Kết quả nuôi thử nghiệm thương phẩm cá bống cát (glossogobius aureus) trong ao tại tỉnh Bến Tre

1. MỞ ĐẦU

Cá bống cát (Glossogobius aureus) là một trong những loài cá bản địa, phân bố tự nhiên trên địa bàn tỉnh Bến Tre, tập trung chủ yếu ở các vùng nước lợ cửa sông ven biển. Cá bống cát được người dân đánh bắt ở các sông và trong các ao quảng canh theo mùa vụ, được bán với giá tương đối cao và ổn định, và sản lượng chưa đủ đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ. Trong khi đó nguồn lợi cá bống cát hiện nay đã và đang suy giảm, nghề nuôi cá bống cát chưa phát triển do không có nguồn con giống sản xuất nhân tạo và chưa có quy trình công nghệ nuôi thương phẩm.

 

Tỉnh Bến Tre là một trong những tỉnh có nghề nuôi trồng thuỷ sản phát triển nhất cả nước với tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản gần 50.000 ha, tập trung chủ yếu ở các đối tượng như: Tôm thẻ chân trắng, tôm sú, tôm càng xanh, cá tra, nhuyễn thể, trên 90% sản lượng nuôi có giá trị kinh tế cao, chất lượng tốt phục vụ chế biến xuất khẩu. Bên cạnh đó, một số loài cá bản địa có giá trị kinh tế tương đối cao như cua, cá bống cát, cá bông lau, cá đối mục,... được khai thác ở các thuỷ vực tự nhiên hoặc trong các ao nuôi quảng canh cũng mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân và dần trở thành những mặc hàng đặc sản.Tuy nhiên, các loài này chưa được phát triển nuôi theo hình thức bán thâm canh, thâm canh do chưa chủ động được nguồn con giống sản xuất nhân tạo. Bên cạnh đó, một phần khá lớn diện tích ao nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh chưa phát huy hiệu quả do chưa có đối tượng nuôi phù hợp.

 

Từ những thực trạng và yêu cầu nêu trên, việc nghiên cứu phát triển đối tượng nuôi mới, khai thác hết tiềm năng diện tích nuôi trồng thuỷ sản của tỉnh là cần thiết, phù hợp với nhu cầu của người dân và phát triển ngành nuôi trông fthuyr sản của tỉnh. Do đó, năm 2020 Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Bến Tre đã giao Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Trung thực hiện đề tài “Nghiên cứu sinh sản nhân tạo, nuôi thử nghiệm thương phẩm và xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm cá bống cát (Glossogobius aureus) tỉnh Bến Tre”, nhằm đánh giá khả năng sản xuất giống và nuôi thương phẩm loài cá bống cát trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

 

Báo cáo này trình bày kết quả mô hình nuôi thử nghiệm thương phẩm cá bống cát trong ao tại tỉnh Bến Tre, thuộc nội dung nghiên cứu của đề tài.

 

2. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1 Đối tượng, thời gian và địa điểm thực hiện

Đối tượng nghiên cứu: Cá bống cát (Glossogobius aureus).

Phạm vi nghiên cứu: Nghiên cứu nuôi thương phẩm trong ao đất.

Thời gian nghiên cứu: Thời gian nghiên cứu từ tháng 10/2022 đến tháng 02/2023.

Địa điểm nghiên cứu: Xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre.

2.2 Phương pháp nghiên cứu

Bố trí thí nghiệm:

- Số lượng ao nuôi mô hình: 1 ao, diện tích 1.500 m2.

- Mật độ nuôi: 60 con/m2.

- Số lượng cá giống thả nuôi: 90.000 con.

- Cỡ cá giống thả nuôi: 4-6 cm/con.

- Nguồn cá giống: Từ sản xuất nhân tạo của đề tài.

 

 

 

Cá giống cá bống cát thả nuôi thử nghiệm.

Biện pháp kỹ thuật áp dụng:

- Chuẩn bị ao nuôi:

+ Ao nuôi được xả cạn, vệ sinh sạch sẽ, vét sạch lớp bùn đáy, bón vôi đáy ao với liều lượng 15 kg/100 m2, phơi ao 2-3 ngày.

+ Lắp đặt giàn máy quạt nước: Ao nuôi mô hình thử nghiệm thương phẩm tại hộ dân tham gia thực hiện đã có sẵn giàn máy quạt nước. Khi nghiên cứu nuôi thương phẩm vẫn sử dụng thiết bị này để tăng cường ôxy cho ao nuôi, tảo và động vật phù du phát triển nhanh trong quá trình gây màu, tăng hàm lượng ôxy cho cá nuôi.

+ Cấp nước vào đầy ao 1,0-1,2 m.

+ Gây màu nước: Dùng cá biển (cá nục) nấu chín, xay nhuyễn, hòa nước tạt đều quanh ao để gây màu nước. Liều lượng sử dụng: 2 kg/100 m3 nước ao, 1 lần/ngày trong vòng 4 ngày liên tục.

- Các biện pháp kỹ thuật quản lý chăm sóc ao nuôi:

- Thức ăn: Thức ăn công nghiệp hàm lượng protein 35-40%, kết hợp với các loại cá tạp tươi.

- Phương pháp cho ăn:

+ Thức ăn công nghiệp: Cỡ viên 0,5-5,0 mm, tăng theo thời gian từ lúc thả (2 g/con) đến khi thu hoạch.

+ Các tạp tươi: Các loại cá nhỏ, ít xương, lựa chọn cá còn tươi, không bị ương, rửa sạch và rửa qua nước muối 3-5%, cắt vừa cỡ miệng của cá. Cho ăn từ giai đoạn cá >30 g/con.

- Khẩu phần cho ăn: 5-8% tổng khối lượng đàn cá nuôi, tỷ lệ này giảm dần từ khi thả cá đến khi thu hoạch. Cho ăn 2 lần/ngày vào 7h và 17h. Thức ăn được rải đều xung quanh ao, cách bờ ao 0,5 m.

- Chăm sóc, quản lý ao nuôi:

+ Duy trì độ mặn của ao từ 5-10 ppt trong cả chu kỳ nuôi.

+ Theo dõi diễn biến các yếu tố môi trường ao nuôi khác gồm: Nhiệt độ, pH, hàm lượng ôxy hòa tan, NH3, H2S.

+ Thay nước cho ao nuôi 10-15 ngày/lần, lượng nước thay 30-50%.

+ Sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý đáy ao, liều lượng 1 lít/2.000 m3, 3-4 lần/tháng.

+ Theo dõi sinh trưởng cá nuôi 1 lần/tháng bằng phương pháp đo chiều dài và cân khối lượng. Mỗi lần đo 30 cá thể ngẫu nhiên. Đo chiều dài bằng thước kẻ có thang chia 1 mm. Cân khối lượng bằng cân điện tử cầm tay ở hiện trường, thang chia đến 0,1 g.

+ Điều chỉnh khẩu phần và kích cỡ thức ăn phù hợp theo các giai đoạn phát triển của cá nuôi.

- Các chỉ tiêu theo dõi:

+ Tốc độ sinh trưởng của cá nuôi;

+ Tỷ lệ sống;

+ Hệ số tiêu tốn thức ăn (FCR);

+ Hiệu quả kinh tế.

 

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

3.1 Diễn biến các yếu tố môi trường ao nuôi

Nhiệt độ trung bình trong khoảng 27,5oC, pH dao động trong khoảng 6,8-7,5, hàm lượng ôxy hòa tan (DO) trung bình >5 mg/L, độ mặn trong khoảng 5-10 ppt, NH3<0,03 mg/L và H2S <0,01 mg/L (bảng).

 

 

Từ số liệu diễn biến các yếu tố môi trường ao nuôi thương phẩm cá bống cát cho thấy, thời gian nuôi mô hình là thời điểm có nhiệt độ trong khoảng thấp nhất trong năm trên địa bàn tỉnh Bến Tre,  nhiệt độ nước của ao nuôi thấp (trung bình 27,5oC). Yếu tố pH có sự biến động trong khoảng 5 đơn vị trong cả chu kỳ nuôi. Hàm lượng ôxy hoàn tan nằm ở mức cao, do ao nuôi có lắp đặt quạt nước và vận hành vào những thời điểm hàm lượng ôxy tự nhiên trong ngày thấp. Độ mặn dao động trong khoảng 5-10 ppt. Các khí độc gồm NH3 và H2S luôn nằm trong ngưỡng an toàn. Nhìn chung, diễn biến của một số yếu tố môi trường nước ở các ao nuôi tương đối thuận lợi cho sinh trưởng và phát triển của cá bống cát. 

 

3.2 Kết quả nuôi thử nghiệm thương phẩm cá bống cát trong ao

Mô hình nuôi thử nghiệm cá bống cát trong ao sau 4 tháng nuôi ước đạt tỷ lệ sống khoảng 80%, khối lượng cá đạt trung bình 40 g/con, sản lượng ước đạt 2.900 kg, hệ số tiêu tốn thức ăn (FCR) 1,6 khi sử dụng thức ăn công nghiệp, tốc độ tăng trưởng theo ngày về khối lượng là 0,3 g/ngày và chiều dài là 0,07 cm/ngày (bảng 2).

Bảng 2: Kết quả nuôi thử nghiệm thương phẩm cá bống cát trong ao.

 

Từ kết quả thu được ở bảng 2 cho thấy, cá bống cát thích nghi và sinh trưởng tốt trong ao nuôi thâm canh. Cá đạt khối lượng trung bình khoảng 40 g/con sau 4 tháng nuôi từ con giống có khối lượng trung bình khoảng 2,7 g/con, là khá nhanh.

 

 

Từ đồ thị ta thấy, tốc độ tăng trưởng về khối lượng của cá tăng nhanh từ tháng nuôi thứ 3-4, trong khi chiều dài của cá tăng nhanh ở giai đoạn các tháng nuôi đầu tiên, sau đó tăng chậm dần. Điều này cũng tuân theo quy luật tăng trưởng chung của các loài cá.

 

 

Cá bống cát nuôi thử nghiệm thương phẩm sau 4 tháng.

 

 

Mô hình nuôi thương phẩm cá bống cát trong ao mang lại hiệu quả kinh tế tương đối cao với tỷ suất lợi nhuận ước tính khoảng 57%, cho thấy mô hình nuôi cá bống cát rất khả thi và rất có tiềm năng phát triển nhân rộng.

 

4. KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT

4.1 Kết luận

Các yếu tố môi trường nước được theo dõi cho thấy phù hợp cho sinh trưởng và phát triển của cá bống cát, riêng yếu tố độ mặn phù hợp là từ 5-10 ppt.

Nghiên cứu nuôi thử nghiệm thương phẩm cá bống cát trong ao sau 4 tháng nuôi cá đạt khối lượng cá trung bình 40,3 g/con, tỷ lệ sống ước đạt 80%, sản lượng ước đạt 2.900 kg. Mô hình nuôi thử nghiệm thương phẩm cá bống cát trong ao bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế.

4.2 Đề xuất

Đề nghị tếp tục thực hiện các nghiên cứu hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá bống cát, để phục vụ phát triển nghề nuôi cá bống cát trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Lê Văn Diệu, Dương Tuấn Phương, Phạm Trường Giang, Võ Thành Nhân, Nguyễn Thị Ánh Dung, Lê Thị Ngọc Hà, Nguyễn Thị Liệu, Nguyễn Hữu Thái và Nguyễn Bá Quyền. 2022. Nghiên cứu sinh sản nhân tạo và nuôi thử nghiệm thương phẩm cá bống cát sông Trà (Glossogobius sparsipapillus) tỉnh Quảng Ngãi. Báo cáo tổng kết đề tài.

Võ Văn Nha. 2012. Điều tra đánh giá nguồn lợi cá bống sông Trà Khúc. Báo cáo tổng kết đề tài. Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III.

Võ Thị Ngọc Trâm và Võ Văn Nha. 2013. Đặc tính dinh dưỡng một số loài cá bống có giá trị kinh tế ở sông Trà Khúc, tỉnh Quảng Ngãi. Tạp chí Khoa học – Công nghệ số 3/2013. Trường Đại học Nha Trang.

Nguyễn Minh Tuấn. 2016. Thành phần loài và đặc điểm sinh học của một số loài cá kinh tế của 2 họ cá bống Gobiidae và Eleotridae phân bố ở vùng ven biển Bến Tre. Luận văn Tiến sỹ. Trường Đại học Cần Thơ.

Akihito, P. and K. Memugo, 1975. Description of a New Gobiid Fish, Glossogobius aureus, with Notes on Related Species of the Genus. Japanese Journal of Ichthyology. 22, 127-142.

Suksomnit, A. and Pholwieng, N. 2017. Culture of sand goby (Oxyeleotris  marmoratus, Bleeker) fed with live and frozen fairy shrimp (Streptocephalus sirindhornae). International Journal of Agricultural Technology 13(4):493-499.

Vu, C. L., Yang, Y., and Chang, W. L. 2005. Cove culture marble goby (Oxyeleotris marmorata Bleeker) and carps in Tri An reservoir of Vietnam. Aquaculture 244 (2005). 97-107.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi