Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt

Quy chuẩn kỹ thuật chất lượng quốc gia về chất lượng nước mặt (QCVN 08:2023/BTNMT) do Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường biên soạn, Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Pháp chế trình duyệt; Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định và được ban hành theo Thông tư số 01/2023/TT-BTNMT ngày 13 tháng 3 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. 

 

QCVN 08:2023/BTNMT thay thế QCVN 08-MT:2015/BTNMT.QCVN 08:2023/BTNMT quy định giá trị giới hạn các thông số chất lượng môi trường nước mặt.

 

 

Quy chuẩn này áp dụng để quản lý, đánh giá, phân loại chất lượng môi trường nước mặt, làm căn cứ cho việc bảo vệ, sử dụng nguồn nước và thực hiện các quy định của pháp luật về môi trường có liên quan.

 

Nước mặt quy định trong Quy chuẩn này là nước tồn tại trên bề mặt lục địa hoặc hải đảo, bao gồm: sông, suối, kênh, mương, khe, rạch, hồ, ao, đầm.

 

Thông số bảo vệ môi trường sống dưới nước được quy định trong Quy chuẩn này là các thông số cơ bản có ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống thủy sinh và hệ sinh thái dưới nước. Các thông số này được sử dụng để quan trắc thường xuyên, liên tục nhằm đánh giá, phân loại chất lượng nước mặt. 

 

Thông số ô nhiễm gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người được quy định trong Quy chuẩn này là các thông số có khả năng gây tổn hại tới sức khỏe khi nước mặt được con người trực tiếp sử dụng (không qua xử lý) cho các mục đích khác nhau.

 

Quy chuẩn đã quy định: 40 thông số ảnh hưởng tới sức khỏe con người (Bảng 1). Căn cứ vào mục tiêu kế hoạch quản lý chất lượng nước và chương trình quan trắc để lựa chọn các thông số cần quan trắc trong Bảng 1.

 

 Dữ liệu quan trắc để đánh giá chất lượng nước sông, suối, kênh, mương, khe, rạch bao gồm giá trị trung bình số học hàng năm tại từng điểm đo đặc trưng, ít bị tác động cục bộ trong 1 khu vực sông, suối, kênh, mương, khe, rạch với tần suất quan trắc tối thiểu là 06 lần/năm.

 

Dữ liệu quan trắc để đánh giá chất lượng nước của hồ, ao, đầm là giá trị trung bình số học hàng năm của tất cả các điểm quan trắc trong hồ, ao, đầm với tần suất quan trắc tối thiểu là 06 lần/năm.

 

Chất lượng nước tại 1 điểm đo được đánh giá là không đáp ứng mục tiêu bảo vệ sức khỏe con người nếu giá trị trung bình số học hàng năm của ít nhất 1 thông số vượt quá ngưỡng quy định tại Bảng 1.

 

Quy chuẩn còn quy định 10 thông số trong nước mặt phục vụ cho việc phân loại chất lượng nước sông, suối, kênh, mương, khe, rạch và bảo vệ môi trường sống dưới nước (Bảng 2) và 11 thông số trong nước mặt phục vụ cho việc phân loại chất lượng nước hồ, ao, đầm và bảo vệ môi trường sống dưới nước (Bảng 3).

 

Bảng 2 và Bảng 3 quy định ngưỡng giá trị giới hạn các thông số ảnh hưởng tới đời sống thủy sinh nhằm mục đích phân loại chất lượng nước; làm căn cứ để xác định mục tiêu quản lý và cải thiện chất lượng nước đối với các thông số ảnh hưởng tới đời sống thủy sinh.

 

Dữ liệu quan trắc để đánh giá, phân loại chất lượng nước sông, suối, kênh, mương, khe, rạch theo quy định tại Bảng 2 bao gồm giá trị trung bình số học hàng năm tại từng điểm đo đặc trưng, ít bị tác động cục bộ trong 1 khu vực sông, suối, kênh, mương, khe, rạch với tần suất quan trắc tối thiểu là 10 lần/năm.

 

Dữ liệu quan trắc để đánh giá, phân loại chất lượng nước hồ, ao, đầm theo quy định tại Bảng 3 là giá trị trung bình số học hàng năm của tất cả các điểm quan trắc trong hồ, ao, đầm với tần suất quan trắc tối thiểu là 10 lần/năm.

 

Việc phân loại chất lượng nước mặt theo 01 mức phân loại quy định tại Bảng 2 hoặc Bảng 3 được áp dụng cho từng thông số riêng lẻ.

 

Chất lượng nước được phân thành 4 mức A, B, C, D. Việc phân loại chất lượng nước theo 4 mức nhằm đưa ra mục tiêu cải thiện chất lượng nước cho nhóm các thông số ảnh hưởng tới đời sống thủy sinh. Để bảo đảm cho mục đích đánh giá nồng độ các độc tố ảnh hưởng tới sức khỏe con người và hệ sinh thái, tùy từng khu vực cần phải lựa chọn các thông số quy định tại Bảng 1 để đánh giá.

 

Cụ thể, mức A: Chất lượng nước tốt. Hệ sinh thái trong môi trường nước có hàm lượng oxy hòa tan (DO) cao. Nước có thể được sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt, bơi lội, vui chơi dưới nước sau khi áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp.

 

Mức B: Chất lượng nước trung bình. Hệ sinh thái trong nước tiêu thụ nhiều oxy hòa tan do một lượng lớn chất ô nhiễm. Nước có thể sử dụng cho mục đích sản xuất công nghiệp, nông nghiệp sau khi áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp.

 

Mức C: Chất lượng nước xấu. Hệ sinh thái trong nước có lượng oxy hòa tan giảm mạnh do chứa một lượng lớn các chất ô nhiễm. Nước không gây mùi khó chịu, có thể được sử dụng cho các mục đích sản xuất công nghiệp sau khi áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp.

 

Mức D: Nước có chất lượng rất xấu, có thể gây ảnh hưởng lớn tới cá và các sinh vật sống trong môi trường nước do nồng độ oxy hòa tan thấp, nồng độ chất ô nhiễm cao. Nước có thể được sử dụng cho các mục đích giao thông thuỷ và các mục đích khác với yêu cầu nước chất lượng thấp.

 

Phương pháp quan trắc để xác định giá trị nồng độ các thông số trong nước mặt được thực hiện theo quy định tại Bảng 4 hoặc theo quy định kỹ thuật quan trắc môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.

 

Các tổ chức, cá nhân trực tiếp sử dụng nước mặt cần lưu ý, đảm bảo nguồn nước sử dụng phải được xử lý đạt quy chuẩn về chất lượng nước theo từng mục đích sử dụng.Việc quan trắc định kỳ hoặc tự động, liên tục chất lượng nước mặt và sử dụng kết quả quan trắc để trực tiếp cung cấp, công bố thông tin về chất lượng môi trường cho cộng đồng phải được thực hiện bởi tổ chức đáp ứng các yêu cầu, điều kiện về năng lực quan trắc môi trường theo quy định của pháp luật.

 

Theo TBT Bến Tre 

Tin tức khác cùng chuyên mục
• EU thông qua dự luật mới giảm rác thải bao bì, cấm đồ nhựa dùng một lần
• Chanh leo Việt Nam đang tiến gần hơn đến thị trường Australia
• Thông tin về Giấy Chứng thư khi xuất khẩu thủy sản sang Israel
• Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bến xe hàng
• Dụng cụ, hộp đựng và bao bì thực phẩm
• Công nghệ thực phẩm
• Thức ăn thủy sản
• Các chất khử trùng dùng để làm sạch thực phẩm
• EU thay đổi quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản
• Xuất khẩu nông sản sang Hàn Quốc cần lưu ý quy định mới
• Trung Quốc đồng ý xem xét hồ sơ cho Việt Nam xuất khẩu thịt gia cầm
• Quy định mới về kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường của Bộ Khoa học và Công nghệ
• Sản phẩm thịt chế biến
• Thực phẩm đóng gói sẵn
• Sản phẩm thực phẩm