Thành công từ ứng dụng phép lai vào đề tài khoa học kỹ thuật của nhóm học sinh trung học cơ sở

Hội thi Khoa học và Kỹ thuật (VISEF) học sinh trung học cấp Quốc gia được tổ chức hằng năm. Đề tài tham dự thuộc 5 nhóm, lĩnh vực (Khoa học máy tính, xã hội hành vi, môi trường-thực vật-nông nghiệp, lý-kỹ thuật-cơ khí, hóa-sinh). Năm 2013, hội thi được mở rộng quy mô trên toàn quốc. Tỉnh Bến Tre tham dự ở khu vực TP Hồ Chí Minh với 6 đề tài. Trong đó có duy nhất một đề tài ở khối THCS tham gia.

 
vb                                             Nhóm thực hành tách nhị đực trên hoa bưởi.

Đó là đề tài: vận dụng các phép lai để chứng minh nguyên nhân có hạt của bưởi năm roi của nhóm học sinh Nguyễn Thị Ngân, Hứa Trường Chinh và Lê Minh Tâm-học sinh lớp 9 Trường THCS Hưng Khánh Trung A, huyện Mỏ Cày Bắc. Đề tài này đã đem về giải nhất cấp tỉnh và giải khuyến khích toàn quốc cho nhóm.
 
 Từ sự tò mò về những trái bưởi năm roi của vườn nhà có trái có hạt, có trái không có hạt, Hứa Trường Chinh đã có ý tưởng muốn tìm hiểu nguyên nhân qua việc áp dụng các phép lai được học trong chương trình sinh học lớp 9. Ý tưởng này Chinh chia sẽ với Nguyễn Thị Ngân và Lê Minh Tâm được các bạn đồng tình hưởng ứng. Các bạn bắt tay vào thực hiện đề tài này bằng cách tiến hành cách phép lai đã được học lý thuyết.

Nhóm của Chinh bắt đầu thực hiện từ tháng 6-12/2012 trên cây bưởi năm roi đang cho trái ổn định và các loại cây có múi khác như: bưởi lông, cam sành, bưởi da xanh.

Được sự giúp đỡ, hướng dẫn của thầy cô bộ môn, các bạn hăng say làm việc. Để tiến hành các phép lai, Chinh, Ngân và Tâm tìm đến các vườn bưởi năm roi để mua trái đang thu hoạch xẻ ra đếm hạt. Các bạn chọn mua 5 trái bưởi năm roi ngẫu nhiên xẻ ra và thống kê số hạt đếm được của từng trái.

Để kiểm chứng hiện tượng thụ phấn chéo trên cây bưởi, các em tiến hành các thí nghiệm như: cho bưởi năm roi tự thụ phấn bắt buộc, bưởi năm roi khử đực lai cho lai với bưởi lông, cam sành và bưởi da xanh. Các em cẩn thận chọn những hoa sắp nở, tách hoa và cắt bỏ nhị đực tránh tổn thương phần vòi, đầu nhụy và dùng túi bao cách ly. Sau khi tiến hành các phép lai, nhóm phân công từng thành viên theo dõi sự đậu trái sau khi thụ phấn.

Nhóm chọn hoa các cây có múi khác như cam sành, bưởi lông hay bưởi da xanh tôi dùng kính lúp quan sát khi hoa nở và các túi phấn có khả năng tung hạt phấn, mới chọn hái và mở các hoa bưởi đã khử đực rắc hạt phấn lên đầu nhụy. Các thí nghiệm được thực hiện ít nhất 5 hoa/1 phép lai để có kết quả chính xác.

Sau ba tháng, các bạn tiến hành thu hoạch trái để kiểm chứng. Những bông bưởi tự thụ phấn thì cho trái không có hạt. Những bông thụ phấn chéo thì cho trái nhiều hạt. Bên cạnh đó, các em còn rút ra được kết luận khi cho cây thụ phấn chéo thì tỷ lệ đậu trái cao hơn.

Trường Chinh cho biết, khi bắt tay vào thực hiện đề tài nhóm cũng gặp không ít khó khăn. Nhất là việc tìm vườn bưởi để tiến hành khảo sát và thực hiện các thí nghiệm. Các em chọn vườn bưởi ở địa bàn hai xã Hưng Khánh Trung A và Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách. Do vườn bưởi ở xa nên thời gian quan sát hiện tượng và theo dõi quá trình phát triển của trái luôn khó khăn. Dù vậy, nhưng với niềm đam mê, nhóm đã vượt qua những trở ngại ban đầu.

Kết quả giải nhất cấp tỉnh và giải khuyến khích toàn quốc vào tháng 3 vừa qua là phần thưởng cho sự phấn đấu đó. Đây chính là niềm động viên giúp các em tiến xa hơn trong nghiên cứu các hiện tượng xung quanh mình bằng lý thuyết đã được học trong nhà trường. Hứa Trường Chinh nói: “Em rất vui sướng khi biết đề tài của nhóm đoạt giải. Qua đề tài này, chúng em được nâng cao hiểu biết đồng thời giúp em áp dụng lý thuyết vào thực tiễn”. Chinh tâm quyết “Chúng em sẽ tiếp tục thực hiện hoàn chỉnh đề tài, tìm ra nguyên nhân khác cho sự đậu trái của bưởi để mở rộng quy mô, áp dụng thực tiễn trên cây bưởi”.

Đề tài: vận dụng các phép lai để chứng minh nguyên nhân có hạt của bưởi năm roi là một đề tài không mới đối với các nhà khoa học và các nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, đối với các em học sinh lớp 9 thì nghiên cứu đề tài này chính là cách mà các em ứng dụng lý thuyết của sách giáo khoa vào thực tiễn cuộc sống. Các em vận dụng các phép lai đã được học trong chương trình chứng minh lại trên cây trồng để kiểm chứng. Qua đề tài, các em đã thể hiện được khả năng tư duy của mình và tinh thần đoàn kết trong học tập.

Thầy Nguyễn Tấn Dũng giáo viên hướng dẫn vui mừng trước thành công của nhóm. “Tôi rất hài lòng. Với điều điều kiện cơ sở vật chất của trường còn hạn chế, các em đạt mức độ này tôi rất mừng”. Thầy Dũng khẳng định: “Các em có sự đam mê mãnh liệt. Tôi giao công việc các em đều hoàn thành tốt. Từ sự  nhiệt tình tích cực và làm việc không mệt mõi đó, các em biết quý trọng những thành quả trong lao động của người nông dân”.

Bên cạnh việc kiểm chứng lý thuyết, qua đề tài, nhóm còn rút ra nhiều kinh nghiệm trong việc trồng chăm sóc bưởi hiện nay như không nên trồng xen bưởi năm roi với các cây có múi khác để hạn chế việc thụ phấn chéo; sử dụng túi cách ly khi hoa nở. Áp dụng các mô hình trồng chuyên canh để nâng cao giá trị thương phẩm cho trái bưởi.

Bằng hai phương pháp khảo sát hạt trên trái bưởi năm roi và tiến hành các phép lai, nhóm học sinh lớp 9 Trường THCS Hưng Khánh Trung A đã ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn một cách sinh động. Các em chứng minh được lý thuyết vào thực tế cuộc sống hàng ngày. Đây sẽ là bài học bổ ích, khơi dậy tính tò mò, tìm tòi nghiên cứu trong học sinh. Đồng thời mở ra triển vọng nghiên cứu bằng thực nghiệm khi có những vướng mắc khi học lý thuyết.

Thu Duyên

Đài Truyền thanh Mỏ Cày Bắc

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi