Phân loại chất thải rắn tại nguồn góp phần bảo vệ môi trường

Với sự phát triển nhanh của xã hội hiện nay, rác thải được sinh ra nhiều hơn. Việc phân loại rác thải tại nguồn là một trong những hành động cơ bản nhất, đơn giản nhất để bước đầu giải bài toán bảo vệ môi trường.

 

Nhằm mục đích nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cá nhân, cộng đồng thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động và hình thành thói quen trong việc thực hiện phân loại rác thải tại nguồn ngay khi có phát sinh rác thải. Ngày 19/8/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre đã ban hành kế hoạch số 5396/KH-UBND về việc phân loại chất thải rắn tại nguồn trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

 

Phân loại rác sinh hoạt. Ảnh nguồn: https://ninhbinh.edu.vn.

 

Kế hoạch đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2024 tỷ lệ phân loại chất thải rắn sinh hoạt đạt 50%, đến cuối năm 2025 đạt 70%. Trong đó, đối với các huyện đạt chuẩn bảo vệ môi trường nông thôn mới nâng cao, tỷ lệ phân loại chất thải rắn sinh hoạt đạt 70% trở lên, các xã đạt chuẩn bảo vệ môi trường nông thôn mới nâng cao, tỷ lệ phân loại chất thải rắn sinh hoạt đạt 50% trở lên. Hoàn thành xây dựng bộ tài liệu phục vụ tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Bến Tre theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn của Trung ương, triển khai áp dụng rộng rãi trên toàn tỉnh.

 

Đến năm 2030 tiếp tục duy trì, mở rộng thực hiện phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn tỉnh đạt trên 90%; người dân có trách nhiệm cao về bảo vệ môi trường, không còn vứt rác ra nơi công cộng, đường, sông, rạch; xây dựng tỉnh Bến Tre xanh - sạch - đẹp. Kiện toàn, mở rộng mạng lưới và đội ngũ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ huyện đến xã; đầu tư xây dựng các trạm trung chuyển, điểm tập kết rác thải theo Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 để từng bước đáp ứng lộ trình thực hiện vận chuyển rác thải về khu xử lý rác thải tập trung của tỉnh (Nhà máy đốt chất thải rắn phát điện). Ban hành đơn giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, pháp luật về giá và các quy định có liên quan khác theo nguyên tắc “chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích phát sinh”.

 

Kế hoạch cũng đã đề ra những nội dung cụ thể cần thực hiện như:

 

Phân loại chất thải rắn sinh hoạt:  Chất thải rắn sinh hoạt được phân loại theo quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 9368/BTNMT- KSONMT ngày 02 tháng 11 năm 2023. Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt phải phù hợp với hạ tầng kỹ thuật, thiết bị thu gom, phương tiện vận chuyển và công nghệ xử lý hiện có, phù hợp với điều kiện nguồn lực, tình hình thực tế địa phương.

 

- Chất thải rắn sinh hoạt được phân thành 03 nhóm. Cụ thể như sau:

+ Nhóm: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế.

+ Nhóm: Chất thải thực phẩm (thức ăn thừa, rác thải hữu cơ,... được tận dụng, tái chế làm thức ăn chăn nuôi hoặc làm phân bón hữu cơ,.).

+ Nhóm: Chất thải rắn sinh hoạt khác (rác thải vô cơ).

 

Tuyên truyền, vận động: Các cấp, các ngành phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tập trung tuyên truyền ý nghĩa, lợi ích của việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn nhằm nâng cao ý thức, hình thành thói quen của chủ nguồn thải về phân loại rác thải tại nguồn; vận động thường xuyên, liên tục bằng hình thức phù hợp để người dân, hộ gia đình và các tổ chức thực hiện tốt phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, bỏ rác đúng nơi quy định. Nêu cao vai trò gương mẫu, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý, công chức, viên chức, người lao động của các cấp từ tỉnh đến cơ sở.

 

Lồng ghép tuyên truyền, phổ biến về phân loại rác thải tại nguồn, giảm thiểu phát sinh rác thải và kêu gọi hành động trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị xã hội, cộng đồng dân cư thông qua các cuộc họp, tập huấn, hội nghị, hội thảo,... diễn ra trên địa bàn tỉnh. Lồng ghép các chủ đề về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn vào các hoạt động môi trường, các ngày kỷ niệm về môi trường như: Ngày môi trường thế giới (05/6), Ngày nước Thế giới (22/3), Giờ Trái Đất, Ngày Đại dương Thế giới (06/6),. góp phần nâng cao nhận thức về phân loại rác thải tại nguồn.

 

Nâng cao trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp trong công tác phân loại rác thải tại nguồn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường do rác thải. Vận động các doanh nghiệp chuyển đổi cách thức vận hành sản xuất và đổi mới dịch vụ hướng tới mục tiêu giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần.

 

Tăng cường vai trò và thúc đẩy các sáng kiến, mô hình trong thực hiện phân loại rác thải tại nguồn của các tổ chức chính trị - xã hội, các cấp, các ngành tại địa phương. Trong đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ của cấp xã giữ vai trò nòng cốt trong việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn phụ nữ và các đối tượng khác trên địa bàn tham gia tập huấn về phân loại rác thải tại nguồn, hình thành thói quen thực hiện phân loại rác thải tại nguồn.

 

Nâng chất và đẩy mạnh triển khai thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn cho đối tượng là cơ quan, trường học, trung tâm thương mại, siêu thị, bệnh viện, khu vui chơi, khu công cộng, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư mới, chung cư, chợ và hộ gia đình, cá nhân,... đảm bảo đạt mục tiêu đã đặt ra.

 

Thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại

Ủy ban nhân dân cấp huyện lựa chọn đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt thông qua hình thức đấu thầu theo quy định của pháp luật hiện hành; trường hợp không thể lựa chọn thông qua hình thức đấu thầu thì thực hiện theo hình thức đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ theo quy định tại khoản 1 Điều 77 Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các quy định của pháp luật có liên quan.

 

Ủy ban nhân dân cấp huyện ưu tiên đưa vào quy hoạch, bố trí mặt bằng để đầu tư xây dựng các điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo Điều 76 Luật Bảo vệ môi trường 2020, các quy chuẩn kỹ thuật hiện hành và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Kiện toàn mạng lưới, hệ thống thu gom, vận chuyển rác thải đảm bảo có tính lâu dài; điểm tập kết, trạm trung chuyển rác thải phải có khu vực riêng biệt để lưu giữ các nhóm chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại, bố trí khu vực tiếp nhận rác thải nguy hại phát sinh trong sinh hoạt, rác thải cồng kềnh.

 

Đơn vị cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đã được lựa chọn phải sử dụng các thiết bị, phương tiện phù hợp đối với từng nhóm chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại theo lộ trình thực hiện của Ủy ban nhân dân tỉnh. Phương tiện, thiết bị thu gom, vận chuyển rác thải phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường; quá trình thu gom, vận chuyển phải đảm bảo không trộn lẫn các nhóm rác thải đã được phân loại. Trước mắt, khi số lượng phương tiện thu gom, vận chuyển chưa đáp ứng thu gom riêng biệt toàn bộ lượng chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại thì tùy theo điều kiện thực tế tại địa phương và khối lượng của từng nhóm rác thải sinh hoạt phát sinh, đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải tổ chức, sắp xếp tần suất thu gom rác thải sau phân loại cho phù hợp, đảm bảo vệ sinh môi trường: tần suất thu gom nhóm rác thải thực phẩm không vượt quá 02 ngày/lần; nhóm rác thải sinh hoạt khác không vượt quá 03 ngày/lần; trường hợp thu gom chung hai nhóm rác thải này thì tần suất không vượt quá 02 ngày/lần.

 

Khẩn trương tái cơ cấu, đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre (nay là Nhà máy đốt chất thải rắn phát điện), hoạt động xử lý rác thải sẽ hiệu quả hơn khi tiếp nhận rác thải đã được phân loại; tiếp tục hoàn thiện Nhà máy xử lý rác huyện Thạnh Phú, đẩy nhanh tiến độ kêu gọi đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác thải An Hiệp, huyện Ba Tri để đáp ứng nhu cầu xử lý rác thải sau phân loại trong tương lai. Trường hợp các nhà máy xử lý rác thải chưa đi vào hoạt động, chất thải rắn sinh hoạt được xử lý chủ yếu bằng biện pháp chôn lấp trực tiếp thì khuyến khích các bãi chôn lấp rác thải tập trung sử dụng ô chôn lấp riêng biệt cho các nhóm rác thải sau phân loại để tăng cường hiệu quả xử lý rác thải, giải quyết hiệu quả vấn đề ô nhiễm môi trường, nhất là mùi hôi và nước rỉ rác.

 

Xây dựng giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh dựa trên khối lượng hoặc thể tích rác thải phát sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, đảm bảo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, từ đó việc thực hiện phân loại rác thải tại nguồn sẽ mang lại hiệu quả thiết thực.

 

Triển khai thực hiện hình thức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải thông qua giá bán bao bì chứa đựng rác thải trên toàn tỉnh; các yêu cầu về kỹ thuật (kích cỡ, vật liệu,...) và màu sắc bao bì lưu chứa phải đảm bảo phù hợp với quy định và áp dụng đồng bộ trên toàn tỉnh.

 

Tăng cường phối hợp, kiểm tra đảm bảo tính đồng bộ trong thực hiện phân loại rác thải tại nguồn

Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác quản lý rác thải sinh hoạt, thực hiện phân loại rác thải tại nguồn ở các cấp, nhất là cấp xã; trong đó Ủy ban nhân dân cấp xã chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương để triển khai thực hiện các mô hình thí điểm về phân loại rác thải tại nguồn; đồng thời, quyết định thành phần tham gia là cán bộ môi trường, Trưởng ấp/khu phố, Tổ trưởng Tổ nhân dân tự quản,... và các đơn vị khác phù hợp để tổ chức kiểm tra, giám sát công tác phân loại rác thải tại nguồn của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn quản lý. Báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp, đánh giá rút kinh nghiệm hàng năm, tiếp tục cải tiến nhân rộng mô hình cho những năm tiếp theo.

 

Ủy ban nhân dân cấp xã chủ trì, phối hợp với đơn vị cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, cộng đồng dân cư, các đơn vị liên quan để xác định thời gian, địa điểm, tần suất và tuyến đường thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo thẩm quyền; xem xét, giải quyết kiến nghị, phản ánh của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân liên quan đến việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho đơn vị thu gom, vận chuyển hoặc đến điểm tập kết đúng quy định; hướng dẫn cộng đồng dân cư giám sát và công khai trường hợp không tuân thủ quy định về phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt theo khoản 7 Điều 77 Luật Bảo vệ môi trường 2020.

 

Huy động sự tham gia của cộng đồng trong công tác giám sát, phản ảnh đến Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cấp huyện để theo dõi, giám sát và xử lý đối với các đơn vị cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, cũng như đối với các cơ sở sản xuất - kinh doanh - dịch vụ, hộ gia đình, cá nhân thải bỏ rác không đúng nơi quy định, không thực hiện phân loại rác thải tại nguồn.

 

Việc phân loại rác tại nguồn góp phần tiết kiệm được tài nguyên; mang lại lợi ích cho chính chủ nguồn thải từ việc tận dụng phế liệu tái chế và phân tự chế biến. Phân loại rác tại nguồn góp phần giảm thiểu ô nhiễm. Phân loại rác tại nguồn góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên và môi trường.  Phân loại rác tại nguồn góp phần giảm thiểu tổng lượng rác thải trong cộng đồng thải ra môi trường nhằm giảm tải cho môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý.

 

Đính kèm chi tiết Kế hoạch (5396/KH-UBND).

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Hướng dẫn một số nguyên tắc chung đối với công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước sử dụng các mô hình chatbot AI phục vụ công việc
• Kết quả thực hiện Chương trình hành động số 47-CTr/TU của Tỉnh ủy và kế hoạch 6623/KH-UBND về thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
• Công nhận 22 doanh nghiệp thuộc nhóm dẫn đầu địa phương
• Ra mắt ban liên lạc đồng hương Bến Tre tại thành phố Hà Nội
• Ngày An ninh mạng Việt Nam-ngày 6/8 hàng năm
• Chương trình thúc đẩy, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh hiện diện trực tuyến tin cậy, an toàn với các dịch vụ số sử dụng tên miền quốc gia “.vn”