Phát triển nông nghiệp tích hợp đa giá trị từ vườn dừa

Phát triển nông nghiệp tích hợp đa giá trị là một trong 5 quan điểm theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và đã được địa phương cụ thể hóa tại Chương trình 30-CTr/TU ngày 08/11/2022 của Tỉnh ủy và Kế hoạch 378/KH-UBND ngày 24/01/2023 của UBND tỉnh Bến Tre.

 

Lấy thực tiễn phát triển tích hợp đa giá trị từ vườn dừa Bến Tre là tối ưu hóa việc khai thác các sản phẩm từ vườn dừa: cây dừa, cây có múi, cây thân thảo, nuôi trồng thủy sản, khai thác gỗ dừa, du lịch, văn hóa, ẩm thực, tài nguyên bản địa, công nghệ, thương mại, thương hiệu, môi trường, kinh tế tuần hoàn có thể khái quát hơn về phát triển nông nghiệp tích hợp đa giá trị.

 

Lối rẽ vào miệt vườn dừa.

 

 

Tùy loại giống dừa, giá trị đơn thuần của vườn dừa là thu hoạch và bán cho thương lái khoảng 10.500 – 24.000 trái/ha/năm. Cấu trúc vườn dừa Bến Tre bờ và mương nước đan xen tiện việc áp dụng mô hình canh tác đa tầng (6 tầng): tầng cao trồng dừa - tầng thấp trồng cây có múi - tầng mặt đất trồng các loài cây thân thảo ưa bóng - tầng mặt nước trồng các loài cây thủy canh - tầng nước nông nuôi trồng thủy sản nước ngọt – tầng nước sâu phát triển các loài thủy sinh vật đáy. Số sản phẩm thu hoạch tương ứng với số tầng canh tác và tỉ lệ nghịch với mật độ cây trồng, nuôi trồng thủy sản.

 

Mô hình 6 tầng tiến hành quy hoạch không gian vườn dừa hợp lý, đầu tư thêm các trang thiết bị phục vụ vui chơi, giải trí kết hợp các trò chơi dân gian tuyền thống phù hợp, vườn dừa chuyển hóa thành không gian tương tự tự nhiên, hấp dẫn du khách là loại hình, sản phẩm du lịch đã tích hợp, khai thác giá trị du lịch vườn dừa.

 

Du khách thư thả tại homestay trong vườn dừa Bến Tre.

 

 

Gỗ dừa chế biến từ thân cây dừa 40 năm tuổi trở lên có trữ lượng khai thác dồi dào và liên tục được bổ cấp tăng dần hàng năm, cùng tài năng của nghệ nhân chế tác muôn kiểu nhà dừa độc đáo. Các sản phẩm giả gỗ dừa, bình quân thân dừa thu được 15 kg giấy và quày dừa (buồng dừa) thu 14 kg giấy. Trong khi đó, vườn dừa nếu được quan tâm xây dựng đạt chứng nhận tiêu chuẩn quản lý rừng phát triển bền vững  (FSC) vừa có giá trị giảm thiểu lãng phí các nguồn tài nguyên từ rừng vừa có giá trị kinh tế cao hơn 20 – 30% so các sản phẩm thông thường.

 

Cây dừa 4 năm tuổi đã hấp thụ khoảng 24,518 tấn CO2/ha và 20,4583 tấn CO2/ha tương ứng giống dừa cao và thấp. Lượng CO2 cây dừa hấp thụ tăng cao khi cây 10 năm tuổi, giống dừa cao hấp thụ 75,2436 tấn CO2/ha và giống dừa thấp là 69,9189 tấn CO2/ha, nếu tính theo giá 05 USA/tín chỉ các bon thì có giá bán tương ứng 8.600.000 đồng/ha và 7.900.000 đồng/ha. Thị trường tín chỉ các bon khá mới, đầy triển vọng và vườn dừa sẽ được tích hợp thêm một giá trị mới nữa.

 

Hiện nay, toàn tỉnh có 17.187,37 ha trồng dừa canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ, GAP và tương đương giúp cho các chủ vườn dừa tăng giá trị sản phẩm làm ra thu được không đơn là lợi nhuận mà chính là lợi ích xã hội, môi trường do phương thức canh tác này mang lại.

 

Miệt vườn là danh xưng theo thói quen, là sản phẩm văn hóa được kết tinh từ sức lao động, sáng tạo trải qua quá trình chắc lọc của các thế hệ người làm vườn đi trước. Văn hóa miệt vườn vẫn mang đậm nét văn hóa Nam bộ và vẫn có điểm riêng biệt của miệt vườn dừa Bến Tre, du khách mặc sức trải nghiệm, thụ hưởng tinh hoa văn hóa ấy hiển hiện trong mảnh vườn.

 

Đặc điểm của ẩm thực Bến Tre ngoài những điểm chung của ẩm thực vùng miền đậm nét ẩm thực đường phố, ẩm thực dân gian, ẩm thực chay, có những món không thể hoặc hạn chế chế biến trong các nhà hàng sang trọng, ở quán bình dân hay trên đường phố nhưng lại thực hiện thuận tiện tại vườn dừa: các món nướng ngoài trời, nướng trui, món lùi, gà nướng đất sét,… Về tận vườn, thực khách mới cảm nhận thế nào là hương thơm nứt mũi, vị ngon đến xoắn lưỡi bạn nhớ.

 

Bán sản phẩm tại vườn cho khách du lịch quốc tế kết hợp các nhà vận chuyển hàng hóa đã hình thành kênh xuất khẩu nông sản tại chỗ. Tuy hình thức này chưa phát triển mạnh nhưng phần nào tăng mức tiêu dùng của du khách. Sản phẩm thu hoạch trong vườn dừa ứng dụng các nền tảng số, bán hàng online trên các sàn thương mại điện tử gia tăng giá trị nhờ sản phẩm của người nông dân được bán đến tận tay người tiêu dùng, không bị mất chi phí qua các khâu trung gian.

 

Hàng năm, vườn dừa sẽ được bồi đắp thêm lớp phù sa màu mỡ lấy từ các mương trong vườn do phù sa bồi lắng thường gọi là bồi mương, lên trên các lớp phế phụ phẩm của cây dừa, tạo tơi xốp và giữ ẩm cho đất và nguồn phân hữu cơ cung cấp dinh dưỡng lại cho cây dừa, giảm bớt chi phí sản xuất. Lối canh tác này theo tiến bộ ngày nay là canh tác tuần hoàn và được nâng dần lên thành kinh tế tuần hoàn.

 

Ngoài ra, có rất nhiều giá trị được tích hợp trong vườn dừa như việc xây dựng các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, các nhãn hiệu chứng nhận khác: sản phẩm OCOP, sản phẩm hàng Việt Nam Chất lượng cao,… Đồng thời tổ chức sản xuất theo hợp đồng, chuỗi giá trị, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, xây dựng mã số vùng trồng, ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc đáp ứng yêu cầu hội nhập ngày càng sâu rộng đều trực tiếp hoặc gián tiếp làm gia tăng giá trị sản phẩm phẩm từ việc định hình, xây dựng thương hiệu sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước.

 

Rất nhiều giá trị đã được tích hợp, khai thác, phát triển bền vững trên cùng mỗi mảnh vườn dừa. Nâng tầm giá trị tích hợp thêm đa giá trị, chất lượng, giá trị hơn, tích hợp các giá trị mới vào vườn dừa rất cần sự chung tay của các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp và nhà nông.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Công nghệ bền vững
• Ưu tiên phát triển công nghệ viễn thông 4G và 5G trong giai đoạn tiếp theo của cách mạng công nghiệp 4.0
• Công nghệ lượng tử
• Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam
• Tiềm năng, quy mô và triển vọng thị trường Halal
• Tập trung mọi nguồn lực phát triển kinh tế huyện Thạnh Phú
• Công nghệ IOT cho hệ thống chiếu sáng thông minh
• Trí tuệ nhân tạo tạo sinh
• Bến Tre triển khai thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Công nghệ bán dẫn và ngành công nghiệp bán dẫn
• Công nghệ vũ trụ ảo-metaverse
• Các lĩnh vực công nghệ tối quan trọng, cuộc chạy đua giữa các cường quốc
• Công nghệ năng lượng xanh
• Công nghệ mới nổi: Hydro xanh
• Xu hướng các công nghệ mới nổi