ChatGPT dùng để làm gì và mối đe dọa của nó đến một số ngành nghề
ChatGPT, viết tắt của Chat Generative Pre-training Transformer, là một chương trình kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI) để tương tác với con người (Chatbot) do công ty OpenAI-một công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo có trụ sở tại San Francisco của Mỹ phát triển và ra mắt vào tháng 11/2022. ChatGPT được xây dựng dựa trên GPT-3.5, một dòng mô hình ngôn ngữ lớn của OpenAI đồng thời được tinh chỉnh bằng cả hai kỹ thuật học tăng cường lẫn học có giám sát. ChatGPT nhanh chóng thu hút sự chú ý nhờ việc nó có thể hồi đáp chi tiết và trả lời lưu loát trên nhiều lĩnh vực kiến thức khác nhau.
Kể từ khi ra mắt vào tháng 11/2022, ChatGPT đã trở thành một hiện tượng thu hút sự quan tâm ngày càng lớn của người dùng trên khắp thế giới, có khoảng 13 triệu người dùng đã sử dụng ChatGPT mỗi ngày trong tháng 1/2023. Tính đến 31/01/2023 số người dùng ChatGPT được cho là cán mốc 100 triệu người/tháng chỉ 2 tháng sau khi được ra mắt. Nếu so sánh với nền tảng video ngắn TikTok phải cần đến 9 tháng sau khi phát hành toàn cầu mới đạt 100 triệu người dùng, trong khi Instagram mất tới 2,5 năm, còn ứng dụng dịch Google Translate là 6,5 năm. Do vậy ChatGPT đã trở thành ứng dụng cho người dùng phát triển nhanh nhất trong lịch sử.
ChatGPT có thể dùng để làm gì?
Mô hình này như là một giải pháp thay thế cho Google vì có khả năng cung cấp các mô tả, câu trả lời và giải pháp cho các câu hỏi phức tạp bao gồm cách viết code và giải quyết các vấn đề về bố cục cũng như truy vấn tối ưu hóa. ChatGPT có thể được sử dụng trong các lĩnh vực như sáng tạo nội dung cho các trang web, trả lời các câu hỏi của khách hàng, cung cấp các gợi ý, tạo chatbot tự động, phát hiện hoặc thậm chí là sửa các lỗi lập trình. Công cụ này đặc biệt gây ấn tượng với các chuyên gia về khả năng sáng tạo nội dung, thực hiện các nhiệm vụ phức tạp nhưng lại dễ sử dụng. Hiện ChatGPT vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, người dùng có thể đăng ký dùng thử miễn phí. Sau đó, họ sẽ phải trả tiền để sử dụng một số tính năng đặc biệt. Cụ thể vào cuối tháng 1/2023, OpenAI đã tung ra gói đăng ký 20 USD/tháng với dịch vụ ổn định và nhanh hơn kèm với cơ hội dùng thử các tính năng mới. ChatGPT chỉ có thể truy cập thông qua trang web của OpenAI và không có ứng dụng trên điện thoại. Vì vậy, người dùng cần lưu ý để không tải về các ứng dụng mạo danh có nguy cơ chứa phần mềm độc hại.
ChatGPT có đe dọa nhiều ngành, nghề?
ChatGPT ra đời đặt ra câu hỏi về việc con người có cần phải thay đổi tư duy, cách thức làm việc hay không? Nhìn nhận ảnh hưởng của ChatGPT nói riêng, AI nói chung đối với các ngành, nghề hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng: Đây là tiếng chuông cảnh báo cho “những người đang cảm thấy an toàn và bằng lòng với công việc hiện tại” và dự báo về 10 công việc có nguy cơ bị thay thế cao nhất bởi những công cụ AI của ChatGPT như: Việc làm ngành IT (Người viết mã, lập trình viên, kỹ sư phần mềm, nhà phân tích dữ liệu); Công việc truyền thông (quảng cáo, sáng tạo nội dung, báo chí); Công việc ngành luật (trợ lý luật sư, trợ lý pháp lý); Nhân viên nghiên cứu thị trường; Giáo viên; Công việc ngành tài chính (Chuyên viên phân tích tài chính, cố vấn tài chính cá nhân).
Sự xuất hiện của ChatGPT cho thấy về lâu dài hơn, khi tập mẫu đủ lớn, AI sẽ dần dần đóng vai trò ngày càng lớn hơn trong công tác vận hành hệ thống cũng như tiếp cận với người dùng cuối. Qua thời gian, AI với quá trình tự học hỏi sẽ hiểu khách hàng hơn, không bị áp đặt cảm xúc khi tiếp xúc, hiệu suất làm việc lớn hơn bất kể ngày đêm. Với điều kiện tập mẫu khách hàng đủ lớn, AI sẽ chứng minh được lợi thế. Trong trường hợp này, một số ngành như bán hàng từ xa, chăm sóc khách hàng sẽ bị đánh bại đầu tiên. AI sẽ làm việc hiệu quả trên diện rộng mà không cần mất công đào tạo từng nhân sự như hiện nay.
Trong lĩnh vực xuất bản, truyền thông, ChatGPT khó có thể thay thế được các nhà báo chuyên nghiệp bởi đây chỉ là một mô hình ngôn ngữ được huấn luyện. Có nghĩa là, ChatGPT sẽ chỉ tổng hợp được thông tin từ các dữ liệu có sẵn. Trong khi đó, báo chí thì luôn cần những chủ đề mới, những đề tài mới, góc nhìn mới. Những điều này, chỉ có các phóng viên trong thực tế mới làm được. Tuy nhiên, các phóng viên, nhà báo nói riêng, người dùng nói chung có thể tận dụng ChatGPT để nâng cao hiệu quả công việc của mình. ChatGPT có thể giúp tóm tắt các văn bản, tài liệu dài; tạo câu hỏi và trả lời các câu hỏi, qua đó giúp người dùng tìm kiếm góc nhìn mới, hay ‘thử’ tiến hành nghiên cứu về sự kiện, nhân vật… Ngoài ra, ChatGPT cũng sẽ hỗ trợ dịch bài viết sang các ngôn ngữ khác nhau.
Sẽ luôn có những lĩnh vực mà AI sẽ không thể thay thế con người, đặc biệt là trong những bối cảnh đòi hỏi sự quyết định dựa trên đạo đức. AI được con người dạy, còn con người sẽ làm việc và quyết định dựa cả vào cảm xúc. AI có thể vẽ tranh, làm thơ, sáng tác nhạc, nhưng chưa thể chạm tới cảm xúc.