Khắc phục dừa bị trăng ăn

Thời gian gần đây theo phản ánh của thương lái và người trồng dừa uống nước trên địa bàn huyện Châu Thành và Bình Đại thì dừa nạo có triệu chứng bị trăng ăn mà bà con gọi là dừa nứt gáo, dừa hủ chiếm tỉ lệ lớn, có nơi trên 10% dừa thu hoạch. Để giúp bà con trồng dừa biết rõ hơn về nguyên nhân và biện pháp khắc phục là rất cần thiết nhằm góp phần hạn chế tình trạng này để tăng thêm thu nhập cho vườn.

 

Qua điều tra trên các vườn dừa bị trăng ăn nhiều ở các xã Tam Hiệp, Long Hoà, Phú Thuận  huyện Bình Đại; xã Phước Thạnh, Giao Long, Tam Phước huyện Châu Thành chúng tôi nhận thấy các vườn dừa này nông dân chỉ sử dụng phân NPK thương phẩm  như NPK 20-20-15, NPK 16-16-8, NPK 15-15-15,… mà không bón thêm vôi hàng năm. Kiểm tra pH đất thường có trị số từ dưới 4 đến dưới 5. Như vậy là đất rất chua. Tàu lá dừa trưởng thành có biểu hiện yếu, lá chét phần chót lá bị dị dạng và dính lại với nhau. Đây là triệu chứng vừa thiếu canxi (Ca) vừa thiếu Bor (B) trên dừa.

 

Triệu chứng thiếu Bor trên lá.

 

Triệu chứng điển hình của trái dừa bị trăng ăn là đầu gáo dừa bị nứt khi dừa được 6-7 tháng tuổi, đầu trái phồng, lưng nước.

 

Vì vậy, để khắc phục tình trạng thiếu Canxi và Bor nông dân cần bón vôi hàng năm với lượng khác nhau tuỳ theo pH đất: pH < 3,5 bón 2-5 tấn/ha,  pH từ 3,5-4,5 bón 1-2 tấn/ha, pH từ 4,5-5,5 bón 0,5-1 tấn/ha, pH trên 5,5 chưa cần bón vôi. Cùng chỉ số pH thì đất nặng bón vôi với lượng cao, đất nhẹ bón lượng thấp; bón vào cuối mùa khô lúc trời sắp mưa để vôi khử phèn, mặn tốt. Chọn bón vôi xám vì có cả Canxi (Ca) và magiê (Mg) sẽ tốt hơn cho cây và giá cũng thấp hơn vôi trắng.

 

 

Dừa bị trăng ăn.

 

Nếu sử dụng phân NPK chuyên dùng như NPK 17-12-17, NPK 15-9-20, NPK 20-10-20, NPK 15-15-15,… cần kết hợp với 10% phân Nitrabor để cung cấp Canxi và Bor dễ tan cho cây. Khi bón NPK có hàm lượng kali thấp cần bổ sung thêm kali để tỉ lệ đạm và kali tương đương nhau.

 

Dùng phân đơn bón cho dừa sẽ cung cấp cho cây nhiều dưỡng chất hơn và chi phí cũng thấp hơn vì ngoài đạm, lân, kali trong phân đơn còn có nhiều Canxi, Magiê, Clor (Cl), Bor (B) là các chất dừa rất cần. Lượng bón 1-1,2 kg urea + 2 kg lân nung chảy + 1-1,2 kg kali clorua (kali đỏ) + 15-20 gam Borax (hàn the)/ cây/ năm. Bà con khi bón phân cần chia làm 6-8 lần bón trong năm. Lần bón phân trong các tháng  9-10 dl do mưa nhiều, trời nhiều mây thì giảm lượng urea và tăng lượng kali để giảm rụng trái non; ngược lại trong tháng 3-4 dl nhiệt độ cao, nắng nhiều thì tăng lượng urea và giảm lượng kali để cân đối dinh dưỡng cho cây. Bón phân bằng cách rải đều dưới tán cây cách gốc 0,5 mét, cách mép mương 0,5 mét. Mép mương nên có gờ cao hơn mặt liếp và tưới nước vừa phải cho phân tan ngấm đều vào đất, tưới liên tục vài lần để cây hút được phân đầy đủ.

 

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Biện pháp quản lý tạm thời sâu đầu đen hại dừa trên địa bàn huyện Mỏ Cày Bắc
• Biện pháp quản lý tạm thời sâu đầu đen hại dừa Opisina arenosella Walker
• Dừa Bến Tre – cây cho nhiều sản phẩm nhất Việt Nam
• Sâu ăn lá – côn trùng mới gây hại trên cây dừa
• Dừa Bến Tre-cây cho năng lượng sinh khối sạch và hấp thụ khí nhà kính
• Một số giải pháp hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng của hạn mặn trên cây dừa
• Biện pháp sinh học và lý học quản lý nhóm côn trùng hại dừa
• Anh Huỳnh Thanh Tâm - Người không ngừng nâng cao giá trị cây dừa
• Một số vấn đề cần quan tâm trong canh tác dừa uống nước
• Cảnh báo mối hiểm họa của việc nuôi đuông dừa
• Sâu đục trái dừa-sâu hại mới đang phát triển trên vườn dừa
• Phương pháp thu mật và cách chế biến đường từ mật hoa dừa
• Bọ vòi voi trên cây dừa
• Bọ vòi voi-loài côn trùng mới gây hại trên cây dừa
• “Dừa mủ”-Hiện tượng phổ biến trên các vườn dừa