ISO 56000 - Bộ tiêu chuẩn quản lý đổi mới sáng tạo và những điều cần biết
Khả năng đổi mới của một tổ chức được công nhận là yếu tố then chốt cho sự tăng trưởng bền vững bền vững, khả năng ổn định kinh tế, gia tăng phục lợi và sự phát triển của xã hội. Năng lực đổi mới của một tổ chức bao gồm khả năng nhận thức được và ứng phó với các điều kiện thay đổi của bối cảnh, để theo đuổi các cơ hội mới và tận dụng kiến thức và sáng tạo của mọi người trong tổ chức với sự cộng tác của các bên quan tâm bên ngoài.
Nhằm giúp cho hệ thống quản lý đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp có thể đạt được hiệu quả và bền vững, Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC 279 Quản lý đổi mới đã xây dựng, Viện Chất lượng Việt Nam đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Việt Nam thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố Bộ tiêu chuẩn hướng dẫn mới với nội dung Quản lý đổi mới sáng tạo (Innovation Management - IM) và được gọi là ISO 56000.
Áp phích truyền thông sự kiện Chợ quê xứ dừa - sáng tạo nội dung số. Nguồn: Chợ quê xứ dừa. |
Bộ tiêu chuẩn này được áp dụng cho các tổ chức áp dụng hệ thống quản lý đổi mới hoặc thực hiện đánh giá quản lý đổi mới; các tổ chức cần cải thiện năng lực quản lý các hoạt động đổi mới một cách hiệu quả; những người sử dụng, khách hàng, và các bên quan tâm phù hợp khác (ví dụ: các nhà cung cấp, các đối tác, các tổ chức tài chính, các nhà đầu tư, các trường đại học, và các cơ quan công quyền) tìm kiếm niềm tin vào năng lực đổi mới của một tổ chức; các tổ chức và các bên quan tâm muốn cải thiện sự trao đổi thông tin thông qua hiểu biết chung về thuật ngữ dùng trong lĩnh vực quản lý đổi mới; các tổ chức cung cấp đào tạo, đánh giá hoặc tư vấn về quản lý đổi mới và hệ thống quản lý đổi mới; các tổ chức phát triển quản lý đổi mới và các tiêu chuẩn liên quan trong lĩnh vực này. Tất cả các loại hình tổ chức, bất kể là loại hình gì, khu vực nào, mức độ phát triển hay quy mô hoạt động; tất cả các loại đổi mới, ví dụ đổi mới về sản phẩm, dịch vụ, quá trình sản xuất, mẫu mã và phương pháp sản xuất, từ đổi mới gia tăng đến triệt để; tất cả các hình thức đổi mới, ví dụ đổi mới bên trong hay đổi mới mở, các hoạt động đổi mới hướng tới người dùng, thị trường, công nghệ hay thay đổi thiết kế các hoạt động đổi mới định hướng.
Bộ tiêu chuẩn ISO 56000 tập hợp các quy trình vận hành tiêu chuẩn được thiết kế để cung cấp một khuôn khổ chung để thực hiện thành công, duy trì và cải tiến liên tục hệ thống quản lý đổi mới.
Bộ tiêu chuẩn đưa ra hướng dẫn chung đối với tất cả các loại hình đổi mới, như đổi mới sản phẩm, dịch vụ, quá trình, mô hình kinh doanh và phương pháp từ cải tiến nhỏ đến đổi mới triệt để, cũng như tất cả các phương pháp tiếp cận, như đổi mới nội bộ và đổi mới mở cho người dùng, thị trường, công nghệ, và các hoạt động đổi mới dựa trên thiết kế.
ISO 56000 cho phép kết hợp với các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO khác nhau, như ISO 9000 về hệ thống quản lý chất lượng hay ISO 14000 về hệ thống quản lý môi trường,...
Bộ tiêu chuẩn đặc biệt hữu ích đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những doanh nghiệp này thường thiếu bí quyết công nghệ, phương pháp quản trị và nguồn lực để thực hiện hoạt động đổi mới. Đích đến cuối cùng của mỗi doanh nghiệp bao giờ cũng là sự bền vững và trường tồn. ISO 56000 sẽ giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu này thông qua việc: cải thiện khả năng quản lý cơ hội và rủi ro của doanh nghiệp; nâng cao doanh thu, lợi nhuận cũng như năng lực và khả năng cạnh tranh với đối thủ; tối ưu năng suất và hiệu quả sử dụng nguồn lực, giảm chi phí và chất thải; củng cố và nâng cao sự hài lòng của khách hàng, đối tác cùng các bên liên quan khác; nâng cao uy tín và giá trị của doanh nghiệp; mở rộng cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận và phát triển ra các thị trường mới trên trường quốc tế; tăng cường năng lực tuân thủ các quy định và các yêu cầu.
Bộ tiêu chuẩn ISO 56000 được ban hành từ năm 2019 với 10 tiêu chuẩn thành phần. Trong đó bao gồm cả các tiêu chuẩn đã được ban hành và các tiêu chuẩn tới nay vẫn đang trong quá trình xây dựng. Cụ thể như sau:
TCVN ISO 56000:2023 Quản lý đổi mới – Từ vựng và các nguyên tắc cơ bản hoàn toàn tương đương với ISO 56000:2020. TCVN ISO 56002 (ISO 56002) Quản lý đổi mới - Hệ thống quản lý đổi mới - Hướng dẫn, cung cấp hướng dẫn cho các tổ chức để thiết lập, thực hiện, duy trì và liên tục cải tiến hệ thống quản lý. TCVN ISO 56003 Quản lý đổi mới- Công cụ và phương pháp đối với quan hệ đối tác đổi mới- Hướng dẫn, cung cấp hướng dẫn cho các tổ chức làm việc cùng nhau để đổi mới. TCVN ISO/TR 56004 Đánh giá quản lý đổi mới - Hướng dẫn, cung cấp hướng dẫn cho các tổ chức lập kế hoạch, thực hiện và theo dõi đánh giá việc quản lý đổi mới. TCVN ISO 56005 và các tiêu chuẩn còn lại của Bộ ISO 56000 cung cấp thêm hướng dẫn về các công cụ và phương pháp hỗ trợ việc thực hiện hệ thống quản lý đổi mới. TCVN ISO/DIS 56006: Quản lý đổi mới - Các công cụ và phương pháp để quản lý trí tuệ chiến lược - Hướng dẫn (đang xây dựng). TCVN ISO/ AWI 56007: Quản lý đổi mới - Các công cụ và phương pháp để quản lý ý tưởng - Hướng dẫn (đang xây dựng). TCVN ISO/ AWI 56008: Quản lý đổi mới - Các công cụ và phương pháp đo lường hoạt động đổi mới - Hướng dẫn (đang xây dựng). TCVN ISO/WD TS 56010: Quản lý đổi mới - Các ví dụ minh họa về ISO 56000 (đang xây dựng).
Họp mặt kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5/2023. Ảnh tư liệu. |
Không tồn tại một mô hình chuẩn về đổi mới sáng tạo áp dụng cho mọi tổ chức, doanh nghiệp. Do đó, quan trọng nhất là mỗi tổ chức, doanh nghiệp phải tìm ra bước tiến phù hợp với khả năng, nguồn lực và trình độ của mình. Bởi quyết định này ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ rủi ro khi tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào đổi mới sáng tạo. Một trong những thách thức phổ biến mà doanh nghiệp thường gặp phải là máy móc và thiết bị. Các doanh nghiệp sản xuất lâu năm thường sở hữu máy móc và thiết bị có nguồn gốc từ nhiều quốc gia và thời kỳ khác nhau. Do đó, trong quá trình đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp cần tìm ra giải pháp công nghệ để tích hợp một cách tối ưu các nền tảng công nghệ và máy móc, thiết bị. Ngoài ra, vấn đề tài chính cũng là một thách thức, do yêu cầu đầu tư lớn cho quá trình đổi mới. Doanh nghiệp cần có hệ thống điều hành và nhà máy thông minh để tận dụng hiệu quả nguồn lực, nhưng chi phí cho những giải pháp này thường lớn và có thể vượt quá khả năng tài chính của doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại.
Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre với mong muốn nâng cao nhận thức về vai trò của sáng tạo và đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng xã hội phát triển bền vững và thúc đẩy sự phát triển mọi mặt của con người, kêu gọi các tổ chức, cá nhân cùng chung tay thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo. Thúc đẩy phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia với sự gắn kết chặt chẽ giữa khu vực nhà nước; khu vực sản xuất, kinh doanh, đầu tư; khu vực nghiên cứu, giáo dục đào tạo và xã hội.