Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu các giải pháp quản lý hiện tượng thối quả bưởi da xanh sau thu hoạch tại Bến Tre”
Sáng ngày 13/10/2024, tại Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Hội đồng KH&CN cấp tỉnh đã thực hiện nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN “Nghiên cứu các giải pháp quản lý hiện tượng thối quả bưởi da xanh sau thu hoạch tại Bến Tre”, đề tài do Viện Bảo vệ thực vật chủ trì, TS. Phạm Anh Tuấn làm chủ nhiệm. Dự và chủ trì buổi họp có PGS.TS. Lâm Văn Tân - Giám đốc Sở KH&CN, Chủ tịch hội đồng cùng các thành viên Hội đồng.
Tỉa cành, tạo tán cho cây tại mô hình. |
Đề tài được thực hiện với mục tiêu nhằm xác định nguyên nhân gây hiện tượng thối quả sau thu hoạch và các tác nhân chính có vai trò gây hại quan trọng đối với hiện tượng thối quả trước và sau thu hoạch trên quả bưởi da xanh tại tỉnh Bến Tre, từ đó nghiên cứu và đề xuất các giải pháp phòng chống hiệu quả và bền vững hiện tượng thối quả bưởi da xanh tại các vùng trồng trọng điểm tại tỉnh Bến Tre. Xây dựng quy trình áp dụng tổng hợp các biện pháp phòng chống hiện tượng thối quả từ khi quả non đến sau thu hoạch tại tỉnh Bến Tre và tập huấn kỹ thuật và chuyển giao kỹ thuật phòng chống tổng hợp hiện tượng thối quả sau thu hoạch cho các nông hộ trực tiếp sản xuất và cơ sở thu mua bảo quản bưởi da xanh trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Báo cáo tại buổi họp, TS. Phạm Anh Tuấn - Chủ nhiệm nhiệm vụ và nhóm nghiên cứu cho biết đã tập trung thực hiện các nội dung nghiên cứu gồm có: Điều tra, đánh giá thực trạng sản xuất và hiện tượng thối quả bưởi da xanh trước và sau thu hoạch tại một số vùng trồng bưởi chính và tại các cơ sở thu mua, bảo quản, tiêu thụ bưởi tại Bến Tre; Xác định nguyên nhân gây hiện tượng thối quả bưởi da xanh sau thu hoạch và các loại bệnh hại có vai trò gây hại quan trọng đối với hiện tượng thối quả bưởi da xanh trước và sau thu hoạch tại tỉnh Bến Tre; Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học, sinh thái, quy luật phát sinh phát triển và gây hại của một số tác nhân chính gây hiện tượng thối quả bưởi da xanh; Nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp tổng hợp, xây dựng 01 quy trình phòng chống hiệu quả và bền vững hiện tượng thối quả bưởi da xanh tại các vùng trồng trọng điểm tại tỉnh Bến Tre; Xây dựng mô hình (3ha) áp dụng các biện pháp phòng chống tổng hợp hiện tượng thối quả bưởi có hiệu quả, an toàn. Tập huấn kỹ thuật cho 200 lượt cán bộ kỹ thuật, bà con nông dân trồng bưởi da xanh và các cơ sở thu mua đầu mối tại Bến Tre.
Sau thời gian nghiên cứu và triển khai mô hình thực tế tại các nhà vườn ở Thành phố Bến Tre, huyện Mỏ Cày Bắc, huyện Châu Thành và huyện Giồng Trôm với tổng diện tích 3 hecta trồng bưởi da xanh, nhóm thực hiện đã đánh giá được tình hình sản xuất cây bưởi da xanh và thực trạng hiện tượng thối trái bưởi trước và sau thu hoạch. Nhóm đã xác định được hiện tượng thối trái bưởi da xanh sau thu hoạch tại Bến Tre là do nấm Lasiodiplodia theobromae là tác nhân gây hiện tượng thối nhũn, trên vườn được gọi dưới tên khô đầu cành. Geotrichum candidum là tác nhân gây hiện tượng thối chua. Nấm có nguồn gốc trên vườn và xâm nhập vào trong trái thông qua vết thương cơ giới do: Côn trùng gây hại: Sâu đục trái (Citripestis sagittiferella), ruồi đục trái (Bactrocera dorsalis) và các loài chích hút khác… và do va dập trong quá trình thu hoạch, vận chuyển, xử lý tại nhà máy.
Qua đó, nhóm thực hiện đã đề xuất các giải pháp quản lý bao gồm: đối với trên vườn cần hạn chế nguồn bệnh, sâu trên vườn và nâng cao sức chống chịu trái bưởi trước thu hoạch; tại nhà máy cần hạn chế va dập và tăng hiệu suất công tác rửa trái, áp dụng màng bao và kháng nấm.
Các thành viên Hội đồng đã thảo luận và đánh giá nhóm thực hiện đã nghiêm túc thực hiện và hoàn thành các mục tiêu, nội dung đã được phê duyệt. Hội đồng nghiệm thu cũng đề nghị nhóm thực hiện tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện báo cáo tổng kết, đánh giá chi tiết hiệu quả của ứng dụng mô hình và hoàn thiện quy trình kỹ thuật, chuyển giao, áp dụng kết quả nghiên cứu vào ứng dụng trong các vùng trồng bưởi da xanh trong thời gian tới. Kết quả đánh giá nghiệm thu với 100% thành viên Hội đồng đánh giá đạt.