Công nghệ mới-Drone Light
Công nghệ drone light (còn gọi là công nghệ trình diễn ánh sáng bằng máy bay không người lái) là nghệ thuật sử dụng kết hợp một lượng lớn máy bay không người lái (drone), mỗi chiếc được trang bị đèn Led rực rỡ có thể thay đổi màu sắc theo lập trình để tạo ra các hình dạng, hiệu ứng khác nhau với ánh sáng bắt mắt trên bầu trời đêm, tạo nên trải nghiệm thị giác độc đáo và ấn tượng, thu hút sự chú ý của khán giả.
Tại Festival Biển Nha Trang năm 2023, sự kết hợp của 1.653 chiếc drone light đã tạo nên những biểu tượng kỳ ảo và cuốn hút trên bầu trời đêm. Đây không chỉ là kỷ lục chương trình có nhiều drone light nhất Việt Nam và Đông Nam Á, mà còn là bữa tiệc của âm thanh, ánh sáng và văn hóa địa phương. Màn trình diễn này được lập trình qua máy tính từ những hình ảnh sắp xếp hay đường bay, quỹ đạo bay. Thời gian chuyển cảnh khoảng 1 phút cho mỗi hình ảnh và các drone light có thể chịu sức gió lên đến 18km/h.
![]() |
Sự kết hợp 1.653 drone light vẽ hình ánh sáng chim yến vút bay lên bầu trời trong đêm Festival Biển Nha Trang năm 2023. Ảnh: Thanh Tùng. |
Cấu tạo và cơ chế hoạt động của một drone có thể khác nhau tùy thuộc vào loại drone cụ thể và mục đích sử dụng. Tuy nhiên về cấu tạo và cơ chế hoạt động chung của các drone hiện đại bao gồm: (i) Khung và cấu trúc: drone thường có một khung bên ngoài bằng nhựa cứng hoặc hợp kim nhẹ để tăng tính cứng và giảm trọng lượng, khung có thể có một hoặc nhiều cánh quạt để tạo lực nâng và di chuyển (ii) Động cơ: đa số drone sử dụng động cơ điện để tạo ra sức mạnh đạt hiệu suất cao và khả năng kiểm soát tốt, động cơ nầy được kết nối với cánh quạt để tạo ra lực nâng (iii) Pin hoặc nguồn năng lượng: drone thường sử dụng pin lithium-ion hoặc các ngồn năng lượng khác để cung cấp điện cho động cơ và các hệ thống điều khiển điện tử khác. Thời lượng bay của một drone phụ thuộc vào dung lượng và hiệu suất của pin (iv) Hệ thống điều khiển: drone được điều khiển từ xa thông qua một bộ điều khiển từ xa hoặc có thể tự động hoạt động thông qua hệ thống tự động điều khiển. Bộ điều khiển từ xa cho phép người điều khiển điều chỉnh các thông số như tốc độ, hướng đi, độ cao và thực hiện các chức năng khác của drone (v) Cảm biến và hệ thống điều hướng: drone thường được trang bị các cảm biến như cảm biến gia tốc, cảm biến áp suất, con quay hồi chuyển, cảm biến khoảng cách để đo và giữ được vị trí và độ cao trong không gian. Các cảm biến nầy giúp drone duy trì sự ổn định, giữ cân bằng và thực hiện các chức năng như định vị GPS và tránh vật cản (vi) Hệ thống điều khiển bay: để điều chỉnh độ nghiêng và quay của drone thông qua thay đổi tốc độ quay của các cánh quạt. Hệ thống nầy cho phép drone di chuyển theo các hướng khác nhau và thực hiện các động tác bay phức tạp (vii) Hệ thống camera và sensor: một số drone được trang bị máy ảnh hoặc camera để chụp ảnh và ghi hình từ không gian. Đặc biệt các drone công nghiệp có thể được trang bị các sensor và công nghệ đặc biệt như hồng ngoại, lidar hoặc đồng hồ GPS để thực hiện các nhiệm vụ như giám sát môi trường, khảo sát địa hình, hay ghi lại dữ liệu chi tiết.
Dựa vào kích thước có thể chia done thành các loại: (i)Nano drone: kích thước nhỏ hơn 10cm và bay trong không gian hạn chế (ii) Mini drone: kích thước 10-30cm thích hợp cho bay trong nhà và ngoài trời (iii) Drone trung bình: kích thước trong khoảng 30-50cm, thích hợp cho việc chụp ảnh và quay phim (iv) Drone lớn: kích thước đường kính cánh quạt từ 50cm trở lên, thường đươc sử dụng trong các ứng dụng công nghiệp và quân sự.
Dựa vào mục đích sử dụng có thể chia done thành các loại: (i) Drone tiêu dùng: được sử dụng cho mục đích giải trí, quay phim, chụp ảnh hoặc bay cho niềm vui cá nhân (ii) Drone công nghiệp: được sử dụng trong các ngành công nghiệp như xây dựng, nông nghiệp, khảo sát, quản lý môi trường, vận chuyển hàng hóa và công nghệ cứu trợ (iii) Drone quân sự: được sử dụng trong các hoạt động quân sự như giám sát, trinh sát, tấn công và tuần tra.
Hiện nay drone có rất nhiều ứng dụng trong đời sống như (i) Nhiếp ảnh và quay phim: drone cho phép người dùng chụp ảnh và quay phim từ góc nhìn cao, mang đến những khung cảnh tuyệt đẹp và không thể đạt được bằng cách truyền thống. Các nhà làm phim, nhiếp ảnh gia, các nghệ sĩ sáng tạo sử dụng drone để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật độc đáo (ii) Giám sát môi trường: drone được sử dụng để giám sát môi trường tự nhiên như kiểm tra rừng, đánh giá mức độ ô nhiễm, quản lý động vật hoang dã, theo dõi biến đổi khí hậu. Chúng có khả năng di chuyển linh hoạt và thu thập dữ liệu từ các khu vực khó tiếp cận (iii) Giao hàng: sử dụng drone để giao hàng nhanh chóng và hiệu quả đến những khu vực khó tiếp cận, giúp giảm thiểu thời gian và chi phí vận chuyển (iv) Kiểm tra và duy trì cơ sở hạ tầng: drone được sử dụng để kiểm tra cầu đường, đường dây điện, nhà cao tầng và các cơ sở hạ tầng khác. Chúng có thể thực hiện kiểm tra an toàn và nhanh chóng mà không cần đến người thợ đi dây hoặc công nhân leo cao (v) Truyền thông và quảng cáo: drone được sử dụng để chụp ảnh, quay phim và truyền tải trực tiếp các sự kiện, buổi biểu diễn hoặc quảng cáo. Chúng có thể tạo ra các góc quay độc đáo, thu hút sự chú ý của khán giả (vi) Khám phá và giám sát địa hình: drone có khả năng bay vào những vùng địa hình khắc nghiệt hoặc nguy hiểm như ngọn núi lửa, đỉnh núi cao, vùng băng giá, các cánh đồng mênh mông. Chúng có thể thu thập hình ảnh và dữ liệu từ những khu vực mà con người không thể tiếp cận trực tiếp.
Drone light dân dụng thường có kích thước nhỏ gọn, có thể cầm trên tay và bay trong tầm quan sát, dễ sử dụng và có giá thành hợp lý. Chúng không có máy ảnh và các tính năng nào ngoại trừ việc bay đến các tọa độ được lập trình và chiếu sáng đúng màu sắc được biên đạo.
Quá trình tạo ra một chương trình biểu diễn gồm: Đầu tiên nhóm thiết kế tạo ra một bảng phân cảnh hiển thị các hình ảnh và hiệu ứng mong muốn. Những giao diện nầy sau đó được tạo hoạt ảnh trong một phần mềm chuyên dụng để chuyển chúng thành các đường bay được đồng bộ hóa cho mỗi drone và thường là một bản nhạc nền được tạo để đi kèm với chương trình. Các chương trình hoàn chỉnh được gửi đến các drone thông qua tín hiệu vô tuyến từ trạm điều khiển mặt đất do phi công điều hành. Khi phi công thấy mọi thứ đều an toàn và sẳn sàng hoạt động, chương trình bắt đầu và các drone cất cánh để vẽ bảng phân cảnh lên bầu trời. Trước mỗi buổi biểu diễn, danh sách kiểm tra được sử dụng để đảm bảo mọi thứ đều theo thứ tự: drone hoạt động bình thường, pin đã được sạc và khu vực bay rõ ràng. Khi các kiểm tra hoàn tất, phi công nhấn nút và các drone cất cánh thực hiện nhiệm vụ của chúng.
Các buổi biểu diễn nghệ thuật ánh sáng bằng drone đã mở ra một con đường mới cho các nghệ sĩ thể hiện sự sáng tạo của mình. Drone ngày càng được sử dụng rộng rãi trong nhiều sự kiện, từ những lễ hội đến các chiến dịch tiếp thị sáng tạo, trưng bày logo hay tái hiện hình ảnh, câu chuyện tình yêu của cặp đôi một cách đầy nghệ thuật trên bầu trời đêm, giúp lễ cưới thêm phần thú vị... Với các ưu điểm, đặc biệt là không có hóa chất độc hại, ô nhiễm không khí so với những màn bắn pháo hoa, phương thức trình diễn ánh sáng bằng drone ngày càng được nhiều nơi lựa chọn khi tổ chức các lễ hội lớn.
Việc sử dụng các màn trình diễn ánh sáng bằng drone đã tăng lên trong những năm gần đây, việc ứng dụng rộng rãi drone trong cả những sự kiện quy mô lớn của quốc gia, thành phố lẫn những sự kiện cá nhân cho thấy khả năng tổ chức các buổi trình diễn nghệ thuật bằng drone là vô tận, sẽ thúc đẩy thị trường trình diễn ánh sáng bằng drone tiếp tục phát triển trong thời gian tới.