Hội thảo “Giải pháp phát triển nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao năm 2023” trên địa bàn huyện Thạnh Phú
Ngày 17/3/2023, tại thị trấn Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam tổ chức Hội thảo “Giải pháp phát triển nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao năm 2023” trên địa bàn huyện Thạnh Phú. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nguyễn Văn Buội chủ trì hội thảo.
![]() |
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nguyễn Văn Buội phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Văn Minh. |
Theo báo cáo, hiện toàn tỉnh có gần 48.000 ha nuôi trồng thủy sản, tổng sản lượng nuôi đạt trên 322.000 tấn. Trong đó, nuôi tôm nước lợ thâm canh và bán thâm canh thả xoay vòng đạt hơn 12.000 ha, sản lượng hơn 83.000 tấn. Tổng diện tích nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao gần 2.600 ha, năng suất bình quân 60-70 tấn/ha mặt nước, lợi nhuận bình quân từ 700 đến 800 triệu đồng/vụ.
Mục tiêu trong năm 2023, toàn tỉnh phát triển thêm 500 ha nuôi ứng dụng công nghệ cao, trong đó Ba Tri 100 ha, Bình Đại 270 ha và Thạnh Phú 130 ha.
Riêng huyện Thạnh Phú, có diện tích nuôi thủy sản ước khoảng 18.250 ha, trong đó, diện tích nuôi tôm biển thâm canh trên 3.600 ha, riêng nuôi 2, 3 giai đoạn, nuôi tôm công nghệ cao có diện tích khoảng 1.100 ha.
![]() |
Đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Văn Minh. |
Hiện nay, huyện đã xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển 1.500 ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 theo Đề án phát triển 4.000 ha nuôi tôm công nghệ cao tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Hình thành 05 vùng nuôi tập trung thuộc 9 xã tiểu vùng 2 và 3 gồm: Thạnh Hải, Thạnh Phong, Giao Thạnh, An Nhơn, An Qui, An Thuận, An Điền, Mỹ An, An Thạnh. Tổng kinh phí dự kiến đầu tư trên 2.850 tỷ đồng.
Tại buổi hội thảo, đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận, tham luận về giải pháp phát triển nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao; giải pháp huy động vốn; chuyển đổi số trong nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, phát triển chuỗi giá trị, hợp tác xã,,…
Đại diện Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam đã giới thiệu quy trình, kỹ thuật và lợi ích nuôi tôm 4 giai đoạn; giải pháp vệ sinh bên trong các bể nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao hiệu quả; đồng thời giới thiệu giống tôm CPF-Turbo G20 với những đặc tính nổi bật và vượt trội tương thích mô hình nuôi ứng dụng công nghệ cao.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nguyễn Văn Buội đánh giá Thạnh Phú có tiềm năng rất lớn trong phát triển nuôi tôm công nghệ cao, tuy nhiên vẫn còn ảnh hưởng của môi trường nuôi, cơ sở hạ tầng, đầu ra sản phẩm, liên kết sản xuất,… cho nên huyện cần có sự định hướng tốt, xác định được đối tượng nuôi, tập trung cho nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Cùng với đó, đẩy mạnh sự phối hợp giữa doanh nghiệp và người dân trong hợp tác tổ chức lại sản xuất, liên kết lại với nhau, quyết tâm thành lập Hợp tác xã nuôi tôm công nghệ cao. UBND huyện có sự chủ động tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương, tuyên truyền vận động các hộ dân đủ điều kiện mở rộng diện tích nuôi nhưng phải nằm trong quy hoạch vùng nuôi thủy sản,…