Công nghệ vũ trụ ảo-metaverse
Metaverse là một từ ghép, có gốc tiếng Hy Lạp, được ghép từ “meta” (toàn diện hơn, siêu hoặc vượt qua) và “verse” trong Universe (vũ trụ). Vì vậy, Metaverse có nghĩa là vũ trụ tiếp theo hoặc ngoài vũ trụ. Trong thời gian gần đây, thuật ngữ Metaverse đang tạo nên một xu hướng công nghệ nổi bật, đặc biệt là trong tháng 10 năm 2021 khi ông chủ Facebook, Mark Zuckerberg, quyết định đổi tên công ty thành Meta, với mục tiêu đi sâu vào thế giới ảo để tạo ra giá trị thật. Tiếp bước Facebook, các tập đoàn công nghệ khổng lồ như Microsoft, Nvidia, Tecent,… cũng đã đầu tư vào lĩnh vực này nhằm tạo nên Metaverse của riêng mình.
Vũ trụ ảo ngày nay. Ảnh: didongviet.vn. |
Metaverse như một thế giới bản sao, nó tồn tại song song với thế giới thực tại. Metaverse có thể hiểu là một vũ trụ kỹ thuật số kết hợp các khía cạnh của truyền thông xã hội, trò chơi trực tuyến, thực tế tăng cường (Augmented Reality-AR), thực tế ảo (Virtual Reality-VR), Internet, tiền điện tử và hơn thế nữa… Metaverse sẽ tác động đến tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống, khi Metaverse phát triển, nó sẽ mở ra không gian trực tuyến tương tác của người dùng đa chiều hơn so với các công nghệ hiện tại. Thay vì chỉ xem nội dung kỹ thuật số, người dùng trong Metaverse sẽ có thể đắm mình trong không gian của thế giới kỹ thuật số ảo. Trên không gian ảo này, người dùng có thể cùng nhau làm việc, gặp gỡ, chơi trò chơi, buôn bán và thậm chí là thưởng thức nghệ thuật. Các công nghệ Metaverse quan trọng hàng đầu hiện nay gồm có: tiền điện tử, AI, AR/VR, Web 3.0, Internet vạn vật (IoT), Blockchain, điện toán đám mây. Đây là các công nghệ chủ chốt cung cấp metaverse để giúp trải nghiệm Metaverse sống động hơn.
Metaverse là thế giới mới, đó là lý do các doanh nghiệp công nghệ lớn trên thế giới đầu tư vào Metaverse để kiến tạo thế giới mới. Với Metaverse, chúng ta có thể hiện thực hóa mọi thứ, từ gặp gỡ với bạn bè, gia đình, làm việc, học hỏi, vui chơi, mua sắm, sáng tạo cũng như những trải nghiệm hoàn toàn mới khác hẳn máy tính hoặc điện thoại di động. Dưới đây là một số ứng dụng nổi bật của Metaverse:
Kết nối với gia đình và bạn bè: Tương tác xã hội đóng vai trò cốt lõi của công nghệ này. Chúng ta có thể kết nối với những người khác trong các môi trường ảo và làm như vậy theo nhiều cách khác nhau. Một người có thể muốn gặp gỡ bạn bè trong một quán cà phê kỹ thuật số. Một người khác có thể thích xem nhạc sống với sự trợ giúp của metaverse. Mọi người yêu thích sự kết nối với nhau trong thế giới ảo và Metaverse tạo ra cảm giác thực như thế.
Thương mại điện tử trong Metaverse: Bán hàng trực tuyến đã thành công trong thời kỳ đại dịch toàn cầu và Metaverse sẽ hỗ trợ cho bán hàng trực tuyến phát triển tốt hơn. Metaverse cho phép các khách hàng được trải nghiệm sản phẩm thực tế thông qua môi trường ảo. Chẳng hạn như khách mua nhà có thể tham quan trực tiếp mọi căn phòng trong ngôi nhà mình đang tìm hiểu mà không cần đến trực tiếp.
Marketing: Metaverse tham gia vào hoạt động tiếp thị trực tuyến giúp các chiến dịch marketing tương tác tốt hơn với khách hàng tiềm năng thông qua các trải nghiệm. Metaverse sẽ là một trong những giải pháp chiến lược trong cạnh tranh về thương hiệu và giành thị phần trong thời gian tới, là công cụ hỗ trợ khách hàng bao gồm phản hồi của người dùng, xác minh danh tính ảo và hỗ trợ VR.
Thế giới game: Một số trò chơi trực tuyến cũng đã và đang áp dụng công nghệ metaverse làm cho môi trường chơi game sẽ trở nên dễ tiếp cận hơn, nhập vai và định hướng giá trị hơn. Trò chơi AR trên thiết bị di động Pokémon Go là một trong những trò chơi đầu tiên khai thác khái niệm này bằng cách cho phép người chơi dùng ứng dụng điện thoại thông minh để săn Pokémon ảo trong thế giới thực.
Du lịch và khám phá vũ trụ: Các công ty lớn trong ngành du lịch đang cùng làm việc để tạo ra những địa điểm ảo trong Metaverse, mô phỏng những địa điểm du lịch thực sự. Mọi người có thể ngồi một chỗ và khám phá những danh lam thắng cảnh mà họ mong muốn được đi đến. Việc phát triển tên lửa cũng như các cơ sở hạ tầng để phục vụ cho việc khám phá Vũ trụ hiện nay là rất tốn kém, mọi thứ mới chỉ đang trong giai đoạn thử nghiệm. Metaverse có thể được sử dụng để ghi nhận trải nghiệm vũ trụ dựa trên các lần thử nghiệm với mức chi phí rẻ hơn rất nhiều.
Tương tác với nghệ thuật: Công nghệ Metaverse cho chúng ta xem các phòng trưng bày nghệ thuật mà không cần đến trực tiếp. Khi xem tác phẩm nghệ thuật bằng công nghệ này chúng ta có thể chọn thử tự mình tạo ra một hoặc nhiều tác phẩm. Một số loại hình nghệ thuật trở nên dễ tiếp cận hơn với sự trợ giúp của Metaverse, vì bất kỳ ai có kết nối internet đều có thể thử một cái gì đó mới. Trên thực tế, các nghệ sĩ kỹ thuật số đã có một lượng lớn người theo dõi trên mạng xã hội và Metaverse sẽ giúp mở rộng phạm vi tiếp cận này nhiều hơn.
Y học: Giới y học có nhiều lợi thế khi ứng dụng công nghệ này. Các bác sĩ sử dụng kính VR Oculus để tập luyện cho các ca phẫu thuật xương khớp và làm quen với những lỗi sai thường gặp trước khi trực tiếp tham gia các ca mổ. Quân đội một số quốc gia cũng đã áp dụng kính VR trong việc điều trị các căn bệnh tâm thần, di chứng xảy ra do chiến tranh hoặc các vấn đề tâm lý. Các giảng viên sử dụng AR, VR và thực tế hỗn hợp (MR) để đào tạo những người sơ cứu khẩn cấp để điều trị bệnh nhân chấn thương. Trong môi trường kỹ thuật số, chúng ta không bị ràng buộc bởi các đối tượng vật lý, Metaverse có tiềm năng lớn cho việc chuyển đổi và cải thiện chăm sóc sức khỏe.
Giáo dục: Metaverse hỗ trợ cho ngành giáo dục và mang lại nhiều lợi ích cho học sinh và giáo viên. Metaverse có thể mang đến một chương trình giảng dạy với trải nghiệm tương tác được tích hợp trong thế giới thực. Metaverse cho phép học sinh phát triển kiến thức sâu và thông thạo các môn học bằng việc tham gia vào trải nghiệm tương tác. Metaverse thúc đẩy giao tiếp giữa giáo viên và học sinh, cho phép giáo viên tạo phòng để họ có thể mở các lớp học trực tuyến để học sinh học và giao lưu với nhau. Metaverse sẽ có tác động tích cực đến E-learning. Metaverse có thể tạo ra một không gian ảo cho học sinh, nơi học sinh có thể viết ghi chú, học tập và giao tiếp với các bạn học khác; minh họa tốt hơn trong việc giảng dạy của giáo viên; tương tác giữa giáo viên và phụ huynh tốt hơn; tài nguyên học tập tốt hơn với hình ảnh 3D. Với việc tạo dựng ra một thể giới ảo Metaverse, giáo viên và học sinh có thể gặp gỡ nhau trong không gian kỹ thuật số ở bất cứ vị trí nào trong thế giới thực.
Sự hợp tác: Ngày nay nhiều người thích làm việc tại nhà, nhất là sau đại dịch. Tuy nhiên họ phải tiếp tục cộng tác với các nhân viên khác trong tổ chức của họ. Metaverse sẽ giúp họ dễ dàng làm như vậy mà không cần các ứng dụng như Zoom và Microsoft Teams. Sử dụng Metaverse, một nhân viên có thể tham dự văn phòng kỹ thuật số thay vì nhìn chằm chằm vào màn hình. Công nghệ này cho phép tạo ra một nơi làm việc toàn diện và dễ tiếp cận. Với Metaverse, họ có thể tham dự các cuộc họp ở bất cứ đâu mà vẫn có thể cảm nhận đang ngồi ngay bên cạnh những đồng nghiệp của mình.
Với ý nghĩa vượt lên trên vũ trụ hiện tại, Metaverse sẽ thay đổi cách người dùng tương tác với thế giới, từ đó tạo ra một thế giới hoàn toàn mới, mang lại nhiều cơ hội cho mọi người. Tương lai của Metaverse dường như khá chắc chắn khi hầu hết các công ty công nghệ lớn đều đã và đang đầu tư rất nhiều vào nó. Được sử dụng hợp lý, Metaverse có thể giúp con người lại gần nhau hơn bao giờ hết, mang lại cho nhân loại những cơ hội mới để kết nối bất kể sự khác biệt về ngôn ngữ hoặc vị trí.