Công nghệ giáo dục-Edtech
Công nghệ giáo dục (viết tắt là Edtech=Education Technology) là một khái niệm chuyển đổi việc dạy và học sách truyền thống sang dạng kỹ thuật số. Sự khác biệt chính là nhờ đổi mới công nghệ ở cách truyền tải kiến thức để việc giảng dạy trở nên hiệu quả hơn. Tóm lại Edtech đơn giản là một quá trình tích hợp công nghệ vào giáo dục để xây dựng trải nghiệm dạy/học tốt hơn mang lại kết quả học tập cao hơn.
Edtech là ứng dụng công nghệ trong giáo dục. Ảnh: itacenter.vn. |
Tại sao Edtech lại quan trọng? Có rất nhiều lý do để các nhà giáo dục chuyển sang Edtech thay thế phương pháp giảng dạy truyền thống trên giấy và bút. Edtech cho phép giáo viên cung cấp đa phương tiện để giải quyết các hình thức học tập đa dạng, chẳng hạn như hoạt hình, âm thanh, video trực tiếp v.v… Bên cạnh đó Edtech cho phép giáo viên tạo ra các khóa học trực tuyến, nơi sinh viên có thể học trong không gian riêng và theo tốc độ của riêng họ. Công nghệ giúp duy trì kết nối giữa giáo viên và học sinh để thảo luận, chia sẻ ý kiến của họ và hành động theo các tình huống một cách hợp tác, thay vì ở trong lớp học và nghe giáo viên nói trong suốt 45 phút, sinh viên có thể tham gia vào một nhóm trên nền tảng trực tuyến và học cùng nhau bằng cách tương tác với bạn bè cùng lớp, giáo viên lúc nầy đóng vai trò là người cố vấn để giúp học sinh củng cố và phát triển các kỹ năng giao tiếp giữa các cá nhân với nhau.
Edtech mang lại lợi ích cho cách giảng dạy của giáo viên cả trực tuyến và ngoại tuyến, không cần lúc nào cũng phải đến một lớp học cụ thể vào một thời điểm cụ thể, học viên có thể học bất cứ khi nào và ở đâu. Edtech làm thay đổi cách tiếp cận học tập của sinh viên, làm cho việc học tập trở nên vui vẻ, thú vị và ghi nhớ tốt hơn, áp dụng kiến thức tốt hơn vào thực tiễn cuộc sống. Edtech không có nghĩa là giáo viên phải trở thành chuyên gia công nghệ thông tin, nhưng chính giáo viên là những người phải biết dùng công nghệ làm cho giáo dục trở nên thông minh hơn, hiệu quả hơn, đáp ứng nhu cầu của người học nhiều hơn.
Edtech có nhiều ứng dụng hữu ích trong việc cải thiện quá trình giảng dạy, học tập và quản lý giáo dục. Dưới đây là các xu hướng công nghệ trong giáo dục được sử dụng hiệu quả nhất.
Elearling: Đào tạo từ xa đã trở thành xu hướng công nghệ giáo dục hàng đầu trong năm 2020 vì sự lan truyền nhanh chóng của Covid-19 và việc đóng cửa trường học. Elearning là giáo dục hoặc đào tạo được chuyển tải trực tuyến dưới dạng điện tử, nội dung được truyền tải đến người học thông qua máy tính (máy tính để bàn, máy tính xách tay, máy tính bảng) hoặc điện thoại thông minh, không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn mở ra nhiều cánh cửa học tập tương tác. Trong elearning các học viên sẽ đắm mình trong kiến thức thông qua việc đọc và xem các hoạt ảnh, tệp âm thanh và video tạo ra trải nghiệm học tập đa phương thức và thực tế. Elearning liên tục được phát triển với một loạt các phương tiện và chức năng kỹ thuật số có sẵn để dạy học sinh theo thời gian thực thông qua phát trực tiếp hoặc các cuộc họp nhóm bằng Zoom hoặc Microsoft Teams để làm phong phú bài học. Các nhà giáo dục đang sử dụng lợi thế của công nghệ nầy để làm cho việc giảng dạy, học tập hiệu quả hơn.
Học tập được video hỗ trợ: Xu hướng nầy cũng đang bùng nổ trong các điều kiện đào tạo từ xa, học sinh học qua màn hình máy tính. Video, đặc biệt là video hoạt hình, cực kỳ hữu ích để làm phong phú bài học và làm cho nội dung dễ hiểu. Nó cải thiện kết quả học tập của học sinh và giảm khối lượng công việc của giáo viên. Ngày học với video không còn là một chiếc tivi trên xe đẩy được đưa vào lớp học nữa, với internet và các thiết bị kỹ thuật số, mỗi ngày đều có thể được học với video.
Công nghệ Blockchain: Mang lại rất nhiều lợi ích cho giáo dục, đặc biệt là lưu trữ dữ liệu. Mỗi khi dữ liệu mới được thêm vào, công nghệ sổ cái phân tán từ blockchain sẽ thêm một khối khác vào hệ thống, vì vậy về mặt kỹ thuật việc lưu trữ là vô tận. Đồng thời dữ liệu sẽ được mã hóa và phân bố trên nhiều máy tính trên hệ thống, làm cho dữ liệu giao dịch được phân cấp và minh bạch. Công nghệ sổ cái phân tán từ blockchain sẽ giúp giải đáp các vấn đề về xác thực, quy mô và chi phí cho các tổ chức elearning.
Trí tuệ nhân tạo (AI): Giúp tự động hóa các hoạt động cơ bản trong ngành giáo dục. AI hỗ trợ giáo viên tự động chấm điểm các câu hỏi trắc nghiệm và điền vào chỗ trống, giúp giảng viên tối ưu hóa phương pháp giảng dạy, giúp học sinh hiểu sâu hơn và phát triển kỹ năng theo tốc độ của mỗi người. AI giúp theo dõi và phân tích dữ liệu để hiểu học sinh và sinh viên một cách cá nhân hơn. Hệ thống giáo dục thông qua AI đảm bảo phần mềm học tập được tùy chỉnh cho từng người học. Chatbot AI có thể trả lời câu hỏi của học sinh và cung cấp hỗ trợ liên tục, giúp giảng viên giảm bớt gánh nặng công việc. AI tạo ra các hệ thống giảng dạy ảo, giúp học sinh tương tác và học tập thông qua các tài liệu nghiên cứu. AI có khả năng nhận dạng hình ảnh và giọng nói, giúp tạo ra trải nghiệm học tập đa dạng và thú vị.
Phân tích học tập: Cho phép các nhà giáo dục đo lường và báo cáo quá trình học tập của học sinh, xác định các nhóm học sinh gặp khó khăn trong học tập hoặc hành vi. Khi giáo viên biết được những thông tin sâu về quá trình học tập của học sinh, họ có thể cải thiện việc tiếp thu kiến thức và kỹ năng của học sinh một cách phù hợp. Ngoài ra giáo viên có thể nhận thấy những phần kiến thức nào không được truyền tải hiệu quả và sẽ nâng cao, phát triển chúng vào lần sau để giúp học sinh tiếp thu tốt kiến thức phát huy hết tiềm năng của mình.
Game hóa: Game hóa trong giáo dục là việc sử dụng cơ chế và kỹ thuật trò chơi trong bối cảnh không phải trò chơi, để khuyến khích sự tham gia, tương tác và tạo động lực cho học sinh. Thông qua việc áp dụng các yếu tố trò chơi và tính năng của trò chơi, game hóa giúp tạo ra trải nghiệm giáo dục tương tác và thú vị hơn, nâng cao chất lượng giảng dạy. Khi học sinh tham gia vào các hoạt động học tập được game hóa, các em phát triển các kỹ năng quan trọng như giải quyết vấn đề, hợp tác và tư duy phản biện.
Học tập nhập vai với VR và AR: Công nghệ Thực tế Ảo (VR) và Thực tế Tăng Cường (AR) đang đóng góp tích cực trong lĩnh vực giáo dục nhằm cải thiện trải nghiệm học tập và tạo ra môi trường học tập đa dạng và thú vị cho học sinh. (i)Du hành tới mọi nơi bằng thiết bị VR: Các chuyến đi dã ngoại luôn quan trọng trong giáo dục, VR cho phép học sinh du hành đến những địa điểm như núi Phú Sỹ, Vạn Lý Trường Thành, hay thậm chí Mặt trăng mà không cần đặt chân đến thực tế. (ii)Trải nghiệm học tập từ xa bằng AR/VR: Internet phát triển khiến việc kết nối từ xa dễ dàng hơn, công nghệ VR giúp học sinh và giáo viên trải nghiệm học tập tại nhà mà không khác gì trong lớp học thực tế. Điều này đặc biệt hữu ích trong tình hình dịch bệnh như COVID-19. (iii)Tạo môi trường thực hành an toàn: VR cho phép mô phỏng các phòng thí nghiệm, thiết bị và thực hiện các thí nghiệm mà không lo lắng về an toàn. (iv)Dạy các học sinh đặc biệt: Công nghệ AR/VR giúp tạo ra trải nghiệm học tập phù hợp với học sinh có nhu cầu đặc biệt, như học sinh khuyết tật hoặc học sinh khó khăn về học tập. (v)Nghiên cứu và giải phẫu chi tiết: AR/VR cho phép học sinh nghiên cứu và khám phá các khía cạnh chi tiết của các đối tượng, từ cơ thể người đến các hiện tượng khoa học.
STEAM: là viết tắt của các từ Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật), Art (nghệ thuật) và Math (toán học). Giáo dục STEAM là một khái niệm dạy học liên ngành kết hợp giữa nghệ thuật với các môn học STEM truyền thống là khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học để giải quyết các vấn đề trong thế giới thực thông qua các hoạt động học tập trải nghiệm và thiết kế sáng tạo. STEAM giúp học sinh ngày càng tò mò về thế giới xung quanh, tạo ra một môi trường an toàn để người học thể hiện và trải nghiệm ý tưởng của họ khi có những tư duy bứt quá.
Truyền thông xã hội trong học tập: Mọi người đã dành quá nhiều thời gian trên mạng xã hội, tại sao chúng ta không biến nó thành một công cụ mạnh mẽ để nâng cao học tập. Nhiều Trường, Viện đã bắt đầu sử dụng phương tiện truyền thông xã hội như một công cụ giao tiếp, tương tác với sinh viên một cách dễ dàng. Sinh viên chia sẻ tài liệu học tập, thảo luận với nhau trong nhóm hoặc nhận xét bài đăng của người khác. Các bài học, video giáo dục được tạo ra và đăng chúng lên mạng xã hội để mọi người có thể truy cập, tìm và chia sẻ.
Công nghệ đang ngày càng phát triển và trở thành một phần không thể thiếu trong mọi lĩnh vực của đời sống, trong đó có giáo dục. Edtech mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho cả thầy cô giáo và học sinh, nhưng công nghệ không phải là mục đích cuối cùng mà là công cụ để hỗ trợ việc giảng dạy, học tập và phát triển kỹ năng cho học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.