Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu biện pháp quản lý sâu bệnh hại chính trên thân, quả và vùng rễ cây sầu riêng góp phần hoàn thiện quy trình quản lý tổng hợp, phát triển sản xuất cây sầu riêng tại Bến Tre hiệu quả, an toàn theo hướng hàng hóa”
Chiều ngày 13/10/2024, tại Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Hội đồng KH&CN cấp tỉnh đã thực hiện nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN “Nghiên cứu biện pháp quản lý sâu bệnh hại chính trên thân, quả và vùng rễ cây sầu riêng góp phần hoàn thiện quy trình quản lý tổng hợp, phát triển sản xuất cây sầu riêng tại Bến Tre hiệu quả, an toàn theo hướng hàng hóa”, đề tài do Viện Bảo vệ thực vật chủ trì, TS. Lại Tiến Dũng làm chủ nhiệm. Dự và chủ trì buổi họp có PGS.TS. Lâm Văn Tân - Giám đốc Sở KH&CN, Chủ tịch hội đồng cùng các thành viên Hội đồng.
Đề tài được thực hiện với mục tiêu nhằm bổ sung, hoàn thiện quy trình quản lý tổng hợp, phát triển cây sầu riêng tại Bến Tre hiệu quả, an toàn, phù hợp với sản xuất hàng hóa trong nước và xuất khẩu trong điều kiện bị tác động bởi biến đổi khí hậu.
Quang cảnh buổi họp. |
Báo cáo tại buổi họp, TS. Lại Tiến Dũng - Chủ nhiệm nhiệm vụ và nhóm nghiên cứu cho biết đã tập trung thực hiện các nội dung nghiên cứu gồm có: Điều tra thực trạng, thu thập, bổ sung thành phần sâu bệnh hại chính có vai trò gây hại quan trọng trên thân, quả và vùng rễ cây sầu riêng tại tỉnh Bến Tre; Nghiên cứu đặc điểm sinh học, sinh thái, quy luật phát sinh gây hại của một số đối tượng sâu, bệnh hại chính trên thân, quả và vùng rễ trên cây sầu riêng; Đánh giá, xác định chủng vi sinh vật có hoạt tính sinh học, an toàn để phòng trừ bệnh hại chính trên thân, quả và vùng rễ trên cây sầu riêng; Nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật để xây dựng quy trình quản lý tổng hợp sâu bệnh hại chính trên thân, quả và vùng rễ cây sầu riêng hiệu quả, an toàn theo hướng hữu cơ; Xây dựng mô hình quản lý tổng hợp sâu bệnh hại chính trên cây sầu riêng hiệu quả, an toàn theo hướng hữu cơ.
Sau thời gian nghiên cứu, qua kết quả điều tra, đánh giá thực trạng sản xuất tại vùng trồng sầu riêng tập trung huyện Châu Thành và Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, nhóm thực hiện đã xác định: Đối với vườn trồng mới giai đoạn kiến thiết cơ bản, người trồng sầu riêng chưa áp dụng đúng mật độ và khoảng cách (trồng quá dày), phổ biến là 4x5m hoặc 5x5m. Đối với các vườn sầu riêng trong giai đoạn kinh doanh, việc sử dụng phân bón vô cơ NPK, phân bón qua lá thường gấp từ 1,5-2 lần còn chiếm 22,77% so với quy trình TBKT đã được công bố, dẫn đến lãng phí và tiềm ẩn nguy cơ giảm pH của đất, gây ô nhiễm môi trường. Hầu hết không bổ sung vôi bột hàng năm. Số lượng phân chuồng hoai mục được bổ sung hàng năm còn rất ít, chủ yếu là các loại phân rơi, phân gà từ nguồn thị trường tự do trong nước.
Thành phần các loài sâu bệnh hại chính ở trên thân, quả và vùng rễ cây sầu riêng gồm: sâu đục thân, rệp sáp, sâu đục quả, và bệnh xì mủ và bệnh vàng lá thối rễ là những đối tượng gây hại chính đối với cây sầu riêng ở Bến Tre. Ngoài nấm Phytophthora palmivora đã được xác định là tác nhân gây bệnh xì mủ trên cây sầu riêng, kết quả bổ sung thêm 2 loài nấm Phytophthora đó là Phytophthora cinnamomi, Phytopythium cucurbitacearum cũng là một trong các tác nhân gây bệnh xì mủ. Thời gian phát sinh gây hại của các loài sâu bệnh hại chính tập trung từ tháng 2 đến tháng 10 hàng năm. Các yếu tố thời tiết, xâm nhập mặn, phương thức thâm canh và các biện pháp canh tác như cắt tỉa, vệ sinh đồng ruộng đóng vai trò quan trọng trong hạn chế mật độ sâu hại và tỷ lệ bệnh hại tại các vùng sản xuất sầu riêng tập trung tại Bến Tre.
Từ kết quả nghiên cứu,nhóm thực hiện đã tuyển chọn và sản xuất thử nghiệm 01 chế phẩm sinh học dạng bột bổ sung 02 chủng xạ khuẩn Streptomyces XK2, XK5, Trichoderma TH1 và TH4 từ nguồn vi sinh vật bản địa thu thập tại Bến Tre. Xây dựng hoàn thiện 01 quy trình quản lý tổng hợp sâu bệnh hại chính trên thân, quả và vùng rễ cây sầu riêng ứng dụng chế phẩm sinh học hiệu quả, an toàn theo hướng hữu cơ.
Các thành viên Hội đồng đã thảo luận và đánh giá nhóm thực hiện đã nghiêm túc thực hiện và hoàn thành các mục tiêu, nội dung đã được phê duyệt. Hội đồng nghiệm thu cũng đề nghị nhóm thực hiện tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện báo cáo tổng kết, đánh giá chi tiết hiệu quả của ứng dụng mô hình và hoàn thiện quy trình kỹ thuật, chuyển giao, áp dụng kết quả nghiên cứu vào ứng dụng trong các vùng trồng sầu riêng trong thời gian tới. Kết quả đánh giá nghiệm thu với 100% thành viên Hội đồng đánh giá đạt.