Phát triển bền vững các hệ sinh thái

“… Bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững các hệ sinh thái” là một trong các quan điểm của Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ngày 15/3/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 492/QĐ-UBND về việc phê duyệt kết quả dự án “đánh giá hiện trạng và đề xuất nhiệm vụ bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Bến Tre giai đoạn năm 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

 

Theo đó, Bến Tre có hệ sinh thái (HST) đặc trưng khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiêu biểu địa hình, địa mạo cồn cát, vùng cửa sông, đồng muối, vườn cây ăn quả... từ công sức đào mương lên liếp lập vườn, trồng cây gây bồi tạo bãi, quai đê lấn biển cùng những quy luật tự nhiên trong một thời gian dài đã hình thành 08 HST cơ bản: HST Rừng, HST nông nghiệp trên cạn, HST vườn, HST thủy vực, HST đồng muối, HST khu dân cư, HST ao nuôi và HST đồng ruộng.

 

Hệ sinh thái vườn, quýt trái trĩu cành.

 

HST đồng ruộng do con người tạo ra và duy trì trên cơ sở các quy luật khách quan của HST, là các đơn vị sản xuất nông nghiệp, tương đối đơn giản về thành phần và cấu trúc, được duy trì trong sự tác động thường xuyên của con người, chiếm khoảng 15% tổng diện tích tự nhiên của toàn tỉnh (diện tích tự nhiên của tỉnh là 2.359,8 km2), phân bố rải rác trên địa bàn.

 

HST nông nghiệp trên cạn thuộc nhóm HST nhân tạo, không ổn định về cấu trúc, dễ bị phá vỡ nếu không được sử dụng hợp lý. HST nông nghiệp xuất hiện giúp cho người dân Bến Tre ít lệ thuộc vào tự nhiên, tạo ra sự đa dạng trong hệ thống cây trồng và vật nuôi, góp phần cung cấp lương thực, thực phẩm. Nó còn cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến nông sản, không chỉ cho nhân dân trong vùng mà còn xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn. Việc ra đời các HST nông nghiệp vừa có ý nghĩa tích cực trong nâng cao đời sống của người dân nhưng lại tiềm ẩn những tác động tiêu cực đến môi trường và khả năng làm suy thoái các HST nếu không được quản lý tốt.

 

Với 26.164 ha diện tích trồng cây ăn trái và 78.015 ha diện tích trồng dừa, Bến Tre là một trong các tỉnh đứng đầu trong vùng đồng bằng sông Cửu Long về sản xuất cây ăn trái, trong đó một số loại cây trồng như dừa, sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, bưởi da xanh đã tạo được danh tiếng trên thị trường. Diện tích cây ăn trái tăng nhanh trong những năm gần đây, qua quá trình sản xuất, rút kinh nghiệm và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến cũng như chuyển đổi sản xuất theo nhu cầu thị trường, Bến Tre đã hình thành các vùng sản xuất và thiết lập các mô hình sản xuất thích ứng với môi trường tự nhiên tạo lập HST vườn.

 

HST rừng, đặc biệt là rừng ngập mặn ở Bến Tre cung cấp nguồn dinh dưỡng, nơi cư trú và bãi ương giống cho sinh vật thủy sinh. Các cửa sông ven biển ở Bến Tre là nơi sinh sống của khoảng 150 loài thực vật, trong đó 30 loài là cây ngập mặn và khoảng 39 loài được du nhập đến vùng này do quá trình du nhập giống từ nơi khác đến.

 

Bến Tre là tỉnh có 1.400 ha diện tích đất sản xuất muối đứng thứ hai tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (sau tỉnh Bạc Liêu) tập trung chủ yếu ở hai huyện Bình Đại và Ba Tri. HST đồng muối, tính đa dạng sinh học khá thấp vì điều kiện sống ở đây không còn thích hợp cho các loài sinh vật.

 

HST ao nuôi thường có thực vật phù du phong phú, đóng một vai trò quan trọng trong HST ao và ảnh hưởng đến chất lượng nước. Diện tích nuôi tôm Bến Tre là 38.100 ha xếp hạng thứ 5 của cả nước, đứng sau tỉnh Sóc Trăng: 54.660 ha, Bạc Liêu: 141.241 ha, Kiên Giang: 143.352 ha và Cà Mau: 278.789 ha.

 

HST khu dân cư, khái niệm khu dân cư sinh thái đang dần trở nên phổ biến và được khuyến khích trên thế giới trong sự gắn kết chặt chẽ với xu hướng phát triển bền vững khi các vấn đề môi trường và năng lượng ngày càng trở nên bức thiết, có ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng đô thị và chất lượng sống của người dân.

 

HST thủy vực, Bến Tre có một hệ thống sông rạch chằng chịt mang nước ngọt từ trên thượng nguồn ra biển bên cạnh bốn con sông chính, trung bình dọc theo các sông chính khoảng cách trên dưới 1,5km là có một con rạch hay kênh, có khoảng trên 60 con sông, rạch, kênh rộng từ 50-100 m và hơn 3.000 km kênh rạch; trong đó gần 337,5 km kênh trục, trên 622 km kênh cấp 1, cấp 2 và 2.009 km kênh cấp 3 nội đồng, đồng thời lại chịu ảnh hưởng của thủy triều, nên các quần thể thực vật ven sông rạch thể hiện rõ nét ba vùng sinh thái tiêu biểu: vùng mặn, vùng lợ và vùng ngọt. Với 65 km bờ biển, là nơi phát triển tương đối tốt thảm thực vật trên các bãi lầy ven biển.

 

Trong thời gian qua, mặc dù tỉnh đã cố gắng nỗ lực nhằm ngăn chặn sự suy thoái của các quần thể tự nhiên, chủ yếu tập trung vào các quần thể thực vật trên các vùng đất ngập nước ven biển nhưng tác động của phát triển kinh tế - xã hội và sự suy thoái là không thể tránh khỏi. Trước tình hình đó, sự tái lập lại các HST bằng cách trồng rừng ngập mặn đã hình thành các HST bán tự nhiên phấn đấu đạt kích cỡ không gian mong muốn.

 

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nghiệm thu đề tài “Tạo lập, quản lý, và phát triển chỉ dẫn địa lý “Thạnh Phú” cho sản phẩm gạo của huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Góp ý Quy trình kỹ thuật ương thuần dưỡng và nuôi thương phẩm cá bông lau trong ao đất tại Bến Tre”
• Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Quy định quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa
• Nghiệm thu đề tài “Khảo sát sự lưu hành của virus và đánh giá đáp ứng miễn dịch sau khi tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục trên bò tại Bến Tre”
• Hội thảo “Một số giải pháp xây dựng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu quy trình công nghệ và hệ thống thiết bị sơ chế, xử lý và bảo quản quả bưởi tươi phục vụ nội tiêu và xuất khẩu”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của kênh, rạch, mương trong chăn nuôi heo tại huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre”
• Công bố quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Khác biệt chưa biết về chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” cho sản phẩm xoài Tứ Quý
• Phát hành hóa đơn điện tử ngay sau từng lần bán hàng xăng dầu
• Bến Tre: Tập huấn về cơ chế chi trả dựa vào kết quả - RBF và hướng dẫn nghiệm thu công trình khí sinh học trong chăn nuôi cho cán bộ kiểm tra chất lượng và thợ xây, thợ lắp đặt tại địa phương
• Hội thảo “Giải pháp khai thác hiệu quả các bãi bồi, cồn nổi ven sông trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Sản phẩm gạo “Thạnh Phú” được bảo hộ chỉ dẫn địa lý