Bến Tre hội thảo các sâu hại mới trên cây dừa

Ngoài một số sâu hại cây dừa và bọ cánh cứng hại dừa, vừa qua tại Bến Tre còn xuất hiện thêm một số đối tượng sâu hại khác như: bọ vòi voi, sâu đục trái dừa, nhện dừa, sâu nái (sâu xanh gây ngứa) làm không ít người trồng dừa lo lắng; nó xuất hiện ngày càng nhiều, làm mất khả năng quang hợp của cây, làm rụng trái non, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng, sự phát triển cây dừa và môi trường sinh thái trên vườn dừa Bến Tre cũng như một số tỉnh khác ở đồng bằng sông Cửu Long.

Trước thực trạng trên, ngày 26/7/2013, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo có TS. Hồ Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phí Nam, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Cúc, Trường Đại học Cần Thơ, cùng đại diện cơ quan ban ngành tỉnh có liên quan, đại diện các phòng ban đơn vị trong ngành nông nghiệp tỉnh, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, thành phố, Trạm Khuyến nông các huyện, các hợp tác xã, Tổ Liên kết sản xuất dừa và một số nông dân tiêu biểu của tỉnh đến dự hội thảo.

Buổi hội thảo có nhiều thông tin về các sâu hại mới trên cây dừa như bọ vòi voi, sâu đục trái dừa, nhện dừa, sâu nái ăn lá dừa. Các diễn giả đã mô tả đặc điểm sinh học, cách phá hại, kinh nghiệm cách phòng trị và cuối cùng là đưa ra một số phương pháp cơ bản để quản lý phòng trừ và đồng thời tiếp tục theo dõi nghiên cứu để có một quy trình chung cho phòng trị trên từng loại sâu hại.

Theo đánh giá của các chuyên gia bảo vệ thực vật thì sự xuất hiện các loài côn trùng gây hại mới vừa nêu là do mất cân bằng sinh thái trong tự nhiên giữa các loài thiên địch và sâu hại, trong đó có nguyên nhân do bởi con người lạm dụng dùng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật, các thiên địch bị mất đi, côn trùng phá hại phát triển nhanh mà không có “quân đội” thường trực để bảo vệ lãnh thổ. Tuy nhiên, sâu hại chỉ phát triển mạnh khi gặp thời tiết thuận lợi đối với chúng như mưa hoặc nắng nhiều, rồi thì có khi qua một thời gian nó tự giảm mật số có khi biến đi nơi khác.

Mặc dù vậy, hiện tại chúng cũng đang hoành hành gây thiệt hại làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng, chất lượng đối với vườn dừa tại Bến Tre.

- Bọ vòi voi khi ấu trùng đục khoét thành đường hầm vào bộ rễ, thân, cuốn quày, trái non làm chảy mủ, thải ra nhiều phân; trái non bị rụng.

- Sâu đục trái đục vào trái dừa non đến dừa nạo để ăn xơ, hoặc ăn hoa đực, nhã tơ để di chuyển sang trái khác, khi thấy vết đục có phân thảy ra là nhận biết có sâu đục trái dừa, có khi trái dừa rụng xuống gốc vẫn còn sâu đục trái, chúng phá mùa mưa nhiều hơn mùa nắng.

- Nhện dừa đeo bám, bao phủ đầy trên hoa dừa (mo nang), trên gié hoa, chúng chích hút nhựa trong thân hoa làm rụng bông, nhất là khi hoa vừa nở rộ. Nhện có màu trắng đến nâu nhạt, to khoảng 1 mm.

- Sâu nái có màu xanh, có nhiều lông, gây ngứa. Chúng nằm khuất trong từng lá dừa để cắn ăn lá khi tàu còn xanh tốt, có khi chúng xuất hiện từng đàn sâu nằm đầy trong cọng lá chét của tàu lá dừa. Có khi cả trên các loại cây trồng khác như chuối, chôm chôm, cỏ… Nếu như không có biện pháp phòng trừ, chúng sẽ ăn hết lá xanh để lại cọng cành trơ trọi, không có màu xanh diệp lục cho cây, cây không quang hợp với ánh sáng mặt trời sẽ giảm sức sống và cho trái của cây.

 Trong buổi hội thảo chủ tọa đã lắng nghe các ý kiến đặt câu hỏi và trả lời; đồng thời cũng khuyến cáo một số ý như sau:

- Vườn dừa cần phải được vệ sinh dưới gốc không cho sâu, nhộng ủ nấp bên dưới.

- Tránh không xới xáo làm đứt rễ dừa, bọ vòi voi dễ dàng tấn công.

- Dùng nấm xanh sinh học Metarhizium anisopliae (Ma) để phun xịt lên gốc, thân và ngọn để nấm ký sinh diệt trừ bọ vòi voi.

- Khi sâu hại có mật số cao, phải cần thiết mới dùng thuốc hóa học nhóm 3-4 ít độc nhưng vẫn có hiệu quả,

- Trong thời gian lâu dài cần nghiên cứu thêm các loài ong ký sinh khác để trừ bọ vòi voi, sâu đục trái dừa.

- Không phun xịt thuốc bảo vệ thực vật khi chưa cần thiết để bảo vệ thiên địch trên mảnh vườn của mình.

  Đỗ Văn Công

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nghiệm thu đề tài “Tạo lập, quản lý, và phát triển chỉ dẫn địa lý “Thạnh Phú” cho sản phẩm gạo của huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Góp ý Quy trình kỹ thuật ương thuần dưỡng và nuôi thương phẩm cá bông lau trong ao đất tại Bến Tre”
• Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Quy định quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa
• Nghiệm thu đề tài “Khảo sát sự lưu hành của virus và đánh giá đáp ứng miễn dịch sau khi tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục trên bò tại Bến Tre”
• Hội thảo “Một số giải pháp xây dựng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu quy trình công nghệ và hệ thống thiết bị sơ chế, xử lý và bảo quản quả bưởi tươi phục vụ nội tiêu và xuất khẩu”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của kênh, rạch, mương trong chăn nuôi heo tại huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre”
• Công bố quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Khác biệt chưa biết về chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” cho sản phẩm xoài Tứ Quý
• Phát hành hóa đơn điện tử ngay sau từng lần bán hàng xăng dầu
• Bến Tre: Tập huấn về cơ chế chi trả dựa vào kết quả - RBF và hướng dẫn nghiệm thu công trình khí sinh học trong chăn nuôi cho cán bộ kiểm tra chất lượng và thợ xây, thợ lắp đặt tại địa phương
• Hội thảo “Giải pháp khai thác hiệu quả các bãi bồi, cồn nổi ven sông trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Sản phẩm gạo “Thạnh Phú” được bảo hộ chỉ dẫn địa lý