Lãnh đạo tỉnh tiếp và làm việc với đoàn công tác UBND TP. Cần Thơ về việc biên soạn Địa phương chí tỉnh Bến Tre
Ngày 20/4/2024, đoàn công tác của UBND thành phố Cần Thơ do ThS. Dương Tấn Hiển - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Cần Thơ làm trưởng đoàn có chuyến học tập kinh nghiệm thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo biên soạn Địa phương chí tỉnh Bến Tre.
Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Nguyễn Thị Bé Mười - Phó chủ tịch UBND tỉnh, PGS.TS Lâm Văn Tân - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Tham dự buổi tiếp và làm việc còn có các đồng chí là lãnh đạo của các đơn vị: Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo, trường Cao đẳng Bến Tre, Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo, Hội văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ và PGS.TS. Lưu Văn Quyết - Trưởng khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh đại diện cho Ban chủ nhiệm thực hiện đề tài Địa phương chí tỉnh Bến Tre.
![]() |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười phát biểu tại buổi tiếp và làm việc với đoàn công tác UBND Tp. Cần Thơ. |
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Bé Mười cho biết: Bến Tre là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện thí điểm việc biên soạn Địa phương chí theo quy chuẩn Địa chí Quốc gia Việt Nam nên bên cạnh những thuận lợi thì vẫn có nhiều vấn đề khó khăn mà cơ quan quản lý và người thực hiện gặp phải và cần phải có ý kiến chỉ đạo giải quyết kịp thời. Quyển Địa phương chí tỉnh Bến Tre bao gồm 3 quyển (quyển 1 - Địa lý và Lịch sử; quyển 2 - Kinh tế và Xã hội và quyển 3 - Văn hóa). Hiện nay, về cơ bản quyển 1- Địa lý và Lịch sử đã tương đối hoàn thiện và có 102 sự kiện và 150 nhân vật dự kiến sẽ được trình bày trong Địa phương chí của tỉnh. Đối với quyển 2 và quyển 3, nhóm nghiên cứu đã thu thập thông tin dữ liệu, tổ chức các cuộc hội thảo lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị, cá nhân và biên soạn tương đối hoàn thiện các nội dung nghiên cứu. Tuy nhiên, đây là những quyển sách tập hợp nhiều chuyên ngành và mang tính chuyên sâu. Vì vậy, đòi hỏi người viết phải có chuyên môn và phải am hiểu được quá trình phát triển từng lĩnh vực của tỉnh thì mới có thể tuyển chọn và ghi nhận được các thông tin mang tính bao quát, đặc trưng riêng có của từng ngành, từng lĩnh vực, địa phương; đồng thời có thể tóm tắt và đưa vào quyển sách này một cách cô đọng, chính xác, và thấy rõ được sự phát triển của địa phương theo chiều dài lịch sử. Do đó, hiện tại, quyển 2 và quyển 3 vẫn đang được nhóm nghiên cứu sắp xếp, chọn lọc thông tin để biên soạn cho hoàn chỉnh.
Theo PGS.TS Lâm Văn Tân - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre, bộ Địa chí Bến Tre được thực hiện trên cơ sở ghi chép, mô tả, cung cấp thông tin một cách chân thực nhất nhằm hướng tới việc cung cấp tri thức cơ bản tổng hợp về lịch sử, điều kiện tự nhiên, con người, kinh tế, văn hóa –xã hội,… góp phần phát triển khoa học, giáo dục và nâng cao dân trí, phục vụ công tác hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh tỉnh nhà. Đây là những quyển sách được xem như là “Bách khoa toàn thư” của tỉnh, vì vậy các thông tin được trình bày trong quyển sách này phải ngắn gọn, cô động, bao quát, chính xác và phải có giá trị giáo dục truyền thống, giá trị trong việc thông tin, quảng bá hình ảnh quê hương Bến Tre. Do đó, việc biên soạn đòi hỏi phải công phu, chỉnh chu, chính xác.
![]() |
PGS.TS. Lâm Văn Tân – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ phát biểu tại buổi tiếp và làm việc với đoàn công tác UBND Tp. Cần Thơ. |
Chia sẻ tại buổi làm việc, PGS.TS. Lưu Văn Quyết - Trưởng khoa Lịch sử Trường Đại học KHXHNV TP.HCM đại diện cho Ban chủ nhiệm thực hiện đề tài Địa phương chí tỉnh Bến Tre cho rằng để xây dựng bộ Địa phương chí cần phải có “một tổng công trình sư”. Bởi vì, việc biên soạn Địa phương chí có rất nhiều người thực hiện, mỗi người sẽ có cách tiếp cận và văn phong khác nhau. Do đó, cần phải có người chủ công để biên tập lại các nội dung, đề mục sao cho thống nhất, rõ ràng, mạch lạc. Ngoài ra, việc biên tập lại quyển địa chí rất quan trọng vì nó quyết định đến chất lượng nội dung và hình thức của công trình này.
Đối với UBND Thành phố Cần Thơ, Phó chủ tịch Thường trực TP. Cần Thơ Dương Tấn Hiển chia sẻ: Thành phố Cần Thơ cũng thực hiện 3 quyển tương tự như tỉnh Bến Tre, tuy nhiên, mỗi quyển là một nhiệm vụ nghiên cứu khoa học riêng và giao cho các đơn vị khác nhau của thành phố Cần Thơ chủ trì. Hiện nay, thành phố Cần Thơ đã ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo, Ban thẩm định biên soạn cùng phân công cụ thể sở, ban, ngành phụ trách việc biên soạn cho từng chương, từng mục trong Địa phương chí thành phố Cần Thơ. Năm 2024, địa phương cơ bản sẽ hoàn thành về vấn đề soạn thảo theo tinh thần chỉ đạo quyết liệt của cấp trên.
Kết thúc buổi làm việc lãnh đạo tỉnh đánh giá: “Buổi làm việc đã góp phần thắt chặt thêm tình đoàn kết, giúp hai địa phương có cơ hội được trao đổi, học tập kinh nghiệm chuyên môn để hỗ trợ cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ được giao trong thời gian tới”.