Giồng Trôm tổ chức hội thảo xây dựng vùng sản xuất dừa tập trung gắn với phát triển chuỗi giá trị trên địa bàn huyện
Sáng ngày 26/10/2023, UBND huyện Giồng Trôm phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre tổ chức hội thảo xây dựng vùng sản xuất dừa tập trung gắn với phát triển chuỗi giá trị trên địa bàn huyện. Chủ trì hội thảo có Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Huỳnh Quang Đức, Phó Bí thư Huyện ủy – Chủ tịch UBND huyện Lê Văn Nhân.
![]() |
Đại biểu dự hội nghị. |
Tại hội thảo, đại biểu nghe các tham luận, thảo luận về các nội dung: tình hình xây dựng chuỗi giá trị cây dừa tỉnh Bến Tre; công tác quản lý nhà nước về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói; tình hình xây dựng vùng sản xuất dừa tập trung gắn với phát triển chuỗi giá trị trên địa bàn huyện Giồng Trôm; thông tin chính sách và hỗ trợ tài chính tín dụng trong phát triển chuỗi giá trị tại huyện; công tác liên kết chuỗi dừa; vùng sản xuất thị trường dừa hữu cơ trên địa bàn; xây dựng mã số vùng trồng dừa uống nước xuất khẩu; khó khăn, thuận lợi trong liên kết dừa uống nước.
Dừa là một trong 03 sản phẩm chủ lực của huyện. Diện tích dừa toàn huyện hiện nay là 19.900 ha. Từ năm 2013 huyện đã phối hợp với các doanh nghiệp và các ngành tỉnh, UBND các xã, thị trấn xây dựng và triển khai thực hiện liên kết chuỗi giá trị sản phẩm dừa cho đến nay.
Với diện tích dừa khô của huyện hiện nay là 16.104 ha. Bước đầu đã vận động thành lập các chi hội trồng dừa, tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) và tổ chức liên kết với 2 doanh nghiệp chủ lực về tiêu thụ, chế biến dừa trên địa bàn tỉnh là Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Betrimex và Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới, sau đó mở rộng quy mô diện tích liên kết và số lượng doanh nghiệp tham gia liên kết. Đến nay, diện tích dừa liên kết trên địa bàn huyện là 6.480/16.104 ha, trong đó diện tích đạt chứng nhận hữu cơ là 5.318 ha, đạt 33% diện tích dừa khô của huyện. Đến nay có 06 doanh nghiệp thực hiện liên kết, chứng nhận hữu cơ và thu mua.
Diện tích dừa uống nước là 3.885 ha, diện tích cho trái khoảng 3.331ha, trong đó dừa xiêm xanh khoảng 2.000 ha. Ban đầu Công ty XNK trái cây Mê Kông thực hiện liên kết với 20 ha tại xã Phong Nẫm, Lương Quới, Châu Hòa. Tuy nhiên, diện tích liên kết đến nay đã giảm do các hộ dân không thống nhất về phương thức thu mua. Hiện nay, còn duy trì liên kết với 05 hộ dân trên địa bàn xã Phong Nẫm với diện tích 5,2 ha.
Đến nay trên địa bàn huyện được cấp 01 mã số vùng trồng nội địa cho chi nhánh Công ty Cồ phần ECOBAY Việt Nam sử dụng và quản lý với diện dích 246 ha tại xã Bình Thành.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Huỳnh Quang Đức đề nghị trong thời gian tới, huyện cần tổ chức sản xuất chặt chẽ, mối quan hệ liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp phải rõ ràng, đồng hành gắn bó cùng phát triển. Nếu doanh nghiệp không thực hiện đúng hợp đồng, HTX có thể chủ động duy trì hoặc chấm dứt liên kết với doanh nghiệp đó và ký kết hợp đồng với doanh nghiệp khác để tiêu thụ sản phẩm.
Phát biểu tổng kết hội thảo, Phó Bí thư Huyện ủy – Chủ tịch UBND huyện Lê Văn Nhân cho biết, hội thảo đã phổ biến được kết quả công tác xây dựng vùng sản xuất dừa tập trung gắn với chuỗi giá trị trên địa bàn huyện Giồng Trôm. Qua đó đã trao đổi và thảo luận nhằm tìm ra giải pháp phát triển vùng sản xuất dừa tập trung ổn định theo tiêu chuẩn hữu cơ và xây dựng mã số vùng trồng hướng đến xây dựng chuỗi giá trị dừa bền vững. Địa phương sẽ luôn luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho vấn đề liên kết giữa bà con nhân dân với HTX, các doanh nghiệp để chuỗi giá trị dừa trên địa bàn huyện Giồng Trôm phát triển một cách bền vững.
Dịp này, các doanh nghiệp và HTX trên địa bàn huyện đã ký kết hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ dừa.