Doanh nghiệp hải sản gặp khó với S/C để xuất khẩu sang châu Âu
Doanh nghiệp hải sản đã gặp phải rất nhiều các khó khăn, bất cập - đặc biệt là liên quan đến giấy xác nhận nguyên liệu (S/C), dẫn đến việc doanh nghiệp không thể có được hồ sơ cần thiết cho việc xuất khẩu các lô hàng hải sản sang Châu Âu.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP - Vietnam Association of Seafood Exporters and Producers) cho biết, cộng đồng doanh nghiệp luôn chủ động và nỗ lực đồng hành với Chính phủ, với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong tuân thủ tốt các quy định kiểm soát có liên quan đến chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU - Illegal, unreported and unregulated fishing) và phát triển bền vững ngành hải sản khai thác.
Trong quá trình hợp tác với các chủ thể của chuỗi sản xuất, xuất khẩu hải sản để có được đầy đủ các hồ sơ, giấy tờ xác thực cho mỗi lô hàng, doanh nghiệp hải sản đã gặp phải rất nhiều các khó khăn, bất cập - đặc biệt là liên quan đến giấy S/C tại các tỉnh, dẫn đến việc doanh nghiệp không thể có được hồ sơ cần thiết cho việc xuất khẩu các lô hàng hải sản sang Châu Âu. Và đây cũng là thực trạng khiến hạn chế đáng kể việc tiêu thụ nguyên liệu cho ngư dân, cũng như giảm đáng kể các dòng hàng sang Châu Âu.
Cụ thể, bất cập trong công tác quản lý tàu khai thác và thủ tục xin cấp giấy S/C, sự phối hợp của các bên liên quan trong quản lý tàu khai thác, xử phạt vi phạm còn chưa đồng bộ, thống nhất - khiến không ít tàu cá vi phạm ngoài “vùng khơi” chưa cải thiện tích cực.
Theo ý kiến của một số doanh nghiệp, để hạn chế việc tái phạm, cần xem xét việc xử lý vi phạm hành chính của các tàu khai thác vùng khơi khi không thực hiện đúng. Việc này cần sự phối hợp giám sát chặt chẽ và xử phạt vi phạm hành chính giữa các cơ quan chấp pháp với địa phương, dưới sự chủ trì của Ủy ban nhân dân tỉnh để đứng ra xử phạt trong quá trình đi kiểm tra phát hiện có vi phạm.
Nhiều tàu khai thác không làm giấy cam kết đủ điều kiện an toàn thực phẩm (theo Thông tư 17/2018/TT-BNNPTNT ngày 31 tháng 10 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định phương thức quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nên các doanh nghiệp cũng đã không thể được cấp giấy S/C để làm điều kiện xuất khẩu được.
Hiện nay, tình hình tàu khai thác mất kết nối dữ liệu hành trình vẫn còn nhiều. Có thực trạng, doanh nghiệp trong nhiều trường hợp dù đã nỗ lực tối đa, nhưng vẫn không thể nắm chắc hay kiểm tra được nguyên liệu thu mua là hợp pháp hay không hợp pháp. Quy định hiện hành không cho doanh nghiệp được kiểm tra giám sát hành trình của tàu cá hoặc dữ liệu giám sát hành chính mà Ban quản lý cảng cá và chi cục được cấp sử dụng.
Vì vậy, doanh nghiệp là chủ thể luôn ở thế bị động trong việc kiểm soát nguồn gốc và tính hợp pháp của nguồn nguyên liệu khai thác. Chủ tàu cá và đại lý thu mua luôn có các đầu mối tiêu thụ khác không cần đến giấy S/C, nên các chủ thể này ở một số nơi đã không hợp tác, hỗ trợ để doanh nghiệp có được đủ thông tin, chứng từ phục vụ việc làm giấy S/C khi mua nguyên liệu để chế biến xuất khẩu sang Châu Âu. Rất nhiều trường hợp “dở khóc, dở cười” ảnh hưởng đến thủ tục xin S/C của doanh nghiệp sau khi doanh nghiệp đã thu mua nguyên liệu.
Theo ông Hòe, để tháo gỡ các bất cập, vướng mắc theo điều kiện thực tế tại các địa phương trong quản lý khai thác hải sản, thủ tục cấp S/C và khơi thông cho sản xuất, xuất khẩu hải sản, cần tháo gỡ các vướng mắc liên quan.
Trong đó, từ ngày 01/7/2024, hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc khai thác điện tử (eCDT) được triển khai cho 100% tàu cá ra vào cảng, bao gồm việc thu nộp nhật ký khai thác thủy sản và giám sát sản lượng bốc dỡ qua hệ thống eCDT. Hiện nay, các cảng cá đang yêu cầu ngư dân khi vào cảng sẽ phải khai báo thông tin sản lượng trên app điện thoại, cảng cá không chấp nhận khai báo trên giấy.
Tuy nhiên, hiện nhiều tàu khai thác khi vào cảng bán nguyên liệu cho doanh nghiệp nhưng ngư dân không chịu vào app điện thoại để khai báo thông tin sản lượng cho Ban quản lý cảng cá duyệt để bấm bán nguyên liệu cho doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp không thể làm thủ tục xin giấy S/C được. Trong tháng 7/2024, nhiều cảng cá không cấp giấy biên nhận bốc dỡ thủy sản và giấy S/C cho nguyên liệu thủy sản khai thác.
Bên cạnh đó, hiện nay các chủ tàu cũng chưa quen với Hệ thống eCDT, nên chưa hoặc không tạo biên nhận mua bán với doanh nghiệp trên app điện thoại. Do đó, doanh nghiệp không làm được hồ sơ xin S/C… ảnh hưởng đến việc sản xuất, xuất khẩu.
Nguồn: haiquanonline.com.vn