Doanh nghiệp thủy sản gặp khó khi xuất hàng sang EU vì vướng kiểm tra chuyên ngành

Các doanh nghiệp mong muốn sớm được tháo gỡ vướng mắc liên quan đến thủ tục nhập khẩu nguyên liệu thủy sản từ New Zealand, để không ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu vào châu Âu nói chung.

 

Sau gần 2 tháng gửi kiến nghị lên Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam vẫn chưa nhận được phản hồi về việc tháo gỡ vướng mắc liên quan đến giấy chứng nhận an toàn thực phẩm (H/C - Health Certificate) của nguyên liệu thủy sản nhập khẩu từ New Zealand, dùng để chế biến xuất khẩu vào châu Âu.

 

Trước đó, theo phản ánh của Công ty TNHH Highland Dragon, công ty này có lô hàng thành phẩm sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu của New Zealand. Lô hàng không được Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 4 (thuộc Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường) tiếp nhận thẩm định cấp H/C, do nội dung của giấy chứng nhận H/C trong hồ sơ nguyên liệu nhập khẩu không phù hợp với mục XI - chương trình xuất khẩu thủy sản vào Liên minh châu Âu (EU - European Union) theo quyết định số 5523/QĐ-BNN-CCPT ngày 21 tháng 12 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành “Chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản và sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang thị trường Liên minh Châu Âu”.

 

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, trước thời điểm tháng 02/2024, khi Quyết định 5523/QĐ-BNN-CCPT chưa có hiệu lực, đã có rất nhiều lô hàng tương tự mà doanh nghiệp nhập nguyên liệu từ New Zealand để chế biến xuất khẩu sang EU đã được cơ quan thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, thẩm định, cấp H/C xuất khẩu sang EU.

 

 

Tuy nhiên, từ tháng 02/2024 đến nay khi Quyết định 5523/QĐ-BNN-CCPT có hiệu lực, các lô hàng tương tự này đã không được cấp chứng thư H/C xuất khẩu vào EU.

 

Trong khi đó, châu Âu và New Zealand đã có thỏa thuận song phương về các biện pháp vệ sinh áp dụng đối với trao đổi thương mại động vật sống và sản phẩm động vật. Vì vậy, các lô hàng thủy sản xuất khẩu từ New Zealand sang EU vẫn được diễn ra bình thường.

 

Từ vướng mắc trên, hiệp hội kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, rà soát và điều chỉnh phù hợp việc công nhận, thừa nhận lẫn nhau với các quốc gia đã có thỏa thuận với EU, trong đó đặc biệt là New Zealand, để phù hợp với các quy định hiện hành và thông lệ quốc tế, không gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh mà vẫn đảm bảo mục tiêu kiểm soát an toàn thực phẩm.

 

Đồng thời, xem xét cấp chứng thư H/C cho các lô hàng xuất khẩu EU có nguồn gốc nguyên liệu nhập khẩu, như trường hợp New Zealand, đang bị từ chối hoặc chờ bổ sung để kịp giao hàng cho khách hàng EU.

 

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, những vướng mắc về kiểm tra chuyên ngành đã ảnh hưởng đến kết quả xuất khẩu của doanh nghiệp sang thị trường EU. Mặc dù trong 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã thu về 3,6 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ. Trong đó, vào tháng 5 vừa qua, nhiều thị trường đã tăng trưởng 13-15% như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc,…còn xuất khẩu thủy sản vào EU chỉ phục hồi ở mức khiêm tốn là 5%.

 

Nguồn: trungtamwto.vn

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc, cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt?
• Indonesia ban hành quy định mới về kiểm dịch sản phẩm nhập khẩu
• Chile chính thức cấp C/O mẫu VC bản điện tử từ ngày 01/11/2024
• Quy chuẩn mới về Trạm kiểm tra tải trọng xe
• Thành phần thực phẩm được sử dụng trong thực phẩm
• Công nghệ thực phẩm
• Chai polyetylen terephthalate (PET) đựng dầu ăn
• Thiết bị, thùng chứa và bao bì
• Rau và các sản phẩm có nguồn gốc từ rau
• Sản phẩm có vật liệu độn
• Tập huấn quy định về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng, dầu
• Doanh nghiệp hải sản gặp khó với S/C để xuất khẩu sang châu Âu
• Quy định mới trong năm 2025 gây khó khăn cho nông sản Việt sang EU
• Đăng ký mã số xuất khẩu sang Trung Quốc, có doanh nghiệp doanh thu "khủng" cũng không đáp ứng được yêu cầu
• Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng công trình đảm bảo tiếp cận sử dụng