Bệnh dại ở chó, mèo và những biện pháp thực hiện để phòng ngừa bệnh dại

Bệnh dại là bệnh lây truyền giữa động vật và người. Vi rút dại có nhiều trong nước bọt của chó, mèo và động vật mắc bệnh, kể cả khi con vật chưa có dấu hiệu lâm sàng. Thời gian ủ bệnh dại ở động vật có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tháng nhưng trước 10 ngày phát bệnh, vi rút có thể gây nhiễm cho người và động vật khác thông qua vết cắn. Theo đó, trong mùa nắng nóng bệnh dại trên chó, mèo có nguy cơ bùng phát mạnh nếu không được kiểm soát kịp thời.

 

Biểu hiện của những con chó bị bệnh dại. Ảnh: Sưu tầm.

 

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh dại phổ biến trên toàn thế giới. Hàng năm, căn bệnh này gây ra cái chết cho 60.000 - 70.000 người và hàng triệu loài động vật. Bệnh dại là một bệnh do virus gây ra. Căn bệnh này vô cùng nguy hiểm, khi phát bệnh 100% cả người bị cắn và vật cắn đều tử vong. Hiện tại, không có cách điều trị hiệu quả đối với bệnh dại sau khi các dấu hiệu lâm sàng xuất hiện. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng ngừa được bằng cách tiêm vắc xin phòng dại trước hoặc ngay sau khi bị phơi nhiễm. Ở nước ta, bệnh dại là nguyên nhân dẫn đến hơn 70 ca tử vong mỗi năm, hầu hết các trường hợp bệnh dại ở nước ta do chó dại cắn. Do đó, để phòng tránh bệnh dại hiệu quả, người nuôi chó, mèo cần phải quản lý vật nuôi thật tốt, cùng với đó là tiêm phòng bệnh dại chó, mèo theo quy định, vừa bảo vệ đàn vật nuôi vừa bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng xung quanh.

 

Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2022, cả nước ghi nhận 70 người tử vong do bệnh dại tại 25 tỉnh, thành (tăng năm ca so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó nhiều nhất là các tỉnh Bến Tre (13 ca), Kiên Giang (5 ca), Nghệ An (5 ca) và Quảng Bình (5 ca). Từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước phát hiện 39 ca tại 13 tỉnh. Trong đó ghi nhận 4 ca tử vong trên người tại ba tỉnh, cụ thể: Lào Cai (1), Quảng Ninh (1) và Gia Lai (2).

 

Hiện nay bệnh dại trên đàn chó nuôi đang diễn biến hết sức phức tạp, do tập quán chăn nuôi thả rông, một phần do người dân chưa nhận thức đầy đủ về sự nguy hiểm của bệnh dại nên chủ quan lơ là, không thực hiện tiêm phòng bắt buộc vắc xin phòng dại cho chó, mèo; bị chó cắn không đi tiêm phòng vắc xin dại; đặc biệt, là những người trực tiếp vận chuyển, giết mổ, kinh doanh thịt chó, mèo chưa thực hiện các biện pháp phòng bệnh dại đúng quy định.

 

Vì vậy, để góp phần phòng ngừa bệnh dại lây lan, đồng thời bảo vệ sức khỏe, tính mạng của bản thân và gia đình, thiết nghĩ mỗi người chúng ta cần thực hiện các biện pháp sau:

 

Đối với người nuôi chó cần thực hiện đăng ký số lượng chó nuôi với Trưởng ấp hoặc Tổ trưởng dân phố; Thực hiện tiêm phòng bệnh dại chó, mèo nuôi. Đây là biện pháp an toàn và hiệu quả nhất để phòng ngừa bệnh dại. Đặc biệt, không được thả chó chạy rông ra ngoài đường, nơi công cộng. Ở các thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư khi dắt chó ra nơi công cộng phải có dây xích, phải rọ mõm và có người dắt. Người nuôi chó phải hường xuyên vệ sinh chuồng nuôi sạch sẽ; Báo ngay với thú y xã, huyện các trường hợp chó có biểu hiện bất thường như sốt, bỏ ăn hoặc hung dữ khác thường… Tuyệt đối không mổ thịt chó bệnh, chết để ăn.

 

Tiêm phòng vaccine dại cho chó. Ảnh: Sưu tầm.

 

Khi người bị chó cắn, cần phải xử trí vết thương theo trình tự như sau:

 

Rửa sạch vết cắn nhiều lần với xà bông đặc 20% hoặc các chất tẩy giặt khác, rửa vết thương dưới vòi nước mạnh ít nhất 5 phút, lấy bỏ hết dị vật và mô dập nát. Sát trùng vết thương bằng dung dịch cồn 70% hoặc dung dịch iode để giảm đến mức tối thiểu lượng vi rút xâm nhập. Không khâu kín da hoặc băng quá kín. Sau đó đến ngay Trung tâm Y tế Dự phòng để được tư vấn và điều trị kịp thời. Đồng thời nhốt và theo dõi sức khỏe con chó đó trong vòng 10-15 ngày.

 

Theo Nghị định số 90/2017/NĐ-CP, ngày 31/7/2017 và Nghị định số 04/2020/NĐ-CP, ngày 3/1/2020 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y thì phạt tiền từ 1 triệu - 2 triệu đồng đối với các hành vi sau: không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng; không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.

 

Ở Việt Nam, chó nhà là nguồn truyền bệnh dại cho người nhiều nhất (95-97%) sau đó đến mèo. Người tiếp xúc với chó hoặc mèo đang bị nghi ngờ nhiễm bệnh dại thì cần phải theo dõi các biểu hiện của con vật đó để giúp chúng ta nhận diện bệnh dại, từ đó có biện pháp xử lý phù hợp. Khi phát hiện những con vật có nguy cơ bị nhiễm bệnh dại hãy liên lạc ngay với cơ quan kiểm soát động vật, cơ quan thú y địa phương, hoặc gọi cho cơ quan chức năng càng sớm càng tốt.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Họp mặt kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5) và tổng kết Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ IX năm 2022-2023
• Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo-động lực phát triển bền vững
• Hợp tác xã nông nghiệp Định Thủy sau 5 năm hoạt động
• Huyện Mỏ Cày Bắc: 95% diện tích dừa bị sâu đầu đen phá hoại phục hồi
• Tập huấn kỹ năng và kiến thức thực hiện chương trình OCOP cho các Hợp tác xã của tỉnh Bến Tre
• Hoạt động tri thức trẻ hưởng ứng Tuần lễ Văn hóa - Thể thao - Du lịch Biển Thạnh Phú 2023 với chủ đề “Khoa học công nghệ - Khơi nguồn sáng tạo trẻ”
• Hội thảo phát triển du lịch thông minh gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và khai thác tài nguyên bản địa tỉnh Bến Tre
• Sở Khoa học và Công nghệ Bến Tre tổ chức nhiều hoạt động nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18 tháng 5
• Giá mít thái sốt trở lại, nông dân cần thận trọng khi đầu tư
• Phê duyệt Định hướng nghiên cứu khoa học năm 2024 của ngành Kiểm sát nhân dân
• Hội thảo “Nghiên cứu cơ giới hóa hệ thống xếp dỡ hàng từ boong tàu lên cảng cá tỉnh Bến Tre”
• Tập huấn nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy năm 2023
• Hội thảo Nghiên cứu xác định nguyên nhân thối hoa, rụng quả non chôm chôm và biện pháp phòng chống hiệu quả tại tỉnh Bến Tre
• Hội thảo “Giải pháp phát triển nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao năm 2023” trên địa bàn huyện Thạnh Phú
• Phát triển bền vững các hệ sinh thái