Công nghệ bền vững

Công nghệ bền vững (CNBV): Là một thuật ngữ chung mô tả tất cả những đổi mới sáng tạo có xem xét đến yếu tố tài nguyên thiên nhiên và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. CNBV là những công nghệ được phát triển và sử dụng nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững và ổn định. Mục tiêu của CNBV là tạo ra các sản phẩm và quy trình không chỉ hiệu quả mà còn thân thiện với môi trường và có thể duy trì lâu dài. CNBV bao gồm nhiều loại công nghệ khác nhau, tất cả đều nhằm mục đích giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững, đảm bảo cho các thế hệ tương lai sẽ có đủ tài nguyên và môi trường sống lành mạnh để phát triển.

 

Phát triển CNBV đang trở thành một xu hướng quan trọng và cần thiết, ngày càng được chú trọng trên toàn cầu. Dưới đây là một số CNBV tiêu biểu:

 

Công nghệ bền vững là xu hướng công nghệ liên quan đến môi trường. Ảnh: vista.gov.vn.

 

Năng lượng tái tạo: Là nguồn năng lượng có khả năng tái tạo liên tục và ít gây hại cho môi trường như Năng lượng mặt trời: Sử dụng các tấm pin mặt trời để chuyển đổi ánh sáng mặt trời thành điện năng, đây là nguồn năng lượng tái tạo phổ biến nhất và được sử dụng ở nhiều quy mô khác nhau, từ hộ gia đình đến các nhà máy điện lớn. Năng lượng gió: Sử dụng tua-bin gió để chuyển đổi năng lượng từ gió thành điện năng, các trang trại gió có thể được đặt trên đất liền hoặc ngoài khơi. Năng lượng thủy điện: Sử dụng sức mạnh của nước chảy để quay tua-bin và tạo ra điện, đây là nguồn năng lượng tái tạo lớn nhất trên thế giới và thường được sử dụng ở các khu vực có sông suối lớn. Năng lượng sinh khối: Sử dụng các vật liệu hữu cơ như gỗ, rơm rạ và chất thải nông nghiệp để sản xuất năng lượng, sinh khối có thể được đốt trực tiếp hoặc chuyển đổi thành nhiên liệu sinh học như ethanol và biodiesel. Năng lượng địa nhiệt: Sử dụng nhiệt từ lòng đất để sản xuất điện hoặc cung cấp nhiệt cho các hệ thống sưởi ấm. Năng lượng sóng và thủy triều: Sử dụng sức mạnh của sóng biển và thủy triều để tạo ra điện. Những nguồn năng lượng này không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn góp phần vào việc giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và tăng cường an ninh năng lượng.

 

Công nghệ tiết kiệm năng lượng: Bao gồm nhiều giải pháp và thiết bị khác nhau nhằm giảm tiêu thụ năng lượng và tăng hiệu suất sử dụng năng lượng: Đèn LED: Tiêu thụ ít năng lượng hơn và có tuổi thọ cao hơn so với đèn sợi đốt và đèn huỳnh quang. Thiết bị điện hiệu suất cao: Các thiết bị như máy lạnh, tủ lạnh, máy giặt được thiết kế để tiêu thụ ít năng lượng hơn mà vẫn đảm bảo hiệu suất hoạt động tốt. Hệ thống quản lý năng lượng thông minh: Sử dụng các cảm biến và phần mềm để giám sát và điều chỉnh việc sử dụng năng lượng trong các tòa nhà và nhà máy. Công nghệ cách nhiệt: Sử dụng vật liệu cách nhiệt hiệu quả để giảm mất nhiệt trong các tòa nhà, giúp tiết kiệm năng lượng cho hệ thống sưởi ấm và làm mát. Biến tần (Inverter): Sử dụng biến tần trong các thiết bị như máy lạnh và máy bơm để điều chỉnh tốc độ động cơ, giúp tiết kiệm năng lượng. Hệ thống chiếu sáng thông minh: Sử dụng cảm biến chuyển động và ánh sáng tự nhiên để điều chỉnh độ sáng của đèn, giúp tiết kiệm năng lượng. Xe điện và xe hybrid (hay còn gọi là xe lai, là loại xe ô tô sử dụng song song hai nguồn động cơ là động cơ đốt trong (thường là động cơ xăng) và động cơ điện): Sử dụng công nghệ điện và hybrid trong giao thông để giảm tiêu thụ nhiên liệu và phát thải khí nhà kính. Những công nghệ này không chỉ giúp giảm chi phí năng lượng mà còn góp phần bảo vệ môi trường và tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên.

 

Tái chế và quản lý chất thải: Nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và tận dụng tài nguyên từ rác thải. Rác thải được phân loại tại nguồn hoặc tại các cơ sở xử lý để tách riêng các loại rác có thể tái chế, tái sử dụng và rác thải nguy hại. Rác thải sau khi phân loại được thu gom và vận chuyển đến các cơ sở xử lý hoặc tái chế. Một số loại rác thải có thể được tái sử dụng trực tiếp mà không cần qua quá trình xử lý phức tạp, như chai lọ, đồ dùng nhựa. Các vật liệu như nhựa, kim loại, giấy và thủy tinh được xử lý để tái chế thành các sản phẩm mới. Rác thải không thể tái chế hoặc tái sử dụng sẽ được xử lý bằng các phương pháp như đốt phát điện, chôn lấp hợp vệ sinh hoặc xử lý sinh học. Quá trình quản lý chất thải bao gồm việc giám sát, kiểm tra và đảm bảo các quy trình xử lý rác thải tuân thủ các quy định về môi trường. Những hoạt động này không chỉ giúp giảm thiểu lượng rác thải phải chôn lấp mà còn tận dụng được nguồn tài nguyên từ rác thải, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

 

Nông nghiệp thông minh: Là một lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, giảm chi phí và cải thiện tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp: Sử dụng các cảm biến để giám sát điều kiện đất, nước và cây trồng, dữ liệu thu thập được sẽ giúp nông dân điều chỉnh các yếu tố môi trường để tối ưu hóa sản xuất. Sử dụng robot và máy móc tự động để thực hiện các công việc như gieo hạt, thu hoạch, và phun thuốc trừ sâu, giúp giảm chi phí lao động và tăng hiệu quả. Sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích dữ liệu từ các cảm biến và đưa ra các quyết định thông minh về quản lý cây trồng và vật nuôi. Sử dụng công nghệ để quản lý và tối ưu hóa việc tưới nước, giúp tiết kiệm nước và tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên.

 

Nhà kính thông minh: Sử dụng công nghệ để kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng trong nhà kính, giúp tạo ra môi trường lý tưởng cho cây trồng. Sử dụng hệ thống định vị toàn cầu và các công nghệ khác để quản lý đất đai và cây trồng một cách chính xác, giúp tối ưu hóa việc sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu. Những công nghệ này không chỉ giúp tăng năng suất và hiệu quả sản xuất mà còn góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

 

Công nghệ số: Là quá trình chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình số, sử dụng các công nghệ tiên tiến để tối ưu hóa quy trình làm việc và nâng cao hiệu quả: Sử dụng các công cụ và kỹ thuật để thu thập, lưu trữ và phân tích lượng dữ liệu khổng lồ, giúp đưa ra các quyết định kinh doanh chính xác hơn. Kết nối các thiết bị và hệ thống qua internet để thu thập và chia sẻ dữ liệu, giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất và quản lý. Sử dụng các dịch vụ lưu trữ và xử lý dữ liệu trên internet, giúp tiết kiệm chi phí và tăng cường khả năng mở rộng của hệ thống. Áp dụng các thuật toán và mô hình học máy để tự động hóa các quy trình và phân tích dữ liệu, giúp cải thiện hiệu suất và đưa ra các dự đoán chính xác. Sử dụng công nghệ chuỗi khối để tạo ra các hệ thống giao dịch an toàn và minh bạch, giúp giảm thiểu rủi ro gian lận và tăng cường tính bảo mật. Sử dụng công nghệ để tạo ra các trải nghiệm ảo hoặc tăng cường, giúp cải thiện đào tạo và hỗ trợ trong nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục và sản xuất. Tự động hóa quy trình bằng robot giúp tối ưu hóa quy trình và giảm thiểu tác động môi trường. Những công nghệ này không chỉ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình làm việc mà còn mở ra nhiều cơ hội mới trong kinh doanh và phát triển bền vững.

 

Giao thông bền vững: Là một hệ thống vận tải được thiết kế để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, xã hội và kinh tế: Sử dụng các phương tiện chạy bằng năng lượng tái tạo như xe điện, xe lai (hybrid), xe chạy bằng nhiên liệu sinh học. Xây dựng và cải thiện cơ sở hạ tầng như đường bộ, đường sắt và đường thủy để hỗ trợ các phương tiện xanh và giảm thiểu ùn tắc giao thông. Phát triển hệ thống giao thông công cộng hiệu quả như xe buýt, tàu điện ngầm và xe buýt nhanh để giảm thiểu việc sử dụng xe cá nhân. Thiết kế đô thị theo hướng bền vững, bao gồm việc tạo ra các khu vực đi bộ, làn đường dành riêng cho xe đạp và các khu vực không có xe hơi. Sử dụng các công nghệ như hệ thống quản lý giao thông thông minh để tối ưu hóa luồng giao thông và giảm thiểu tắc nghẽn. Áp dụng các chính sách và quy định nhằm khuyến khích sử dụng phương tiện xanh và giao thông công cộng, như thuế carbon và các ưu đãi cho xe điện. Những yếu tố này không chỉ giúp giảm thiểu lượng khí thải và ô nhiễm không khí mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống và thúc đẩy phát triển bền vững.

 

Hòa cùng với xu hướng phát triển CNBV chung của cả nước, tỉnh Bến Tre đã tổ chức nhiều chương trình giáo dục và nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và phát triển CNBV cho cộng đồng, đặc biệt là cho học sinh và sinh viên; tỉnh đã đầu tư vào các dự án năng lượng gió và năng lượng mặt trời, nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch và bảo vệ môi trường; tỉnh cũng đã tập trung vào phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng mới dựa trên nền tảng năng suất, chất lượng, hiệu quả tăng trưởng, thích ứng với biến đổi khí hậu; áp dụng các mô hình nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ và bền vững; sử dụng công nghệ cao để tăng năng suất và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường; triển khai các dự án quản lý và bảo vệ nguồn nước, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn, xây dựng hệ thống đê bao và kênh mương để bảo vệ đất nông nghiệp và nguồn nước ngọt.

 

Tỉnh đã tập trung vào việc phát triển công nghiệp theo mô hình tăng trưởng bền vững, đặc biệt là trong lĩnh vực chế biến Dừa, các lĩnh vực chế biến nông sản, thủy sản, may mặc và cơ khí. Bến Tre đã được phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu trở thành một tỉnh xanh, phát triển hài hòa với thiên nhiên và tăng trưởng kinh tế bền vững. Thành phố Bến Tre đang hướng tới việc trở thành một đô thị thông minh, hiện đại với việc đầu tư xây dựng các phòng điều khiển và giám sát hạ tầng đô thị thông minh.

 

Những nỗ lực này không chỉ giúp Bến Tre phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ; tập trung phát triển kinh tế biển; công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng mới gắn bảo vệ môi trường, sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu; có đô thị hiện đại, nông thôn giàu bản sắc, du lịch thân thiện; quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; người dân có cuộc sống văn minh, ấm no, hạnh phúc; góp phần vào sự phát triển bền vững chung của cả nước. 

 

Bài tổng hợp từ:

https://www.vista.gov.vn

https://som.edu.vn

https://fpt-is.com

https://vjst.vn/vn

Quy hoạch Bến Tre thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050

 

 

 

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Ưu tiên phát triển công nghệ viễn thông 4G và 5G trong giai đoạn tiếp theo của cách mạng công nghiệp 4.0
• Công nghệ lượng tử
• Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam
• Tiềm năng, quy mô và triển vọng thị trường Halal
• Tập trung mọi nguồn lực phát triển kinh tế huyện Thạnh Phú
• Công nghệ IOT cho hệ thống chiếu sáng thông minh
• Trí tuệ nhân tạo tạo sinh
• Bến Tre triển khai thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Công nghệ bán dẫn và ngành công nghiệp bán dẫn
• Công nghệ vũ trụ ảo-metaverse
• Các lĩnh vực công nghệ tối quan trọng, cuộc chạy đua giữa các cường quốc
• Công nghệ năng lượng xanh
• Công nghệ mới nổi: Hydro xanh
• Xu hướng các công nghệ mới nổi
• Tiềm năng phát triển nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn ở Bến Tre