Phụ nữ Mỹ Thạnh, Ba Tri với phong trào giúp nhau phát triển kinh tế gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững

Hội LHPN xã Mỹ Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre luôn xác định phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” là đòn bẩy thu hút hội viên tham gia tổ chức hội, do đó Hội đã triển khai nhiều giải pháp như tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo bước chuyển mạnh mẽ trong cách nghĩ, cách làm; đẩy mạnh triển khai phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển sinh kế, xây dựng các mô hình giúp phụ nữ thoát nghèo bền vững. Trong đó, phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế” đã được hội vận dụng sáng tạo, linh hoạt, bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

 


Mô hình nấm của chị Ngô Thị Thu Bê.

 

Hàng năm, Hội LHPN xã chủ động rà soát số lượng hội viên, phụ nữ nghèo và hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, xây dựng kế hoạch hỗ trợ chị em thoát nghèo bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, phù hợp với hoàn cảnh từng người, như: Hỗ trợ vốn vay ưu đãi phát triển sản xuất kinh doanh; đào tạo nghề, giới thiệu việc làm; tập huấn kỹ thuật canh tác, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; hỗ trợ hội viên, phụ nữ tiếp cận thị trường, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm…

 

Ngoài việc hỗ trợ chị em phụ nữ trồng trọt, chăn nuôi và phát triển kinh tế, Hội LHPN xã còn tích cực hỗ trợ các chị em hội viên phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh bằng cách tham gia các hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương, hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm.

 

Để tạo điều kiện, động lực thúc đẩy hội viên phát triển kinh tế gia đình, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất. Hội tích cực phối hợp với các cơ quan, ban ngành và trung tâm mở lớp dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên. Đồng thời, Hội nhận ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với dư nợ 8,8 tỷ đồng cho 266 thành viên vay vốn, nguồn vốn quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế với dư nợ 917 triệu đồng cho 114 thành viên vay vốn, nguồn vốn tài chính vĩ mô của phụ nữ tỉnh dư nợ 280 triệu đồng cho 28 thành viên tiếp cận vốn vay để phát triển kinh tế gia đình.

 

Ngoài ra, Hội Phụ nữ tiếp tục phát động phong trào tiết kiệm theo gương Bác có 1 tổ ống heo tiết kiệm với 30 thành viên tham gia hàng tháng bỏ ống heo 5.000đ/hội viên để có quỹ giúp hội viên phụ nữ nghèo, khó khăn; vận động thành lập 3 tổ tương trợ góp vốn xoay vòng có 70 chị tham gia hàng tháng góp 200.000đ/người/tháng để giúp cho 3 trong tổ có vốn phát triển kinh tế gia đình với số tiền được giúp mỗi chị từ 4.000.000đ – 6.000.000đ/chị, vận động gửi tiết kiệm vì người nghèo số tiền 720 triệu đồng.

 

Cùng với đó, hội luôn tuyên truyền, vận động chị em phát huy tinh thần chịu thương chịu khó, năng động vươn lên, đã tạo phong trào phát triển kinh tế sôi nổi, lan tỏa trong hội viên. Nhiều hội viên đầu tư chăn nuôi quy mô lớn, tích cực cải tạo diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ chăn nuôi bò hoặc trồng dừa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Từ phong trào phát triển kinh tế đã giúp cho đời sống, thu nhập của hội viên từng bước ổn định và ngày càng nâng cao. Qua đó xuất hiện nhiều mô hình kinh tế tiêu biểu trên địa bàn xã.

 

Chị Ngô Thị Thu Bê ấp Mỹ Trung, xã Mỹ Thạnh chia sẻ: Gia đình tôi trước kia thuộc diện khó khăn, được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã giới thiệu tham gia tập huấn lớp kỹ thuật trồng nấm và giới thiệu vay vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện số tiền 20 triệu đồng, tôi đã bàn với chồng mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà nấm và mua phôi của tổ liên kết sản xuất phôi để trồng. Qua nhiều năm nuôi trồng gia đình tôi đã mở rộng đầu tư quy mô nhà nấm có khoảng 8.000 bịt phôi nấm bào ngư. Mỗi ngày tôi xử lý xoay chuyền cho ra từ 10 đến 30 kg nấm thành phẩm để bỏ mối cho các chợ của xã, với 8.000 phôi nấm bán được 96 triệu đồng, trừ chi phí ra gia đình tôi còn lợi nhuận gần 50 triệu đồng”.

 

Chị Mai Thị Quế - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã chia sẻ: Trong thời gian tới Hội tiếp tục tăng cường khai thác các nguồn vốn, chú trọng hướng dẫn sử dụng vốn chặt chẽ có hiệu quả, kết hợp cho vay vốn với dạy nghề hướng dẫn kinh nghiệm làm ăn, tăng cường đào tạo nghề giới thiệu việc làm cho phụ nữ. Tuyên truyền thay đổi nhận thức, quan niệm, định hướng nghề nghiệp và học nghề cho phụ nữ, chú trọng đối tượng phụ nữ nghèo. Duy trì phong trào giúp nhau thường xuyên trong sản xuất, đời sống giúp chị em vượt lên những khó khăn, thách thức để ổn định cuộc sống, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo bền vững góp phần cùng địa phương xây dựng thành công xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2024.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi