Huyện Mỏ Cày Bắc: 95% diện tích dừa bị sâu đầu đen phá hoại phục hồi
Tháng 10/2020 sâu đầu đen xuất hiện và tấn công một số vườn dừa ở xã Tân Bình huyện Mỏ Cày Bắc với diện tích ban đầu khoảng 5 ha, sau đó lây lan đến các xã khác trên địa bàn huyện. Qua khảo sát thống kê đến thời điểm hiện tại, diện tích gây hại 617,11ha/9.290 ha dừa toàn huyện.
Trước tình hình đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre đưa cách phòng trừ sâu đầu đen tạm thời, kết hợp trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khu vực Cù Lao Minh tiến hành khảo sát thuốc, để lựa chọn thuốc thích hợp để khuyến cáo người dân sử dụng song song đó kết hợp trường Đại học nông lâm Thành Phố Hồ chí Minh nghiên cứu đề tài nhân nuôi ong ký sinh phòng trừ sâu đầu đen.
![]() |
Phóng thích ong ký sinh phòng trừ sâu đầu đen hại dừa. |
Đợt cao điểm phòng trừ từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2021 cả hệ thống chính trị trên địa bàn huyện cùng tham gia, được sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Sau đợt cao điểm phòng trừ đến tháng 7 năm 2021, do dịch covid, giản cách xã hội nên việc phòng trừ gặp nhiều khó khăn, bên cạnh đó giá dừa xuống thấp nên nông dân ít quan tâm chăm sóc vườn dừa.
Lúc này, huyện hỗ trợ kinh phí và Tổ nhân nuôi ong ký sinh được thành lập vào ngày 29/9/2021 để sớm khống chế sâu đầu đen gây hại trên cây dừa, đây là biện pháp sinh học mang tính bền vững, bảo vệ môi trường thành phần gồm phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông và Tư vấn nông nghiệp khu vực Mỏ Cày Bắc-Chợ Lách, Trạm Trồng trọt & Bảo vệ thực vật khu vực Cù Lao Minh và đạt nhiều kết quả tốt như sau: Đến nay 95% diện tích dừa bị sâu đầu đen phá hoại trên địa bàn huyện đã phục hồi (diện tích bị nhiễm 617,11 ha, phục hồi 590,15 ha, chưa phục hồi 26,96 ha), đã phóng thích 40.211.950 ong ký sinh phòng trừ sâu đầu đen gây hại trên cây dừa.
Hiện nay vẫn áp dụng quy trình quản lý sâu đầu đen tạm thời của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre bằng biện pháp sinh học là nhân nuôi ong ký sinh lâu dài, bền vững, tạo cân bằng sinh thái. Hiện tổ nuôi nhân nuôi ong ký sinh huyện vẫn duy trì hoạt động, trung bình hàng tháng phóng thích trên 1 triệu ong ký sinh phòng trừ sâu đầu đen gây hại trên cây dừa.
Để việc phòng trừ sâu đầu đen đạt hiệu quả cao cần thực hiện các biện pháp sau:
*Biện pháp canh tác
Cắt tỉa tàu lá bị sâu gây hại đem tiêu hủy.
Bón phân cân đối, đầy đủ NPK, chia nhiều lần bón giúp cây khỏe để nhanh phục hồi sau khi bị gây hại.Không vận chuyển cây dừa giống, trái dừa bị nhiểm sâu sang vùng khác để hạn chế lây lan.
*Biện pháp hóa học
Đối với vườn dừa có trồng xen, nuôi xen: sử dụng một trong hai loại thuốc ít độc cho tôm, cá, vật nuôi Radiant 60 SC, Takumi 20WG
Đối với vườn dừa trồng chuyên: sử dụng một trong các loại thuốc: Angun 5WG, Actimax 50WG, Match 50EC.
* Biện pháp sinh học
Thời gian tới, huyện sẽ hướng đến kiểm soát sâu đầu đen bằng các biện pháp sinh học vì thực tế nhiều nơi đã áp dụng thành công biện pháp này bằng ong ký sinh. Đây là biện pháp mang tính bền vững, vừa bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao chất lượng trái dừa, tăng năng suất, phù hợp với việc thực hiện canh tác dừa hữu cơ tại Bến Tre. Bước đầu đạt kết quả tốt nhưng chúng ta không thể lơ là vì sâu đầu đen có thể bùng phát trở lại, do đó công tác nhân nuôi ong ký sinh vẫn duy trì thường xuyên.