiếp cận các chính sách, nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng đa dịch vụ hiệu quả, phát triển theo hướng bền vững làm cơ sở nhân rộng ra các HTX còn lại.
Huyện tiến hành khảo sát, chọn các HTX hoạt động khá, có tiềm năng phát triển mạnh, đa dạng sản phẩm, dịch vụ, xây dựng sản phẩm OCOP, nhãn hiệu tập trung hỗ trợ (nguồn lực, vật lực) xây dựng phương án cụ thể phù hợp với sản phẩm, lợi thế của từng HTX, nâng cao chất lượng hoạt động hiệu quả toàn diện. Đẩy mạnh phát triển các HTX theo chuỗi giá trị nông sản, tập trung vào khâu sản xuất, chế biến và thị trường, có sự liên kết các HTX với nhau, liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, đảm bảo đầu vào, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Phối hợp với các sở, ngành tỉnh triển khai các lớp tập huấn nâng cao năng lực kinh tế tập thể, lớp đào tạo nguồn quản lý KTTT theo kế hoạch đã đề ra. Tích cực triển khai chính sách hỗ trợ tiền thuê lao động trẻ có trình độ đại học, cao đẳng về làm việc ở HTX theo Nghị quyết số 25/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh đối với các HTX đủ điều kiện. Tăng cường công tác thông, tin tuyên truyền để cán bộ, nhân dân hiểu rõ về bản chất, vị trí, vai trò của KTTT, cách thức tổ chức HTX, để mọi người tích cực tham gia xây dựng HTX và giám sát thực hiện Luật HTX 2012”.
Cùng với đó, huyện sẽ phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các Hội, đoàn thể các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia vào THT, HTX. Nâng cao vai trò trách nhiệm của UBND các xã, thị trấn và các ngành trong việc lựa chọn phát triển các mô hình KTTT phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, từ đó xác định mô hình hoạt động hiệu quả để nhân rộng. Phấn đấu mỗi xã, thị trấn chọn 01 - 02 mô hình THT để tập trung hỗ trợ đạt hiệu quả, khắc phục tình trạng có số lượng nhưng hiệu quả thấp...