Xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc, cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt?

Với dư địa thị trường lớn, xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc đang là cơ hội nhưng cũng là thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam, đòi hỏi cần nhận diện đầy đủ để đối phó, đặc biệt là vấn đề về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.

 

Thông tin từ Cục Bảo vệ Thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, trung bình mỗi năm, tổng giá trị nhập khẩu quả sầu riêng tươi của Trung Quốc vào khoảng 7 tỷ USD. Dự kiến trong một vài năm tới, con số này sẽ vượt mức 10 tỷ USD.

 

Năm 2023, Trung Quốc đã nhập 1 tỷ USD sầu riêng đông lạnh, chủ yếu từ Thái Lan và Malaysia. Con số này dự kiến cũng sẽ tăng. Nguyên nhân là bởi sầu riêng tươi chỉ có 30% là cơm, 70% là hạt, vỏ phải loại bỏ, gây ô nhiễm môi trường.

 

Người tiêu dùng ở Trung Quốc được nhận định sẽ sớm chuyển sang sản phẩm đông lạnh, vì nó phù hợp hơn. Điều này đến từ việc sầu riêng đông lạnh có thời gian bảo quản dài, có thể sử dụng luôn hoặc dùng làm nguyên liệu cho các sản phẩm khác...

 

 

Có thể thấy, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn trên thế giới. Việc mở cửa thị trường này sẽ mở ra cơ hội thu về hàng tỷ USD cho sầu riêng Việt Nam, dù thực tế ngành sầu riêng cấp đông trong nước hiện nay vẫn còn nhiều thách thức.

 

Theo Cục Bảo vệ thực vật, vừa qua, Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư về xuất khẩu mặt hàng sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc. Với Nghị định thư vừa ký kết, năng lực hiện tại và nhu cầu của thị trường Trung Quốc, dự báo kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đông lạnh của Việt Nam có thể đạt hàng trăm triệu USD.

 

Doanh nghiệp cần làm gì?

 

Bên cạnh tiềm năng lớn từ thị trường, ngành hàng sầu riêng hiện đang gặp nhiều khó khăn. Một trong những thách thức mà nông dân, doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt là Trung Quốc đang trồng thử nghiệm 2.700ha sầu riêng tại phía nam đảo Hải Nam.

 

Tiếp đến, việc một số doanh nghiệp Việt Nam chưa có ý thức tuân thủ Nghị định thư đã ký giữa hai nước, khiến nhiều vi phạm kỹ thuật xảy ra. Nếu không chấn chỉnh, không nâng cao nhận thức về tuân thủ quy định, thì Trung Quốc sẽ có biện pháp xử lý. Đây là điều rất không đáng có, chỉ vì vài doanh nghiệp vi phạm mà cả ngành hàng bị ảnh hưởng.

 

Vừa qua, Cục Bảo vệ thực vật đã tổ chức thông tin, phổ biến và hướng dẫn việc thực hiện Nghị định thư về xuất khẩu mặt hàng sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc. Theo đó, đối với sầu riêng đông lạnh, Cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo các doanh nghiệp phải thiết lập một hệ thống quản lý an toàn thực phẩm hiệu quả; tiến hành in trên nhãn bao bì sản phẩm, mã đăng ký sản xuất thực phẩm xuất khẩu và số đăng ký kiểm dịch được cấp.

 

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt nhấn mạnh, Trung Quốc có quy định rất rõ ràng và chặt chẽ nhằm đảm bảo các sản phẩm nhập khẩu an toàn cho người tiêu dùng trong nước. Do đó, doanh nghiệp cần nộp đầy đủ hồ sơ, đáp ứng đủ các tiêu chí để xuất khẩu thực phẩm sang thị trường 1,4 tỷ dân một cách thuận lợi.

 

Trong thời gian tới, ông Huỳnh Tấn Đạt lưu ý, các doanh nghiệp xuất khẩu, cơ sở đóng gói, vùng trồng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định tại Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật và an toàn thực vật đối với xuất khẩu sầu riêng đông lạnh từ Việt Nam sang Trung Quốc.

 

Phía Cục Bảo vệ thực vật cũng kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ những quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm trong sản xuất, đóng gói sầu riêng đông lạnh, nhất là trong việc sử dụng mã số, kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm.

 

Cùng với nghiên cứu kỹ các quy định của Trung Quốc và tuyệt đối tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu của Nghị định thư, Cục Bảo vệ thực vật khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu, cơ sở đóng gói, chế biến sầu riêng đông lạnh cần chủ động xây dựng các chuỗi liên kết thực chất từ vùng trồng đến cơ sở đóng gói và doanh nghiệp xuất khẩu; đồng thời xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc đảm bảo cho việc truy xuất khi có yêu cầu. 

 

Nguồn: trungtamwto.vn 

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Ủy ban Codex thông qua nhiều tiêu chuẩn về thực phẩm mới
• Lùi một năm thực thi EUDR, Việt Nam thêm thời gian đảm bảo chuỗi cung ứng
• Tháo gỡ vướng mắc thực hiện gỡ thẻ vàng IUU
• Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trám lấp giếng không sử dụng
• Hạt có dầu
• Sản phẩm thực phẩm
• Mật ong
• Tăng cường công tác kiểm tra thực hiện quy định về hóa đơn điện tử từng lần bán hàng đối với hoạt động kinh doanh và bán lẻ xăng dầu
• EU công nhận 3 tổ chức được chứng nhận hữu cơ từ Việt Nam
• Điểm tên 5 khó khăn mà doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đang đối mặt
• Điều chỉnh biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu một số mặt hàng
• Quy định về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng
• Kim chi
• Dư lượng hóa chất nông nghiệp
• Đồ uống trái cây xay nhuyễn